Ngăn chặn hình thành khu dân cư sai quy hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quy hoạch đô thị TP. Pleiku chưa được phê duyệt, trong khi đó tỷ lệ phủ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn chỉ chiếm 11% diện tích đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền trong việc giải quyết tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý phân lô, tách thửa đất nông nghiệp để mua bán, hình thành các khu dân cư tự phát.

Để siết chặt công tác quản lý đất đai, ngoài việc cảnh báo người dân tìm hiểu thông tin trước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, UBND TP. Pleiku đang rà soát, lập quy hoạch tổng thể mặt bằng, xây dựng quy hoạch chi tiết nhằm đảm bảo các yếu tố về kết nối giao thông và các công trình công cộng phục vụ người dân.

 

Một số hộ dân tự ý mở đường, cắm cọc, phân hàng trăm lô trên đất nông nghiệp để bán đất nền bị chính quyền xử phạt, yêu cầu khắc phục vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Ảnh: M.N
Một số hộ dân tự ý mở đường, cắm cọc, phân hàng trăm lô trên đất nông nghiệp để bán đất nền bị chính quyền xử phạt, yêu cầu khắc phục vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Ảnh: M.N

“Băm” nhỏ đất nông nghiệp, tự làm quy hoạch

Theo ông Trương Văn Minh-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á, trên địa bàn xã hiện có 3 hộ dân tự ý làm đường, cắm cọc phân lô trên diện tích đất nông nghiệp của mình để bán nền. Cụ thể, hộ ông Nguyễn Đình H. (trú tại xã Ea Rol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak) có thửa đất rộng 10.849 m2 tại làng Nha Hyơn, trong đó có 200 m2 đất ở và ngôi nhà cấp 4 khoảng 40 m2. Ông này tự ý đổ đá dăm hình thành con đường rộng 6 m, dài 198 m đi ngang qua phần đất của mình, mục đích là phân lô bán đất nền. Tương tự, hộ ông Trần Văn M. (trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) cũng làm đường rộng 6 m, dài 70 m giữa diện tích 5.545 m2 đất trồng cây lâu năm để phân lô bán đất nền. Gần đó, ông Nguyễn Văn L. (trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng tự ý mở đường trên phần đất 5.460 m2 và phân lô rao bán.

Ông Minh cho biết, khi phát hiện việc này, UBND xã đã yêu cầu các hộ trên khắc phục vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sử dụng đất sai mục đích) mỗi hộ 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Minh, phần diện tích này nằm trong khu dân cư, các hộ dân được phép tách thửa nếu diện tích đảm bảo định mức không nhỏ hơn 500 m2 (diện tích đất nông nghiệp tối thiểu được phép tách thửa đối với cấp xã theo Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND, ngày 20-3-2018 của UBND tỉnh), đồng thời việc sang nhượng cũng không trái với quy định của pháp luật. “Những hộ trên nghe nói sắp tới gần khu vực này có quy hoạch xây dựng viện nghiên cứu gì đó nên “đi tắt, đón đầu”, tự ý cắm cọc trên phần đất của mình để phân lô bán nền”-ông Minh thông tin.

Trong khi đó, ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, cho hay: Khu vực đất cuối đường Nguyễn Tuân có diện tích 11 ha (đất trồng cây lâu năm, trong đó có 400 m2 đất ở) cũng đang “nóng” tình trạng phân lô bán nền. Hiện tại, khu vực này đã được tách thành 301 thửa đất cho các chủ sử dụng đất khác nhau. Đến nay, có 187 trường hợp đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích đăng ký chuyển đổi là 11.920 m2. Theo ông Quang, việc phân lô bán nền chủ yếu diễn ra trên phần đất hơn 3 ha, mỗi thửa được tách mới có diện tích khoảng 125 m2 (rộng 5 m, dài 25 m) trong đó có 50 m2 đất ở; 8 ha còn lại chưa thấy “động tĩnh” gì. “Khi phát hiện việc san ủi mặt bằng, địa phương đã mời đơn vị thi công lên làm việc, đề nghị làm kè chắn không được lấp dòng chảy của suối và không đổ đất lấn sang phần ruộng của người dân. Đồng thời, báo cáo hiện tượng bất thường này cho UBND TP. Pleiku và tăng cường công tác kiểm tra, không để phát sinh các trường hợp xây dựng trái phép. Hiện tại, khu vực này chỉ có 4 nhà ở xây mới, được cấp phép xây dựng đúng quy định”-ông Quang cho biết.

Ông Quang nhận định, trước đây, khi chưa có định mức diện tích tách thửa, việc các cá nhân tách thửa cũng như sang nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều hợp pháp. Tuy nhiên, địa phương không nắm rõ ở khu vực này có bao nhiêu thửa đất đã bán và bán cho ai vì việc chuyển nhượng không thông qua phường, giao dịch được thực hiện qua các văn phòng công chứng và chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. “Việc người dân tự ý quy hoạch khu dân cư mà không căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho khu vực hoặc quy hoạch chi tiết theo quy định sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương”-ông Quang nhận định.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo UBND TP. Pleiku, khu vực đất đường Nguyễn Tuân (tổ 1, phường Thắng Lợi) của bà Mai Thị Tuyết Nga được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tháng 7-2015 có diện tích 96.475 m2 (trong đó có 400 m2 đất ở, 96.075 m2 đất vườn). Tháng 9-2015, bà Nga làm thủ tục tách phần diện tích này ra thành 4 thửa (thửa đất số 639, 640, 641, 642). Tiếp đó, bà Nga tách thửa đất số 642 thành 76 thửa đất nhỏ và chuyển nhượng toàn bộ cho nhiều cá nhân. Đối với thửa đất số 640 và 641, sau khi sang nhượng lại từ bà Nga, 2 người mua cũng lần lượt “xé nhỏ” thành 219 thửa và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hầu hết các thửa đất nhỏ này. Còn lại, thửa đất số 639 cũng được bà Nga tách thành 6 thửa, chỉ bán 1 thửa và giữ lại cho mình 5 thửa.

Như vậy, từ 1 thửa đất ban đầu này, một số người (trong đó có bà Nga) đã “băm” nhỏ ra hơn 300 thửa đất bán cho hàng trăm cá nhân, trung bình mỗi thửa có diện tích 128,6 m2. Đến thời điểm hiện tại, UBND TP. Pleiku xác định, khu vực này đã có 119 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở với diện tích 8.525 m2. Song song với việc tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, ngày 18-1-2018, bà Nga có đơn đề nghị UBND TP. Pleiku xem xét, tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực đường Nguyễn Tuân, quy mô khoảng 10,8 ha và được UBND TP. Pleiku thống nhất chủ trương cho phép bà Nga tự bỏ kinh phí lập đồ án quy hoạch, trình UBND thành phố thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo đúng quy định.

Theo ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở đối với khu vực đất đường Nguyễn Tuân được căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất năm 2017, đúng với quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013. Ngoài ra, theo Quyết định 104/2005/QĐ-UBND, ngày 15-8-2005 của UBND tỉnh về việc “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2020” thì một phần khu đất này (khoảng 5 ha) được quy hoạch đất ở mới, phát triển khu dân cư. Khi xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2017, TP. Pleiku xác định 3/11 ha của khu vực này là đất ở. Do vậy, việc chuyển đổi một phần đất nông nghiệp sang đất ở phù hợp với quy hoạch chung phát triển đô thị đã được phê duyệt.

“Về quy hoạch chung thì không phá vỡ nhưng quy hoạch chi tiết thì chưa có. Việc phân lô, tách thửa, hình thành khu dân cư ở khu vực đất đường Nguyễn Tuân là phù hợp với kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung của thành phố, phù hợp với khu đất quy hoạch khu dân cư nhưng hoạt động ở đây là chưa đúng quy định. Muốn xây dựng khu dân cư phải có quy hoạch chi tiết nhưng ở đây cá nhân tự ý làm quy hoạch, không đảm bảo các tiêu chí về hình thành khu dân cư đô thị. Hiện tại, bà Nga có đơn xin lập quy hoạch chi tiết, UBND TP. Pleiku giao Phòng Quản lý Đô thị thành phố phối hợp với cá nhân này tổ chức thực hiện; sau khi thống nhất với Sở Xây dựng, đồng thời xin ý kiến của Thường trực Thành ủy mới tổ chức thẩm định, phê duyệt trên nguyên tắc đảm bảo cơ cấu sử dụng đất trong khu vực đô thị”-ông Quang thông tin.

 

Theo thống kê của UBND TP. Pleiku, đến cuối tháng 3-2018, việc tách thửa đất nông nghiệp với số lượng lớn (10 thửa trở lên), quy mô thửa đất được tách có diện tích nhỏ (150 m2) tập trung tại các xã, phường: Chi Lăng (481 thửa, 6 khu vực), Thắng Lợi (462 thửa, 5 khu vực), Hoa Lư (71 thửa, 1 khu vực), Yên Thế (150 thửa, 5 khu vực), Diên Phú (191 thửa, 3 khu vực), Chư Á (40 thửa, 3 khu vực)…

Trao đổi với P.V về phương án tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý đất đai, Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết: Đối với những khu vực phân lô, tách thửa số lượng lớn hình thành khu dân cư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác, UBND TP. Pleiku sẽ tiến hành rà soát và chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành lập quy hoạch tổng thể mặt bằng hoặc xây dựng quy hoạch chi tiết đảm bảo các yếu tố về kết nối giao thông, hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật và các công trình công cộng phục vụ người dân. Những khu vực phân lô, tách thửa hình thành khu dân cư tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác (khu quy hoạch đất nông nghiệp, đất dự trữ…), UBND thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý đất đai, không cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường không cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp. Về lâu dài, UBND TP. Pleiku sẽ cân đối, bố trí kinh phí để lập quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Kbang: Làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới

(GLO)- Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, cơ quan chức năng và người dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang khẩn trương chỉnh trang đô thị, làm đẹp các tuyến đường góp phần tạo diện mạo phố xá sáng-xanh-sạch-đẹp đón mừng Xuân mới.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.