Nỗi lo khách hàng quên mình, dòng tiền cạn kiệt để trụ được qua dịch… là những khó khăn không hẹn mà đến. Nhưng vượt lên tất cả, nhiều bạn trẻ đã cố gắng hết sức mình khởi động kinh doanh trở lại với nhịp sống bình thường.
Tăng tốc xử lý đơn đặt hàng của khách
Hai cô gái trẻ Phạm Thị Xuân Lũy và Lâm Thị Kim Nhi (cùng 28 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) khởi nghiệp với thương hiệu đồ lót Lamluy được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, nhưng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Nhi cho biết dự án khởi nghiệp của các bạn phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Nhiều bạn trẻ đã cố gắng đưa hoạt động kinh doanh trở lại nhịp sống bình thường. Ảnh: Nữ Vương |
Nhi kể sau khi TP.HCM tăng cường giãn cách, đơn vị giao hàng không được hoạt động, Lamluy buộc phải ngưng kinh doanh. Có khoảng thời gian xưởng sản xuất cũng bị phong tỏa, rồi không mua được nguyên phụ liệu nên mọi hoạt động sản xuất đều đứt gãy...
“Điều khó khăn nhất là vẫn phải chi trả nhiều chi phí như mặt bằng, lương hỗ trợ nhân sự, trong khi có tháng không có doanh thu”, cô chủ trẻ chia sẻ.
Ngay khi TP mở cửa và bước vào trạng thái bình thường mới, Nhi cùng cộng sự cố gắng nỗ lực đưa hoạt động kinh doanh trở lại bình thường.
“Một trong những điều quan trọng để khách vẫn nhớ đến mình là trong thời gian giãn cách, tụi mình vẫn duy trì tương tác với khách hàng. Vẫn luôn có nhân viên trực tuyến để tư vấn chu đáo và nhận đơn hàng. Tổ chức các đợt bán hàng gây quỹ vượt Covid-19, 70% doanh thu được dùng để đóng góp cho quỹ vắc xin, các quỹ phòng, chống dịch và phát thực phẩm cho nhiều hộ gia đình khó khăn”, Nhi chia sẻ về cách để khách hàng không quên thương hiệu của mình sau giãn cách.
Những ngày này, các bạn trẻ của Sữa Xanh tất bật với công việc bán sữa. Ảnh: Nữ Vương |
Nhi đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, tận dụng các đợt “siêu sale” là khoảng thời gian có nhiều khách truy cập mua sắm để có thêm ưu đãi cho khách hàng.
Đặc biệt, Nhi linh động điều chỉnh cách vận hành ngay lập tức để phù hợp hơn với bình thường mới. “Do ảnh hưởng của dịch, việc giao hàng dù mở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, mỗi đơn hàng bây giờ phải xử lý nhiều bước hơn mới giao đi được. Việc sản xuất dần hoạt động lại nhưng vẫn còn chậm so với trước do vẫn thiếu nhân sự. Nên rất cần thay đổi cách làm việc để phù hợp hơn, tụi mình duy trì họp hằng ngày để xử lý các vấn đề kịp thời, phân bổ lại công việc và nhân sự phù hợp với hiện trạng mới”, Nhi nói.
Việc giao hàng dù mở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, mỗi đơn hàng bây giờ phải xử lý nhiều bước hơn mới giao đi được. Việc sản xuất dần hoạt động lại nhưng vẫn còn chậm so với trước do vẫn thiếu nhân sự. Nên rất cần thay đổi cách làm phù hợp với hiện trạng mới. Lâm Thị Kim Nhi, khởi nghiệp với thương hiệu đồ lót Lamluy |
Nhi cho biết nhờ có sự thay đổi kịp thời và chuẩn bị kỹ, chỉ trong vòng 6 ngày sau khi đi làm lại, 1.600 đơn hàng (đơn tồn đọng và đơn mới) đã được xử lý xong, với nhiều khó khăn hơn nhưng tốc độ và hiệu quả cao hơn 5 lần so với lúc trước.
Lấy công làm lời…
Châu Anh Thư (26 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cùng cộng sự phát triển thương hiệu Sữa Xanh nhiều năm nay. Với mô hình các điểm bán mang đi chiếm 70% doanh thu, 30% là giao hàng trực tuyến. Sau đợt dịch đầu năm, mới vừa củng cố lại và tập trung nguồn lực phát triển mảng bán lẻ trực tiếp thì đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, nhóm đã phải dừng lại hết những dự định ấp ủ.
Khi TP.HCM trở lại bình thường mới, Nhi và Lũy cố làm hết công suất mỗi ngày để đưa hoạt động kinh doanh vực dậy |
“Thời gian đó, cửa hàng của tụi mình thực hiện 3 tại chỗ, đội sản xuất chỉ có 3 người ở cửa hàng làm hết, thêm hai bạn giao hàng nữa, tổng là 5 người xoay xở tất cả. Các bạn đi giao hàng cũng sợ bị lây nhiễm, nhưng nếu giờ không đi làm thì không có tiền trang trải sinh hoạt phí và các khoản nợ ngân hàng, nên ráng vừa làm vừa bảo vệ bản thân mình thật kỹ”, Thư kể.
Thế nhưng cố được 2 tuần thì khu nhà nơi có cửa hàng của Thư bị phong tỏa do gần đó có F0. Họ phải ngưng hoạt động kinh doanh hoàn toàn.
“Trong lúc đó, tụi mình năn nỉ chủ nhà giảm tiền thuê được một nửa, nhưng cộng các loại chi phí điện nước, tiền đậu, tiền vật dụng đồ dùng mua trữ cho mùa dịch thì tụi mình bị âm dòng tiền. Ráng xoay tiền, không lấy lương và mượn thêm tiền của người nhà để bù lỗ”, Thư nhớ lại khoảng thời gian đỉnh điểm của khó khăn.
Sau khi được phép giao hàng nội quận, nhóm chạy chương trình miễn phí giao hàng trong Q.10, lấy công làm lời hỗ trợ khách hàng mùa dịch.
“Lúc đó, phí giao hàng của các app rất cao, mà tụi mình lại hỗ trợ miễn phí giao hàng nên thu hút được lượng lớn khách hàng Q.10, tích cực đi giao hàng để có doanh thu trả nợ. Đơn hàng tăng gấp 3 so với lúc trước. Song song với giao hàng nội quận, tụi mình nhắn tin và giữ kết nối với các khách hàng gói tháng đang ở khác quận để khách hàng không rời đi”, cô chủ trẻ chia sẻ.
Khi TP.HCM về lại bình thường mới, Thư cho biết có nhiều khách hàng sau khi hết gói sữa tháng thì không đặt nữa do khó khăn tài chính. Khách hàng mua lẻ thắt chặt chi tiêu hơn, chốt đơn trực tuyến cũng thử thách hơn lúc trước, nên nhóm buộc phải linh động thay đổi nhiều cách thức khác nhau.
“Tụi mình chuyển từ sản phẩm bình thủy tinh 520 ml sang tập trung đẩy mạnh loại chai nhựa 300 ml có giá thành thấp hơn, dễ mua hơn và áp dụng chương trình hỗ trợ phí giao hàng, thực hiện nhiều chương trình ưu đãi. Tập trung đầu tư thiết bị mới để kéo dài hạn sử dụng sữa hạt từ 3 ngày lên 4 - 5 ngày, giúp khách hàng ở xa mua được nhiều sữa hơn cho mỗi lần giao và tiết kiệm phí giao hàng cho khách”, Thư kể.
Theo Nữ Vương (TNO)