Nhiều người đến Phòng Chính trị, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) để ý thấy binh nhất Nguyễn Hữu Sơn mê mải với công việc trong giờ hành chính, lúc nghỉ ngơi thì tất bật tăng gia, dọn dẹp, hậu cần...
Sơn và mẹ - bà Nguyễn Thị Thắng |
Nhưng ít ai biết, từ khi vào bộ đội, Sơn dành khoản phụ cấp chiến sĩ ít ỏi hằng tháng để gửi cho chị gái đang theo học đại học xa nhà.
Ước mơ đại học
"Quân đội cho tiền học nghề, em sẽ đi học nấu ăn và học xong cũng dễ tìm việc làm để cùng bố mẹ nuôi em trai học đại học. Chỉ đồng tiền mình làm ra, mới quý trọng và thấy có ý nghĩa"-Chiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn (Sư đoàn 968, Quân khu 4) |
Nguyễn Hữu Sơn (21 tuổi, quê xã Thạch Hội, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) kể: Năm 2015, khi Sơn đang học lớp 11 thì chị gái Nguyễn Thị Giang thi đậu vào Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Nông Lâm Huế. Từ khi chị nhập học, kinh tế gia đình sa sút vì mỗi tháng bố mẹ phải gửi 2 triệu đồng ăn học cho chị và nuôi Sơn cùng em trai đang là học sinh.
Ngoài việc đồng áng, bố mẹ Sơn là ông Nguyễn Hữu Giáp và bà Nguyễn Thị Thắng (cùng 45 tuổi) còn làm thuê kiếm thêm. Bố mẹ đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, nên Sơn vừa lo chuyện ăn uống, vừa kèm cặp em trai.
Năm học lớp 12, Sơn lấy điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường sĩ quan Lục quân 1, với mong ước “học quân đội, bố mẹ sẽ không phải lo lắng nhiều và không phải lo học phí như chị”. Tuy nhiên, điểm thi của Sơn chỉ đáp ứng nguyện vọng 2 là Đại học Xây dựng Hà Nội.
Không để bố mẹ vất vả lo ăn học cho mình, Sơn ở nhà giúp bố mẹ việc đồng áng và tự ôn thi lại nguyện vọng 1 vào năm sau. Kỳ thi năm 2017, Sơn vẫn không đủ điểm vào Trường sĩ quan Lục quân 1 mà đậu Đại học Bách khoa Đà Nẵng. “Em cũng rất mê Đà Nẵng, rất muốn học trường này nhưng không đành lòng nhìn bố mẹ lại phải xoay thêm 3 triệu đồng mỗi tháng nuôi 2 chị em, nên thôi”, Sơn nhớ lại và kể: “Khi biết em trúng tuyển đại học, mẹ em khóc: Con nhường học đại học cho chị gái đi. Nếu cả 2 chị em vào đại học thì bố mẹ không kham nổi”.
Sơn giúp mẹ phơi lúa mới gặt |
Đầu năm 2018, Sơn lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4, đóng tại H.Cam Lộ, Quảng Trị. Thời điểm Sơn nhập ngũ thì chị gái Nguyễn Thị Giang (23 tuổi) đang là sinh viên năm 4 Trường đại học Nông Lâm Huế.
Người chiến sĩ hiếu nghĩa
Vào bộ đội, chiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao và không ngừng rèn luyện mọi mặt trong môi trường quân đội. Nghĩ đến bố mẹ đang vất vả ngoài quê, Sơn quyết định dành tiền phụ cấp hằng tháng của mình để gửi cho chị gái đang học đại học, cũng như đỡ đần phụ bố mẹ. “Tiền phụ cấp hơn 800.000 đồng/tháng, em chỉ dùng khoảng 200.000 đồng để mua đồ cá nhân, số tiền còn lại cất đi, chờ chị gái ra thăm thì đưa chị. Trong 1 năm ở Tiểu đoàn 4, em phụ chị gần 6 triệu đồng”, Sơn nói.
Đầu tháng 12.2018, Sơn được chuyển công tác lên Phòng Chính trị Sư đoàn 968 đóng ở TP.Đông Hà (Quảng Trị). Vẫn thói quen dành tiền gửi chị, binh nhất Nguyễn Hữu Sơn tích cóp được 1,5 triệu đồng và nhờ một cán bộ ở ban tuyên huấn ra ngân hàng gửi vào số tài khoản của chị gái. Đến lúc này, câu chuyện về người chiến sĩ dành dụm những đồng phụ cấp ít ỏi để giúp bố mẹ nuôi chị gái học đại học mới được tiết lộ trong đơn vị.
Đại tá Phạm Văn Đông, Chính ủy Sư đoàn 968, Quân khu 4, cho biết: Ngay sau khi biết câu chuyện chiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn dành tiền phụ cấp góp nuôi chị gái học đại học, chúng tôi đã tìm hiểu và nhất trí tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chiến sĩ ôn thi vào trường sĩ quan. Tuy nhiên, nguyện vọng của Sơn hiện tại chỉ muốn hoàn thành nghĩa vụ, ra quân đi học nghề để nhanh chóng phụ giúp gia đình nuôi em trai ăn học. Việc tiết kiệm phụ giúp chị gái học đại học của chiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn là việc làm rất hiếu nghĩa, là tấm gương cho nhiều cán bộ chiến sĩ trong đơn vị học tập. |
Chúng tôi tìm về nhà binh nhất Nguyễn Hữu Sơn vào một ngày giữa tháng 5, đúng dịp anh được cấp trên cho nghỉ tranh thủ ra quê giúp gia đình thu hoạch vụ lúa mùa. Những ngày này, gia đình Sơn rất neo người vì bố đang đi làm thuê trong TP.Đà Nẵng, chị gái Nguyễn Thị Giang đã tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, vừa ra ngoài Hà Nội nhận việc làm.
Nhìn ngôi nhà cấp 4 mái ngói, ít ai biết bố mẹ Sơn đã phải rất vất vả mới xây dựng được. Ngoài tiền tích góp được trong thời gian dài, bố mẹ em phải vay mượn thêm mới cất được căn nhà ấy nhưng đến nay vẫn chưa trả hết nợ.
“Nhìn thế, nhưng còn vất vả lắm. Số tiền vay cho chị gái Sơn đi học vẫn chưa trả được”, bà Nguyễn Thị Thắng, mẹ chiến sĩ Sơn kể vậy và ôm vai con trai: “Nó là đứa đã hy sinh rất nhiều. Khi con gái kể chuyện em dành góp tiền đưa chị, vợ chồng tôi mới biết. Chúng tôi vẫn đau đáu vì không giúp con hoàn thành ước mơ học đại học”.
Chia sẻ về dự định của mình, Sơn cho hay: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, em sẽ đi học nghề, để sớm làm có tiền gửi về cho bố mẹ lo cho em trai út đang học lớp 8 ăn học và trang trải cuộc sống” và chia sẻ: “Nếu mình đi học đại học, bố mẹ lại phải tích cóp tiền nuôi mình ăn học như nuôi chị Giang suốt 4 năm. Quân đội cho tiền học nghề, em sẽ đi học nấu ăn và học xong cũng dễ tìm việc làm để cùng bố mẹ nuôi em trai học đại học. Chỉ đồng tiền mình làm ra, mới quý trọng và thấy có ý nghĩa”."Quân đội cho tiền học nghề, em sẽ đi học nấu ăn và học xong cũng dễ tìm việc làm để cùng bố mẹ nuôi em trai học đại học. Chỉ đồng tiền mình làm ra, mới quý trọng và thấy có ý nghĩa".
Mai Thanh Hải (thanhnien)