Nguyễn Đức Lộc: Vượt khó giữ trọn "lửa nghề"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tròn 8 năm vợ mất, thầy giáo Nguyễn Đức Lộc-Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) phải chật vật trong cảnh “gà trống nuôi con”. Cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng thầy chưa bao giờ thôi nỗ lực vươn lên để giữ ngọn “lửa nghề” luôn cháy mãi.
Nhiệt huyết, tận tâm với nghề
Sáng thứ hai, phòng học bộ môn Âm nhạc của Trường THCS Phạm Hồng Thái rộn vang giai điệu vui tươi của nhạc phẩm “Hành khúc tới trường”. Đôi tay thầy Nguyễn Đức Lộc lướt nhanh trên phím đàn piano, hòa giọng cùng học trò lớp 6/11 ngân nga từng câu hát. Có lẽ với thầy Lộc, giây phút bình yên nhất là khi được sống hết mình với âm nhạc trong vai trò người thầy đứng trên bục giảng.
Sinh năm 1978, Nguyễn Đức Lộc đã sớm mang trong mình niềm đam mê bất tận với âm nhạc. Vì vậy, khi học hết bậc phổ thông, Lộc quyết tâm thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Huế, chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc. Tốt nghiệp năm 2002, thầy Lộc về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Hai năm sau, thầy chuyển về công tác tại Trường THCS Phạm Hồng Thái cho đến bây giờ.
16 năm gắn bó với ngôi trường này, thầy Lộc đã truyền cảm hứng âm nhạc cho biết bao thế hệ học trò bằng sự nhiệt thành, trách nhiệm của mình. Để đem đến những bài giảng chất lượng nhất, thầy Lộc không ngừng trau dồi kiến thức lẫn chuyên môn, tích cực nghiên cứu các phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả và tạo được sự thích thú nơi học sinh.
“Ngoài việc hát, chơi đàn trực tiếp trên lớp, trong quá trình giảng dạy, tôi thường xuyên tổ chức các trò chơi nhỏ, thi hát, đọc dòng nhạc, vỗ phách... giữa các nhóm, tổ; đồng thời động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em bằng lời khen hoặc điểm thưởng. Giờ học âm nhạc lúc nào cũng trôi qua trong không khí vô cùng vui tươi và hứng khởi của cả thầy lẫn trò”-thầy Lộc chia sẻ.
Thầy Nguyễn Đức Lộc hướng dẫn học sinh đọc nốt nhạc. Ảnh: Hồng Thi
Thầy Nguyễn Đức Lộc hướng dẫn học sinh đọc nốt nhạc. Ảnh: Hồng Thi
Em Nguyễn Trần Gia Khánh (lớp 6/11) bày tỏ: “Dù mới học thầy Lộc được gần 3 tháng nhưng em rất thích. Thầy hát hay, đàn giỏi và giảng bài dễ hiểu. Chỗ nào chúng em làm chưa tốt, chưa đúng, thầy đều tận tình chỉ lại, uốn nắn giúp đến khi nào được mới thôi”.
Còn em Nguyễn Văn Dũng (lớp 9/10) vui vẻ nói: “Em học thầy Lộc năm lớp 7 và lớp 8. Thầy là người vui tính, gần gũi và thương yêu học trò. Dù đôi lúc chúng em hơi tinh nghịch, lơ là việc học nhưng thầy chưa bao giờ la mắng mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Vì vậy, chúng em ai cũng rất quý mến thầy Lộc”.
Là Trưởng bộ môn Âm nhạc, kiêm Trưởng ban Văn nghệ của trường, thầy Lộc không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn luôn năng nổ, nhiệt huyết trong mọi hoạt động phong trào. Gần như tất cả các chương trình văn hóa-văn nghệ, ngoại khóa của trường đều do thầy lên ý tưởng và dàn dựng, thu hút đông đảo học sinh, giáo viên tham gia.
“Thầy Lộc là giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn tốt. Các hoạt động, tiết mục văn nghệ được thầy tập luyện đều chất lượng và đạt kết quả cao. Khi giao việc gì cho thầy đảm trách, tôi cũng rất yên tâm”-thầy Cao Ngọc Quý-Tổ phó Tổ giáo viên Thể dục-Nhạc-Họa đánh giá.
Khoảng lặng sau bục giảng
Chứng kiến hình ảnh vui vẻ, nhiệt huyết của thầy Lộc, ít ai có thể ngờ rằng, trong sâu thẳm người đàn ông ấy lại chất chứa quá nhiều nỗi niềm. 8 năm trước, thầy Lộc bất lực nhìn người vợ hiền ra đi mãi mãi sau một tai nạn. Khi ấy, vợ chồng thầy đã có 3 người con, đứa lớn nhất mới học lớp 5, đứa nhỏ nhất chỉ vừa 16 tháng tuổi.
Cảnh “gà trống nuôi con” khiến thầy Lộc gặp không ít khó khăn, đặc biệt là lúc con đói sữa, đau ốm. Có thời điểm nhiều đêm liền thức trắng chăm con, ngày lại phải đi làm, thầy Lộc gần như kiệt sức, phải nhờ đến sự hỗ trợ của người thân và bạn bè, đồng nghiệp.
Để có thêm chi phí trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học và phụng dưỡng mẹ già đau yếu, ngoài thời gian giảng dạy trên trường, thầy Lộc phải đi làm thêm. Thường thì vào buổi trưa hoặc chiều tối, thầy tham gia trong ban nhạc phục vụ tiệc cưới tại các nhà hàng cố định và lưu động trên địa bàn TP. Pleiku. Lúc rảnh rỗi hơn, thầy đi dạy kèm môn Âm nhạc cho học sinh có nhu cầu hoặc làm công tại cơ sở sản xuất nhang.
“Những công việc này không ổn định khiến thu nhập cũng khá bấp bênh. Vì vậy, khoản tiền lương giáo viên của tôi vẫn là nguồn kinh phí chính để duy trì cuộc sống và việc học của các con. Rất may là tụi nhỏ thấy ba vất vả ngược xuôi nên đều cố gắng chăm chỉ học hành, chủ động giúp đỡ và bảo ban nhau học, thậm chí còn tự giác làm việc nhà, lo cơm nước phụ ba nữa”-thầy Lộc tâm sự.
Ngoài giờ lên lớp, thầy Lộc làm việc tại cơ sở sản xuất nhang để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Ảnh Hồng Thi
Ngoài giờ lên lớp, thầy Lộc làm việc tại cơ sở sản xuất nhang để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Ảnh: Hồng Thi
Anh Võ Thành Tâm-chủ cơ sở sản xuất nhang tại 114/8 Lê Duẩn (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nhận xét: “Chú Lộc bắt đầu vào làm cho gia đình tôi từ đợt học sinh tạm nghỉ do dịch Covid-19. Sau này đi dạy lại rồi thì chú chỉ phụ vào những lúc trống tiết. Chú làm việc rất siêng năng, cẩn thận, có ngày làm đến 1-2 giờ sáng mới về. Tiền công cho việc chạy bột nhang là 5.000 đồng/kg, còn bó nhang là 500-800 đồng/bó. Thấy gia đình chú khó khăn nên chúng tôi thỉnh thoảng cũng hỗ trợ chú ít gạo, mì gói...”.
Vất vả là thế song thầy Lộc luôn sắp xếp hài hòa để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ giảng dạy cũng như tiên phong trong mọi hoạt động phong trào ở trường. Cô Trịnh Thị Hạnh-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng thầy Lộc luôn giàu nghị lực vượt khó, hết lòng vì học trò. Để giúp gia đình thầy Lộc ổn định nơi ở, năm học 2018-2019, khi Công đoàn nhà trường và Liên đoàn Lao động TP. Pleiku đề xuất, Liên đoàn Lao động tỉnh đã quyết định hỗ trợ 50 triệu đồng cho thầy từ chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và người lao động” để xây “Mái ấm Công đoàn”. Tháng 4-2019, căn nhà đã hoàn thiện khang trang với tổng diện tích 30 m2 và bàn giao cho gia đình. Ngoài ra, trong các dịp lễ, Tết, nhà trường cũng đến thăm, động viên và tặng quà gia đình thầy; đồng thời ưu tiên xét cho con thầy đang theo học tại trường mỗi khi có học bổng cho học sinh nghèo vượt khó”.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu. Ảnh: Hà Bắc

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu

(GLO)- Ngày 16-1, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an huyện Đak Pơ tổ chức hoạt động trải nghiệm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Phú An).

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

(GLO)- Ngày 15-1, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 42/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.