Chính phủ Syria sẽ điều quân đến dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để giúp các tay súng người Kurd chống lại chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự quay trở lại của chính phủ Syria tại khu vực – nơi lực lượng người Kurd đã xây dựng chính quyền tự trị, được đánh giá là một chiến thắng cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhằm mở rộng ảnh hưởng và quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của Syria. Bước đi này cũng báo trước nguy cơ xung đột lan rộng, với khả năng đụng độ trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria.
Xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Ảnh: Anadolu
Theo Thỏa thuận đạt được giữa chính phủ Syria và Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu, quân đội Syria có thể triển khai dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội nước láng giềng. Thỏa thuận này cũng“mở đường cho việc giải phóng những thành phố còn lại bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng như Afrin”.
Đây được cho là bước chuyển lớn trong lập trường của Lực lượng người Kurd tại phía Bắc Syria, được thực hiện chỉ vài giờ sau khi Mỹ ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi khu vực miền Bắc Syria, tránh một cuộc xung đột "không thể kiểm soát". Rõ ràng việc đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria sẽ giúp nối dài cánh tay quyền lực và ảnh hưởng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại khu vực mà chính quyền người Kurd kiểm soát bấy lâu nay.
Tuy nhiên, trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng người Kurd tại Syria hiện không có nhiều lựa chọn khi chiếc “ô bảo vệ” từ Mỹ đã mất, buộc họ phải đề nghị sự trợ giúp của chính phủ Syria.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu chỉ là nhằm vào lực lượng người Kurd tại Syria để tạo ra vùng an toàn ở biên giới, nhưng giờ sẽ có nguy cơ lan rộng và khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp giữa quân đội Syria và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 13/10 tuyên bố chiến dịch sẽ được mở rộng so với kế hoạch ban đầu từ Kobani tại phía Tây đến Hasaka ở phía đông, tiến sâu khoảng 30km trong lãnh thổ Syria.
Ông Erdogan khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm chia rẽ hai hành lang khủng bố. Sau đó sẽ kiểm soát Hasaka 1 phía và Ain Al Arab một phía và cuối cùng là hoàn thành chiến dịch. Chúng tôi sẽ tiến sâu hơn 30-35km vào lãnh thổ Syria, phù hợp với bản đồ vùng an toàn như chúng tôi tuyên bố trước đây”.
Tổng thống Erdogan cũng thông báo những bước tiến đã đạt được trong chiến dịch, với việc kiểm soát được 109km khu vực biên giới Syria.
Việc Mỹ rút quân tại phía bắc Syria, bị đánh giá là "bật đèn xanh" cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd đang làm thay đổi đáng kể cục diện tại quốc gia Trung Đông này, cũng như các mối quan hệ đồng minh quốc tế.
Nhiều nước thành viên NATO đã bắt đầu thông báo biện pháp trừng phạt nhằm vào đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, với việc Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể thúc đẩy lệnh cấm bán vũ khí và kêu gọi truy tố về tội phạm chiến tranh. Pháp và Đức là hai quốc gia mới nhất thông báo dừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các nước Liên minh châu Âu hôm nay cũng có cuộc họp cấp Ngoại trưởng tại Luxembourg để thảo luận về biện pháp trừng phạt. Mỹ hiện cũng không có nhiều lựa chọn với khả năng sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm vào đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, sớm nhất là trong tuần này. Hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt trong sắc lệnh được dự thảo vào tuần trước là gì, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định sẵn sàng kích hoạt bất cứ thời điểm nào. Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ và có thể mở cánh cửa cho hơn 3 triệu người di cư tràn vào châu Âu.
Theo Phạm Hà (VOV.VN)