Một người phụ nữ ở Trung Quốc được cho là người đầu tiên trên thế giới lấy lại ánh sáng nhờ được ghép giác mạc từ heo. Truyền thông nước này cho biết thị lực của bà gần như đã khôi phục lại bình thường.
Được ghép giác mạc từ heo, một người phụ nữ ở Trung Quốc đã nhìn thấy ánh sáng - Ảnh minh họa: Shutterstock |
Bệnh nhân may mắn này là bà Hoàng Nguyên Chẩn. Vào năm 2010, mắt bà bị tổn thương nghiêm trọng trong một vụ tại nạn giao thông, theo tờ Chutian Metropolitan.
Cách duy nhất để lấy lại ánh sáng là phải ghép giác mạc. Tuy nhiên, bà Hoàng đã chờ suốt 3 tháng nhưng vẫn không tìm được nguồn hiến giác mạc.
Điều may mắn là Bệnh viện Liên minh Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) lúc ấy đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng về giác mạc biến đổi sinh học. Bà Hoàng đã đồng ý tham gia nghiên cứu và được cấy ghép giác mạc từ heo.
Sau ca phẫu thuật, thị lực của người phụ nữ dần được cải thiện. Trong lần kiểm tra mắt vào đầu tháng 9.2019, các bác sĩ nhận thấy thị lực của bà Hoàng đã khôi phục gần như bình thường.
“Bây giờ tôi có thể xỏ kim và đọc báo. Quan trọng hơn, tôi có thể nhìn thấy cháu trai mình tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Tôi rất hạnh phúc”, bà Hoàng chia sẻ.
Giác mạc là lớp trong suốt ngoài cùng của mắt. Tại Trung Quốc, ước tính đang có khoảng 5 triệu người bị mất thị lực do tổn thương hay các bệnh về giác mạc, theo China Daily.
Mỗi năm, nước này cũng có khoảng 100.000 người bị mù vì các vấn đề về giác mạc. Trong đó, chỉ có khoảng 5.000 người được điều trị bằng cấy ghép.
Kể từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Liên minh Vũ Hán đã cấy ghép giác mạc heo cho hơn 100 trường hợp. Sau nhiều năm cấy ghép, độ trong suốt của giác mạc biến đổi sinh học đã dần cải thiện và đạt đến mức trong suốt gần bằng mô giác mạc của con người.
Giác mạc heo có cấu trúc di truyền tương tự như giác mạc người và dễ được cơ thể tiếp nhận hơn so với giác mạc của một số loài động vật khác như khỉ. Ngoài ra, mô giác mạc của heo lại có nguồn cung lớn và ít nguy cơ bị nhiễm trùng khi cấy ghép, bác sĩ Trương Minh Xương, giám đốc nhãn khoa của Bệnh viện Liên minh Vũ Hán, cho biết.
Giác mạc biến đổi sinh học từ heo có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu ghép giác mạc của người bệnh. Tuy nhiên, loại giác mạc này không phải là phương pháp thần kỳ có thể chữa được mọi vấn đề giác mạc. Trong những trường hợp như vết thương ở mắt quá nặng thì cách này không giúp được gì bác sĩ Minh Xương tiết lộ, theo tờ Chutian Metropolitan.
Ngọc Quý (thanhnien)