Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện cùng hệ thống sông, suối lớn, những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có bước phát triển mạnh mẽ, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 14.410 ha, trong đó, diện tích đã nuôi trồng khoảng 1.110 ha. Những năm gần đây, hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thả hơn 780 ngàn con cá giống các loại ra 21 hồ chứa và hồ tự nhiên tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, năm 2018, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT thả 76 ngàn con cá giống xuống hồ thủy điện An Khê-Ka Nak. Nhờ nguồn lợi thủy sản được tái tạo, người dân sinh sống gần các hồ có nguồn thu nhập ổn định thông qua hoạt động đánh bắt cá phục vụ bữa ăn hàng ngày và bán ra thị trường.
 Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: N.D
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: N.D
Ông Phạm Minh Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) cho biết: Năm 2017, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã thả hơn 35 ngàn con cá giống vào hồ tự nhiên làng Al của xã. Hồ này rộng khoảng 60 ha. Hơn 2 năm qua, bà con trong làng tự chia thành 4 tổ để tổ chức bảo vệ và đánh bắt cá xoay vòng. Ngoài việc tạo ra nguồn thực phẩm tại chỗ, dân làng còn đánh bắt cá để bán. Trong vụ thu hoạch đầu tiên, bà con bán được 120 triệu đồng. Số tiền này được dùng vào những việc chung của làng và trích 15 triệu đồng mua cá giống thả lại vào hồ. Năm 2018, bà con cũng thu hoạch cá bán được 70 triệu đồng. Hoạt động này đã thu hút được nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, giúp bà con cải thiện cuộc sống.
Cùng với thả cá ra ao, hồ tự nhiên, những năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng trong các hồ chứa. Mô hình này đã phát huy hiệu quả kinh tế, thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 90 lồng cá nuôi trong các hồ thủy lợi và thủy điện theo hình thức thâm canh và bán thâm canh, tập trung chủ yếu tại các huyện: Kbang, Krông Pa, Chư Pah và thị xã An Khê. Cá được nuôi là các loài có giá trị kinh tế như: diêu hồng, lăng nha, thác lác, rô phi đơn tính…
Ông Phạm Mẫn (tổ 4, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết: Năm 2017, gia đình ông đã đầu tư làm 12 lồng nuôi thử nghiệm cá diêu hồng cùng một số loài cá khác tại hồ thủy lợi Ia Năng. Qua 2 năm, cá sinh trưởng, phát triển ổn định. Cũng theo ông Mẫn, vào tháng 3 hàng năm, ông bắt đầu mua cá giống về nuôi. Sau một thời gian, ông phân loại cá đưa sang các lồng khác tiếp tục nuôi. Mỗi ngày cá ăn 2 bữa nên phát triển đồng đều, thịt chắc, ngon. Khoảng tháng 11, ông bắt đầu xuất bán cá kéo dài cho đến Tết Nguyên đán. Sản lượng cá thu về trong 2 năm qua đủ chi phí đầu tư ban đầu. Riêng từ tháng 2-1019 đến nay, ông đã xuất bán được khoảng 4 tấn cá diêu hồng với giá 35.000-40.000 đồng/kg, trừ tiền đầu tư con giống và thức ăn còn lãi khoảng 70 triệu đồng.
Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh-cho biết: “Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa thủy lợi và thủy điện, nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Người dân mạnh dạn đầu tư và lựa chọn những giống cá mới có năng suất, chất lượng về nuôi phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, giá trị kinh tế của ngành thủy sản ngày một nâng cao”. Dù vậy, theo ông Phước, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như một số người dân còn sử dụng chất nổ, xung điện đánh bắt cá theo kiểu tận diệt gây không ít khó khăn trong việc quản lý, đánh bắt thủy sản tại các ao, hồ tự nhiên. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh kế hoạch tái tạo nguồn lợi thủy sản, Trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản; điều tra đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân làng Dip và Doch 1 (xã Ia Dreng, huyện Chư Pah) nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện. Những hoạt động này nhằm thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa trong những năm tới.
 NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.