Người dân Chư Mố canh cánh nỗi lo sạt lở do khai thác cát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo phản ánh của người dân xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), gần 1 năm nay, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng không nhỏ khi Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai (612 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku) tiến hành khai thác cát dọc sông Ba.

Nhiều người dân xã Chư Mố phản ánh, từ tháng 7-2021, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát của Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai. Đặc biệt, việc vận chuyển cát diễn ra cả ngày lẫn đêm đã gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Bà Ksor HNiam (làng Briu) chia sẻ: “Nhà tôi ở ngay đoạn có các máy hút cát của Công ty hoạt động. Mỗi lần máy múc và xe tải đến chở cát gây ra tiếng ồn rất khó chịu. Có hôm, việc vận chuyển cát diễn ra cả ngày lẫn đêm khuya khiến chúng tôi không ngủ được”.

 Vị trí khai thác cát của Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai. Ảnh: Hồng Thương
Vị trí khai thác cát của Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai. Ảnh: Hồng Thương


Bên cạnh đó, người dân cũng cho rằng hoạt động khai thác cát của Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai là nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông Ba. Bà Ksor HNiên (làng Briu) than thở: “Trước đây, mỗi khi tới mùa mưa lũ, nước sông Ba dâng cao nhưng ít gây sạt lở đất. Từ khi có hoạt động khai thác cát, sau các đợt mưa lũ, bờ sông đoạn gần với nhà tôi bị sạt lở vào gần 5 m”.

Ông Ksor Luơ-Trưởng thôn Briu-cho hay: Làng có 60 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động chở cát của Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng đang sống trong cảnh nơm nớp lo bờ sông tiếp tục sạt lở do hoạt động khai thác cát, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sản xuất. “Nhiều năm trước, bờ sông dù có sạt lở cũng vẫn giữ hiện trạng đất triền chứ không dốc đứng như hiện nay. Chúng tôi rất mong ngành chức năng xem xét lại vị trí khai thác cát của doanh nghiệp và có phương án xây dựng kè chống sạt lở để giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất”-Trưởng thôn Briu bày tỏ.

 

 Người dân lo ngại việc khai thác cát gây sạt lở bờ sông dẫn tới mất đất sản xuất. Ảnh: Hồng Thương
Người dân lo ngại việc khai thác cát gây sạt lở bờ sông dẫn tới mất đất sản xuất. Ảnh: Hồng Thương
Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa: Quan điểm của huyện là tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp hoạt động sai thì phải khắc phục. Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động đúng các quy định của pháp luật nhằm tránh ảnh hưởng tới môi trường cũng như cuộc sống, sản xuất của người dân.

Ngoài ra, một số hộ dân cũng phản ánh tình trạng khai thác cát gây hạ mực nước sông, ảnh hưởng tới việc bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Nay Phôn-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho hay: Sau khi người dân phản ánh, xã đã kiểm tra và nhắc nhở Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai hạn chế vận chuyển cát vào ban đêm. Hoạt động khai thác cát dẫn tới không đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp là có thật. Nguyên nhân là khi một khối lượng lớn cát bị hút đi khiến mực nước sông xuống thấp. Trong khi đó, bể hút của các trạm bơm nước của xã được thiết kế từ trước nên không bơm đủ nước tưới, gây ảnh hưởng đến khoảng 10 ha lúa khu vực này. Riêng vấn đề sạt lở bờ sông thì có nhưng chưa xác định chắc chắn nguyên nhân.

Về vấn đề này, ông Võ Danh Kha-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Pa-cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hiện trường. Qua kiểm tra, việc khai thác cát của Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai thực hiện trong phạm vi, tọa độ được cấp phép tại Giấy phép số 404/GP-UBND ngày 9-7-2021 của UBND tỉnh và đảm bảo theo khung giờ quy định. Tuy nhiên, tiếng nổ của máy múc cát có ảnh hưởng tới một số hộ dân sống gần bờ sông. Huyện đã yêu cầu Công ty chấp hành nghiêm hoạt động khai thác theo quy định. Đồng thời, điều chỉnh khung thời gian hoạt động nhằm hạn chế tiếng ồn, tránh ảnh hưởng đến các hộ dân. Riêng đối với vấn đề khai thác cát gây hạ mực nước sông Ba, ảnh hưởng tới hoạt động của các trạm bơm và sạt lở bờ sông thì chưa xác định chính xác nguyên nhân.

“Dọc sông Ba đoạn qua địa bàn huyện có 3 doanh nghiệp khai thác cát gồm: Công ty TNHH một thành viên Toàn Thắng Phát Gia Lai (khai thác đoạn qua xã Chư Mố), Công ty TNHH Nhị Hoàng Hưng (đoạn qua xã Ia Trok) và Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hương (xã Ia Tul). Do đó, ngành chức năng cần có sự đánh giá tổng thể của các cơ quan chức năng về yếu tố tự nhiên, các dự án được xây dựng từ đầu nguồn nói chung và hoạt động khai thác cát trên địa bàn nói riêng để xác định nguyên nhân, có giải pháp ứng phó. Trước mắt, huyện cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp khai thác cát cần phối hợp với người dân trồng tre dọc bờ sông để ngăn chặn tình trạng sạt lở đất”-ông Kha thông tin.

 

 HỒNG THƯƠNG

 

 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.