Người đặt nền móng cho Karate Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ lâu, tôi biết ông Lê Vĩnh Lợi (SN 1967, trú tại phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) với vai trò người phụ trách các hoạt động thể thao của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Còn với danh xưng “người đặt nền móng” cho Karate Gia Lai thì rất mới.

Chính xác hơn là sau lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Karate Gia Lai với chủ đề “Khắc ghi tinh thần Nghĩa Dũng, trọn đạo thầy-trò” diễn ra vào thời điểm trước Tết Quý Mão 2023 ít ngày. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Karate tỉnh.

Ngồi nghe ông kể về những gian nan trong hành trình truyền dạy võ thuật của 30 năm trước, tôi càng hiểu vì sao nhiều thế hệ môn sinh Karate ở Gia Lai coi võ sư Lê Vĩnh Lợi là thủ lĩnh tinh thần, là tấm gương sáng để phát huy tinh thần võ học. Nó không chỉ là sự quyết liệt, mạnh mẽ như lúc ra đòn mà còn là lòng nhẫn nại, kiên trì như lúc luyện tập và cả tình thương, trách nhiệm với học trò. Đó là tinh thần võ đạo Karate và triết lý truyền thụ võ thuật của võ sư Lê Vĩnh Lợi.

Ngược ngàn dạy võ

Ông Lê Vĩnh Lợi bén duyên với môn võ có nguồn gốc từ đất nước Mặt trời mọc như một sự tình cờ. Năm 1982, sau khi nhập học lớp 10 ở Trường Quốc học Huế, được bạn bè rủ nhau học võ, ông Lợi ghi danh vào võ đường của võ sư Nguyễn Văn Dũng-Tổ sư hệ phái Nghĩa Dũng Karate tại TP. Huế. “Hệ phái của thầy tôi có nguồn gốc từ hệ phái Suzucho ở Nhật Bản du nhập vào Việt Nam. Hồi nhỏ, tôi xin gia đình đi học võ để nâng cao sức khỏe và để phòng vệ. Lúc mới học, luyện mấy bài khó, cơ thể đau nhức, tôi cũng định nghỉ. Nhưng sau này, càng học càng mê. Sau 3 năm học ở Huế, tôi vào TP. Hồ Chí Minh và làm trợ lý huấn luyện môn Karate cho 2 anh Huỳnh Văn Muôn, Lê Thanh Phong. Đến năm 1988, tôi quay lại cố đô tiếp tục tập luyện, huấn luyện tại võ đường Nghĩa Dũng”-võ sư Lê Vĩnh Lợi hồi nhớ.

Võ sư Lê Vĩnh Lợi-người đặt nền móng cho Karate Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Tú

Võ sư Lê Vĩnh Lợi-người đặt nền móng cho Karate Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Tú

Lý giải chuyện đưa Karate lên phố núi Pleiku, Phó Chủ tịch Hội Karate tỉnh chậm rãi chia sẻ: “Năm 1992, với mục đích kiếm tìm một công việc phù hợp, ổn định cho bản thân và thực hiện theo ý nguyện của thầy Nguyễn Văn Dũng là phát triển Karate ở Gia Lai, tôi khăn gói rời Huế. Lên trên này, tôi được phân công dạy môn Giáo dục thể chất tại Trường Trung học Sư phạm Gia Lai. Thời điểm đó, trường này là nơi đào tạo nguồn giáo viên cho các địa phương trong tỉnh. Nhận thấy môi trường này rất thích hợp triển khai nhiệm vụ thầy Dũng giao, tôi quyết định mở lớp dạy Karate ngoài giờ đứng lớp chính khóa tại trường. Đến ngày 1-1-1993, lớp võ đầu tiên khai giảng với chừng 50-60 võ sinh. Có thể kể đến một vài cái tên như: Đặng Ngọc Sâm, Võ Ngọc Lương, Đặng Văn Nhơn… Ít lâu sau thì có một số đồng môn từng học võ đường ở Huế như: Hoàng Công Nguyên, Đinh Văn Kiệm, Trần Văn Bình về cùng tập luyện. Một thời gian sau, tôi làm việc với lãnh đạo Nhà Thiếu nhi tỉnh rồi chiêu sinh dạy thêm 1 lớp võ ở đây. Cũng từ đó trở đi, tôi liên tục chiêu sinh các lớp học Karate ở TP. Pleiku”.

Nhìn vệt nắng xuân len lỏi qua đám mây xám, võ sư quê gốc Thừa Thiên-Huế bộc bạch: “Lúc mới lên, điều kiện kinh tế-xã hội ở Gia Lai còn nhiều khó khăn. Chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu cái ăn. Chuyện nhịn đói lên lớp dạy học là thường xuyên. Mà tập võ thì phải vận động nhiều. Lắm hôm tập xong thì người lả đi vì đói. Còn thời tiết thì rất lạnh mà áo quần không đủ ấm. Tôi mở lớp dạy võ là theo ý nguyện của thầy Dũng và thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao chứ học phí thu được chẳng đáng là bao; đa phần là dạy miễn phí. Rất nhiều lần, tôi phải nhận cắt giấy, trang trí cho nhà trường để có tiền mua dụng cụ cho học trò tập luyện. Có khi dẫn học trò đi giao đấu xong thì âm mất mấy tháng tiền lương giáo viên, phải tiết kiệm mấy tháng mới có tiền trả. Dẫu khó khăn, vất vả là vậy nhưng ngẫm lại, tôi thấy rất vui, tự hào”.

Ông Lê Vĩnh Lợi (đứng giữa) làm trọng tài cho 2 võ sinh trong lớp võ đầu tiên ở Gia Lai thi đấu nâng đai. Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Lê Vĩnh Lợi (đứng giữa) làm trọng tài cho 2 võ sinh trong lớp võ đầu tiên ở Gia Lai thi đấu nâng đai. Ảnh: Nguyễn Tú

Đến nay, cũng ngót nghét 15 năm, ông Lợi không còn mở lớp dạy Karate ở Gia Lai. Nguyên do là ông muốn tạo điều kiện để các cựu võ sinh của mình thể hiện bản thân, góp sức cho sự phát triển của phong trào tập luyện thể thao ở địa phương và một lý do tế nhị khác. Dẫu không còn đứng lớp truyền thụ võ thuật nhưng võ sư Lê Vĩnh Lợi đã góp công không nhỏ trong sự phát triển của phong trào Karate Gia Lai. Từ năm 1994 đến nay, người tiên phong đặt nền móng cho Karate Gia Lai còn được phân công đảm nhận nội dung phong trào thể thao của Sở GD-ĐT. Qua công tác tham mưu, ông Lợi đã góp sức thúc đẩy sự phát triển thể thao học đường tỉnh nhà, nhất là bộ môn Karate trong trường học. Nhờ đó, thể thao học đường Gia Lai có nhiều tiến bộ tại các hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, đại hội thể dục thể thao của ngành. “Ngót nghét 30 năm phụ trách mảng thể thao học đường của ngành GD-ĐT tỉnh nhà, tôi thấy phấn khởi vì qua công tác tham mưu điều động học sinh, giáo viên tham gia các giải đấu mang về nhiều giải cao. Điều tự hào nhất là năm 2004, trong dịp đối thoại với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về ý định đưa một số môn võ ra khỏi hệ thống thi đấu hội khỏe Phù Đổng, trong đó có môn Karate, tôi kiến nghị giữ lại. Ý kiến này được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ghi nhận và góp phần giúp Karate phát triển mạnh ở các trường học trong toàn quốc từ đó đến nay”-ông Lợi chia sẻ thêm.

Thủ lĩnh tinh thần của Karate Gia Lai

Trong 30 năm hình thành và phát triển, từ viên đá móng đầu tiên mà tứ đẳng huyền đai Lê Vĩnh Lợi đặt ở Phố núi, môn võ Karate trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển. Hiện Hội Karate tỉnh có trên 2.700 võ sinh từ đai trắng đến đai nâu, 155 huyền đai nhất đẳng, 35 huyền đai nhị đẳng, 15 huyền đai tam đẳng, 8 huyền đai tứ đẳng, 1 huyền đai ngũ đẳng... Môn võ có nguồn gốc từ đất nước Mặt trời mọc đang khẳng định vị thế là một môn thể thao thế mạnh của tỉnh. Minh chứng rõ nét nhất là tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022, vận động viên Nguyễn Thị Khánh Ly đã thi đấu xuất sắc và lần đầu tiên mang về tấm huy chương vàng danh giá ở bộ môn này. Ngoài ra, Karate cũng mang về 2 trong tổng số 4 huy chương đồng để góp phần rất lớn vào thành công của đoàn thể thao Gia Lai tại Đại hội.

Ông Lợi (thứ 5 bên phải sang) chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm 30 năm Karate Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Lợi (thứ 5 bên phải sang) chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm 30 năm Karate Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Phan Văn Hường-Phó Chủ tịch Hội Karate tỉnh: Võ sư Lê Vĩnh Lợi là người đặt nền móng cho Karate tỉnh nhà. Mới đây, Hội đã tổ chức lễ kỷ niệm, cũng là để vinh danh những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển của Karate Gia Lai trong 30 năm qua. Có một điểm đặc biệt của Karate Gia Lai là phần đa những người dạy võ có nguồn gốc từ ngành GD-ĐT và chung 1 tổ đường nên rất đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau. Điều này được phát huy qua những lớp võ đầu tiên mà võ sư Lê Vĩnh Lợi mở dạy ở tỉnh.

Từ những lớp võ khai giảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, môn sinh tỏa đi khắp tỉnh mở lớp và phát huy tinh thần võ đạo của thầy Lợi truyền đạt. Võ sư Võ Ngọc Lương-người sáng lập Võ đường Vĩnh Ngọc (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Thầy Lợi là người ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc đời tôi. Khi dạy võ, thầy ít khi thu tiền của học trò. Tôi vẫn nhớ lần nghỉ học hơn 2 tháng, thầy bỏ công đến ký túc xá hỏi han, chuyện trò. Sau cuộc nói chuyện với thầy, tôi đi học trở lại. Khi ra trường, tôi lấy tên lót “Vĩnh” của thầy và “Ngọc” của tôi để đặt tên cho võ đường. Đối với học trò, lúc truyền thụ võ thuật, tôi luôn yêu cầu các em đề cao tinh thần võ đạo như thầy Lợi đã dạy. Với võ sinh có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, tôi cũng miễn tiền học phí cho các em. Hàng năm, tôi cũng thường đưa các em về Tổ đường Nghĩa Dũng thi nâng đai, giao lưu để nhớ ơn cội nguồn. Do vậy mà đa phần võ sinh của võ đường có nhân phẩm tốt, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, biết tôn sư trọng đạo”.

Còn theo võ sư Đặng Ngọc Sâm thì: “Tôi là thế hệ võ sinh Karate đầu tiên của thầy Lợi khi học ở Trường Trung học Sư phạm Gia Lai. Ra trường, nhận công tác ở ngành GD-ĐT huyện Ia Grai, với ý nghĩ phát huy tinh thần võ học từ thầy và muốn góp sức phát triển phong trào thể dục thể thao ở địa phương, tôi liên tục mở các lớp dạy võ thuật. Tính đến nay, tôi đã dạy Karate cho khoảng 600 võ sinh. Khi dạy, tôi luôn chú trọng vào võ đức như tinh thần thầy Lợi đề ra”.

Có thể bạn quan tâm

Ấn tượng đội bóng dân tộc thiểu số huyện Krông Pa

Ấn tượng đội bóng dân tộc thiểu số huyện Krông Pa

(GLO)- Lần đầu tiên tham gia giải bóng đá dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh nhưng đội bóng huyện Krông Pa đã tạo nên ấn tượng mạnh cho khán giả và giới chuyên môn. Ngôi vị Á quân tại Giải Vô địch Bóng đá 7 người các dân DTTS tỉnh Gia Lai năm 2024 là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của họ.

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

VFF phạt HAGL vì đá xấu

VFF phạt HAGL vì đá xấu

Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa ra án phạt đối với CLB HAGL do có 5 cầu thủ nhận thẻ vàng ở trận đấu với CAHN thuộc vòng 7 LPBank V-League 2024/25.