Một đoạn kênh Hàng Bàng vừa được khơi thông và khánh thành.
Cái tên này nối tiếp những công trình cải tạo kênh rạch quy mô của TP HCM trong thời gian qua: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm…
Có thể nói, TP HCM mang đầy đủ đặc trưng và vẻ đẹp của một đô thị phương Nam: Nằm tựa sông, kết nối các vùng bằng hệ thống kênh rạch lớn với tổng chiều dài hàng trăm ki-lô-mét, có cả một vùng rừng ngập mặn chắn biển, điều tiết khí hậu quanh năm… Thành phố phồn hoa nhưng luôn kết nối với thiên nhiên bằng hệ thống sông rạch mát mẻ.
Từ hơn 20 năm trước, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được khởi công và hoàn thành vào năm 2012. Dòng nước đã sạch sẽ và 2 tuyến đường cặp kênh dài hơn 15 km đã tạo tuyến giao thông hữu hiệu đi xuyên nội thành. Kế đó, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 6,5 km đi qua 4 quận cũng được hoàn thành năm 2015 và đang triển khai xử lý nước thải cho giai đoạn tiếp theo… Hàng chục tuyến kênh rạch khác đang được khởi công xây dựng mà điển hình là dự án rạch Xuyên Tâm dài hơn 10 km nối từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật.
Dự án cải tạo kênh luôn rất đặc biệt. Trước tiên, hệ thống kênh này sau khi cải tạo sẽ thay đổi đáng kể chất lượng môi trường của toàn thành phố. Hệ thống này đi qua hầu hết các quận, huyện nội và ngoại thành nên càng phát huy được tính năng ổn định khí hậu, điều tiết thoát nước mà khó thành phố nào có được. Kết hợp với trồng cây ven bờ, thành phố sẽ có những mảng xanh hữu ích. Ðiều này đã được chứng minh qua thực tế từ tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm. Giờ đây 2 bên bờ kênh đã trở thành những công viên xanh chờ đón những bước chân thưởng ngoạn.
Về khía cạnh giao thông, có lẽ đây là giải pháp khả dĩ nhất trong bối cảnh đất phát triển giao thông ngày càng hạn hẹp. Hàng trăm ki-lô-mét kênh cũng đồng nghĩa chúng ta có hàng trăm ki-lô-mét đường bộ ven 2 bờ trải khắp và kết nối các quận, huyện mà áp lực về mặt bằng luôn nhẹ hơn khi mở rộng những con đường hiện hữu. Kỳ vọng nhiều hơn là các tuyến kênh rạch đã hình thành hệ thống đường thủy dày đặc và kết nối dễ dàng vào hệ thống sông rạch ở các tỉnh miền Tây. Không nói đâu xa, hiện các ghe tàu miền Tây đến TP HCM buôn bán vẫn đi trên các tuyến kênh lớn và neo đậu ở các bến quận 4, quận 8… Và tuyến du lịch đường sông đã hình thành đang thu hút du khách càng gợi lên hình ảnh trên bến dưới thuyền vốn có của vùng đất này.
Nay nền kinh tế - xã hội của thành phố đã ở một giai đoạn mới, đủ lực, đủ tiền để thực hiện những dự án hạ tầng quan trọng phục vụ người dân, tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới. Cải tạo các tuyến kênh rạch, tăng diện tích giao thông và sắp tới là các tuyến metro vươn ra tận Cần Giờ, nối với các cảng biển quan trọng… Các dự án này không chỉ góp phần nâng mức sống của người dân mà còn là bài toán kinh tế hấp dẫn tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách quốc gia. Bài toán này là một phần quan trọng của quy hoạch phát triển thành phố tương lai và làm đòn bẩy phát triển kinh tế toàn vùng.
Theo Hồ Phi (NLĐO)