Ngọc Linh-hoang sơ vẻ đẹp đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngồi xe lắc lư theo những đường đèo dốc cả trăm cây số, một bên là vách núi một bên là vực thẳm, cuối cùng chúng tôi cũng đến được mảnh đất đại ngàn Ngọc Linh, nơi có dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ, khối núi cao nhất miền Nam Việt Nam với độ cao 2.598 mét.

Trước mặt chúng tôi, Ngọc Linh hiện ra như một bức tranh hoang sơ của đại ngàn với những dải mây trắng muốt lững lờ vắt ngang sườn núi.

 

Ngọc Linh đẹp như một bức tranh. Ảnh: H.Đ
Ngọc Linh đẹp như một bức tranh. Ảnh: H.Đ

Cái tên Ngọc Linh còn được mọi người nhắc đến với sản phẩm sâm Ngọc Linh, một loài sâm quý đã được liệt kê vào danh sách sản phẩm quốc gia của Việt Nam chỉ mọc ở độ cao trên 1.500 mét.

Đẹp mộc mạc đơn sơ, địa hình cách trở, chưa bị bàn tay con người tác động nhiều, hiện Ngọc Linh vẫn thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Glei (Kon Tum) với 17 thôn, làng, 669 hộ, 2.521 khẩu, chủ yếu là dân tộc Xê Đăng, trong đó hộ nghèo chiếm gần 90%.

Cũng chính vì thế mà Ngọc Linh không thay đổi là mấy qua những lời kể của lớp đàn anh đi trước. Đến nay, nơi này vẫn còn 9/17 thôn, làng chưa có đường giao thông, để đến được với trung tâm xã, có khi phải mất cả buổi để trèo đèo, lội suối. Những ngả đường về các thôn làng heo hút với những tán cây rừng bao trùm cả lối đi, có những làng phải đi bộ cả tiếng đồng hồ vì chưa có đường cho xe di chuyển như Tu Yốp 2 hay những nơi sinh sống cheo leo của một vài ngôi làng nằm vắt vẻo trên sườn núi…

Nghỉ đêm tại nhà một người dân, tiếng côn trùng đua nhau râm ran ngoài bụi cây cùng màn đêm bao trùm lấy không gian làm cho thời gian như bị đóng băng. Hơi sợ, bởi giáp rừng, các mối nguy hiểm từ những loài động vật bò sát hay côn trùng luôn làm chúng tôi cảnh giác.

Sáng tinh mơ, phía trước mặt, những dải mây lững lờ như lụa vắt ngang lưng núi. Phía dưới những trùng điệp núi, một vài con suối nhỏ róc rách bốc hơi phủ mờ những gốc cây rừng già cỗi. Dẫu một lần đến, cảm giác rung động trước thiên nhiên vẫn còn mãi, khi nhắc đến để chẳng thể nào quên!

Bữa cơm sáng ấm cúng với nồi cơm gạo đỏ nghi ngút khói ăn cùng với chén muối é giã nhuyễn thơm ngát mùi rừng núi. Bên cạnh là nồi canh với mớ rau tập tàng được chủ nhà ra bờ giậu ngắt, những cọng rau còn đọng sương mai mới ngọt làm sao. Vào nhà lấy chai rượu ngâm sâm dây để dành đãi khách quý, chủ nhà đon đả mời từng người, ngoài trời mưa lất phất nhưng cái lạnh không thể len được vào căn bếp lửa bập bùng ấm áp tình người nơi đây.

Đoàn chúng tôi đến thăm rẫy trồng sâm dây của chị Y Bia. Leo được hết con dốc sừng sững, đôi giày như dính vào với mớ đất thịt đỏ au bê bết vì trời mưa phùn lâu ngày. Có những đoạn người dân đi trước dẫn đường phải đứng kéo chúng tôi qua vì chỉ sơ suất thì chúng tôi có thể sẽ bị trượt chân xuống vực.

Theo ông A Tiên-Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh, hàng năm có hàng trăm lượt du khách đến với Ngọc Linh-chủ yếu là dân phượt trong và ngoài nước-muốn tận hưởng cảm giác yên bình, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn hùng vĩ. Tuy nhiên, nơi này chưa thực sự phát triển về du lịch, chỉ manh mún, nhỏ lẻ vì điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn. Du khách muốn leo đỉnh Ngọc Linh phải thông qua chính quyền nơi đây để được bố trí người dẫn đường, bởi nếu tự ý băng rừng, rất có thể họ sẽ đạp phải bẫy thú hoặc bẫy chống trộm sâm của người dân địa phương.

Thêm một lưu ý nữa: Du khách cũng đừng quên việc mua thuốc xịt, bôi chống vắt, chống muỗi để tự bảo vệ mình trong hành trình chinh phục hoang sơ.

Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.