Ngành Xây dựng Gia Lai tích cực tham mưu về công tác lập, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, ngành Xây dựng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Gia Lai, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch. Qua đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng đã tăng lên, chất lượng quy hoạch được cải thiện và bám sát mục tiêu phát triển đô thị, thu hút đầu tư của tỉnh.
Định hình phát triển các đô thị
Thời gian qua, ngành Xây dựng đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn trong các lĩnh vực như: quy hoạch xây dựng đô thị; các chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở; quy hoạch xây dựng khu kinh tế, khu/cụm công nghiệp... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Một trong những dấu ấn trong lĩnh vực phát triển đô thị thời gian qua là TP. Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào đầu năm 2020. Cùng với đó, các đô thị động lực gồm: thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa; các đô thị vệ tinh TP. Pleiku như thị trấn Chư Sê, thị trấn Đak Đoa đã có những bước chuyển mình rõ rệt, góp phần đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 đô thị, gồm: TP. Pleiku là đô thị loại I, thị xã Ayun Pa và An Khê là đô thị loại IV; thị trấn Chư Sê là đô thị loại IV thuộc huyện và 14 đô thị loại V thuộc 13 huyện.
Một góc thị xã An Khê
Thị xã An Khê nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn

Phát huy những kết quả đạt được, ngành Xây dựng đã có bước tiến đáng kể về nhiều mặt, nhất là tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo công tác lập, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị. Năm 2020, Sở Xây dựng đã tham mưu giúp UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; lấy ý kiến Bộ Xây dựng về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Gia Lai, đề xuất phương án quy hoạch vùng huyện, vùng liên huyện làm cơ sở tích hợp nội dung vào Quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Sở cũng đã tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 9 đồ án quy hoạch chung xây dựng các đô thị và tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, hoàn thiện các đồ án quy hoạch khác. Đồng thời, Sở đã tham mưu UBND tỉnh rà soát các quy hoạch để triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tỷ lệ phủ kín các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, ưu tiên làm trước ở các khu vực có nhiều tiềm năng nhằm thực hiện tốt mục tiêu quản lý, kêu gọi đầu tư, tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Việc thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đô thị theo quy hoạch đã góp phần định hình sự phát triển các đô thị, tạo tiền đề để thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh, đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách. Các đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị thay đổi ngày càng văn minh, hiện đại, hình thành không gian sống tốt hơn cho người dân. Bên cạnh các khu đô thị mới, tỉnh đã quan tâm bố trí quỹ đất để giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp; đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, các buôn làng truyền thống trong lòng đô thị.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị
Những năm qua, khu vực đô thị có nhiều đóng góp quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Việc phát triển đô thị góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… Hiện nay, tuy tốc độ đô thị hóa không nhanh nhưng quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá đa dạng và phức tạp, do đó cần có quy hoạch, định hướng đúng để không tạo ra bất cập, vướng mắc và các áp lực về hạ tầng trong quản lý, phát triển đô thị.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung thực hiện đạt chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Gia Lai đến năm 2025 đạt 35% và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực. Triển khai các nhiệm vụ này, ngành Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung rà soát, nâng cao chất lượng các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.
Trung tâm TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Quang Tấn
Trong đó, tập trung quy hoạch các đô thị động lực, nhất là rà soát, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Pleiku để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh huy động nguồn lực để ưu tiên đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, các vùng, liên vùng. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, rà soát điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch. 
Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công
Hiện nay, Sở Xây dựng đã triển khai việc tích hợp đồng thời công tác thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng trong cùng một thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thanh-kiểm tra, nghiệm thu đối với các công trình có yêu cầu liên thông về thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thực hiện đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường... Qua đó, góp phần đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan liên quan.
Sở Xây dựng đã làm tốt công tác tham mưu lập, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ảnh: Quang Tấn
Sở Xây dựng đã làm tốt công tác tham mưu lập, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quang Tấn
Ngoài ra, thời gian qua, Sở Xây dựng cũng đã tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, năng lực điều hành. Tổ chức đối thoại, gặp mặt để lắng nghe phản hồi của doanh nghiệp, qua đó, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc; tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến.
Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức Sở Xây dựng, tin tưởng rằng, các nhiệm vụ của ngành Xây dựng, nhất là công tác lập, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị sẽ được thực hiện tốt, góp phần thúc đẩy tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
ĐỖ VIỆT HƯNG-Giám đốc Sở Xây dựng

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.