“Ngân hàng xe đạp” góp phần duy trì sĩ số học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 3 năm học qua, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) duy trì mô hình “Ngân hàng xe đạp” giúp hàng trăm học sinh có phương tiện để đến trường.

Mô hình “Ngân hàng xe đạp” được Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân triển khai từ năm học 2020-2021 theo hình thức cho học sinh mượn xe đi học. Quỹ xe đạp do nhà trường huy động giáo viên quyên góp cùng kinh phí do một số cá nhân, tổ chức hỗ trợ. Bên cạnh đó, các thầy-cô giáo xin xe đạp cũ rồi tu sửa lại. Vào đầu năm học, nhà trường khảo sát, tổng hợp danh sách học sinh khó khăn và thiếu phương tiện đi học. Các em cách xa trường trên 3 km, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà trường cho mượn xe đạp. Kết thúc năm học, nhà trường sẽ thu lại để sửa chữa và tiếp tục cho mượn vào đầu năm học sau.

Thầy Trương Thanh Tùng-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân và các em học sinh được mượn xe đạp. Ảnh: Minh Nhật

Thầy Trương Thanh Tùng-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân và các em học sinh được mượn xe đạp. Ảnh: Minh Nhật

“Các em học sinh còn gặp nhiều khó khăn, nhà cách trường 3-7 km nhưng nhiều em phải đi bộ. Học sinh tới lớp muộn vì đường khó đi hay nghỉ học vì nhà xa là chuyện thường xuyên xảy ra. Để giúp đỡ các em, hàng năm, nhà trường vận động các tổ chức, cá nhân trao tặng xe đạp để cho học sinh mượn sử dụng. Các em còn nhỏ, hiếu động, nhiều em chưa biết cách bảo quản, gìn giữ dẫn tới việc xe bị hư hỏng, không sử dụng được lâu dài. Cho các em mượn xe đạp và thu lại vào cuối năm học là cách làm hợp lý”-cô Nguyễn Thị Hoa-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân-lý giải về việc cho mượn chứ không tặng xe đạp cho học sinh của nhà trường.

Năm học 2022-2023, lớp 5B có 13 học sinh được mượn xe đạp. 3 năm qua, em Rah Lan Ngữ (lớp 5B) đến trường bằng chiếc xe đạp được nhà trường cho mượn. Bố mẹ làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, Ngữ ở với ông bà nội. Ông bà lớn tuổi không thể đưa em đi học, Ngữ phải đi bộ đến trường.

Làng Chư Ruồi Sul cách trường khoảng 7 km, chiếc xe đạp do nhà trường cho mượn đã giúp quãng đường đến trường của Ngữ thuận lợi hơn. “Từ khi có xe đạp, em đi học đúng giờ và về nhanh hơn để phụ giúp ông bà nội việc nhà”-Ngữ chia sẻ.

Nói về chương trình ý nghĩa của nhà trường, ông Rah Lan Ruh-ông nội của em Rah Lan Ngữ-bày tỏ: “Làng mình cách xa trường học, nhờ sự quan tâm của các thầy-cô giáo, không riêng cháu Ngữ mà con em của làng có hoàn cảnh khó khăn cũng được mượn xe đạp. Nhờ có phương tiện đi học, các cháu đến trường chuyên cần hơn”.

Em Đinh Thêm (lớp 2B) cũng được nhà trường cho mượn xe đạp từ năm lớp 1 đến nay. “Khi thầy cô cho mượn xe đạp đi học, em mừng lắm. Xe em bị hỏng, thầy giáo đến tận nhà sửa chữa. Em cảm ơn thầy cô nhiều và cố gắng học tập thật tốt”-Thêm tâm sự.

Thầy Trương Thanh Tùng (bìa phải) và thầy Lê Văn Hoạt sửa xe đạp cho học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Ảnh: Minh Nhật

Thầy Trương Thanh Tùng (bìa phải) và thầy Lê Văn Hoạt sửa xe đạp cho học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Ảnh: Minh Nhật

Để mô hình duy trì có hiệu quả, nhà trường đầu tư đồ nghề sửa chữa xe đạp, mua thêm nhiều phụ tùng mới. Định kỳ hàng tháng, các thầy giáo kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng xe đạp. Các thầy đều sẵn sàng hỗ trợ các em khi xe bị hư hỏng dọc đường.

Thầy Trương Thanh Tùng-giáo viên Tổng phụ trách Đội-cho biết: “Sửa chữa xe đạp không quá khó nên chúng tôi đều sẵn lòng hỗ trợ học sinh. Chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của các em khi có phương tiện đi học, không phải đi bộ mấy cây số để đến trường. Mô hình này góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân có 622 học sinh, trong đó có 588 học sinh người Jrai, Bahnar. Đến nay, nhà trường đã có 85 chiếc xe đạp để cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách xa trường mượn.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân cho biết thêm: “Trước đây, tỷ lệ chuyên cần của trường thường rất thấp. Nhờ cách làm này, 3 năm học qua, học sinh khó khăn đã được hỗ trợ phương tiện đến trường. Tỷ lệ chuyên cần cũng như công tác duy trì sĩ số học sinh tăng lên. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục vận động nguồn lực để có thêm xe đạp cho học sinh có điều kiện đến trường”.

Có thể bạn quan tâm

'No cái bụng' nhờ cánh đồng thanh niên

'No cái bụng' nhờ cánh đồng thanh niên

Cây lúa từ "cánh đồng thanh niên" không chỉ mang lại sự no đủ cho hàng trăm người dân Giẻ Triêng ở huyện vùng cao Quảng Nam, mà còn giúp bao nhiêu người vươn lên thoát nghèo. Trong hành trình đặt nền móng cho cây lúa nước nơi vùng đất gian khó này, sức trẻ đã in dấu đậm nét.

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thuyết trình về tranh vẽ chủ đề 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: M.N

“Tiếp lửa” truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

(GLO)- Để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiểu rõ về truyền thống 80 năm vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), các tổ chức Đoàn-Hội-Đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai chuỗi hoạt động ý nghĩa nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng-chống mua bán người cho cán bộ Đoàn huyện Đak Đoa

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng-chống mua bán người cho cán bộ Đoàn huyện Đak Đoa

(GLO)- Sáng 10-12, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), Văn phòng Bộ Công an phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng-chống mua bán người dành cho cán bộ Đoàn cơ sở.

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

(GLO)- Hàng trăm người dân và trẻ em ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã nhận được nhận những phần quà ý nghĩa tại chương trình “Áo ấm cho em” do Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai, Ban Thanh niên Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh trao tặng trong ngày 4-12 vừa qua.