Nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Đoa: Thi công ì ạch, nguy cơ thay đổi nhà thầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Do thi công theo kiểu cầm chừng nên Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp quốc lộ 19) đoạn qua địa bàn huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Người dân và chính quyền địa phương nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư nhưng đâu lại vào đấy.

“Không biết bao giờ mới xong?”

Ông Phan Thanh Đức (thôn Hà Lòng 1, xã Kdang) bức xúc: Nhiều tháng qua, đơn vị thi công đào múc rãnh sâu trước cổng nhà ông rồi bỏ đó, chẳng thấy hoạt động gì. Ông phải tự dọn đất để lấy lối đi. “Cuộc sống của bà con quanh đây bị ảnh hưởng rất nhiều. Chỉ mong nhà thầu thi công gọn gàng, sạch sẽ, chứ làm bầy hầy kiểu này rồi để đó, xe cộ lưu thông khó khăn, bụi bặm ô nhiễm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông”-ông Đức than thở.

Cùng nỗi niềm, ông Phan Xuân Tám (thôn 3, xã Tân Bình) cho hay: Đơn vị thi công đào tràn lan hai bên đường, khi có mưa nước chảy khoét thành rãnh sâu, phải bắc cầu mới đi lại được. Việc mua bán vô cùng khó khăn, phải tăng chi phí thì xe hàng mới chịu vận chuyển tới do trước nhà bị chắn ngang bởi mương nước, phải vác hàng hóa đi qua.

“Tôi phải mua đá về đổ làm tạm qua mương để có đường vào nhà. Nhiều hộ dân có nhà mặt đường như tôi cũng lâm vào tình cảnh tương tự từ nhiều tháng nay. Người dân ở đây rất mong tuyến đường thi công cho nhanh, chứ kéo dài thì dân cũng khổ dài theo”-ông Tám phàn nàn.

Tại nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 19, đơn vị thi công đào múc rãnh sâu rồi bỏ đó, người dân phải tự dọn đất để lấy lối đi. Ảnh: Minh Nguyễn

Tại nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 19, đơn vị thi công đào múc rãnh sâu rồi bỏ đó, người dân phải tự dọn đất để lấy lối đi. Ảnh: Minh Nguyễn

Tương tự, ông Phạm Văn Phước (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang) phản ánh: “Nhà thầu thi công kiểu mỗi nơi đào một đoạn rồi chẳng thấy bóng dáng công nhân hay hoạt động thi công gì. Mùa mưa thì nước chảy tràn vào nhà, mùa nắng thì mỗi lần xe tải chạy qua bụi phủ chẳng thấy nhà đâu. Kinh doanh ế ẩm bởi người mua lẫn người bán đều cảm thấy bất tiện mỗi khi ra vào. Lâu nay, đời sống người dân bị đảo lộn mà chưa thấy có đơn vị nào đưa ra giải pháp khắc phục”.

Theo ông Đan-Chủ tịch UBND xã Kdang: Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, người dân đề nghị đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ vì hiện một số vị trí cống cao hơn mặt đường hiện trạng, dân phải tự mở lối đi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh. Quá trình thi công thiếu khoa học, nhất là việc thi công đào mương hai bên đường quá sâu đã khiến việc đi lại, ô tô, cơ giới gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Chủ tịch UBND xã Kdang cũng cho rằng, công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường chưa được chủ đầu tư quan tâm như: thi công không có đèn cảnh báo; bố trí cọc tiêu, dây văng không đầy đủ; thiếu rào chắn, biển cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Đất đá tràn ra đường và vào nhà dân khi có mưa lớn; việc xử lý hư hỏng mặt đường trong thời gian chờ thi công chậm khắc phục.

Đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ

Trước những bất cập trong quá trình thi công, UBND huyện Đak Đoa đã nhiều lần có văn bản gửi Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải) yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công tuyến quốc lộ 19, đoạn qua địa bàn huyện. Đáng chú ý, trên tuyến đường đang thi công xuất hiện nhiều ổ gà, mặt đường nhấp nhô, sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Theo thống kê của huyện, từ năm 2020 đến 2022, trên tuyến quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn huyện đã xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông khiến 16 người chết và 31 người bị thương. Bên cạnh đó, ngoài việc bố trí lực lượng thường xuyên túc trực tại các điểm cầu trên đoạn tuyến để điều tiết giao thông tránh xảy ra ùn tắc vào các giờ cao điểm, huyện còn đề nghị chủ đầu tư có giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, thường xuyên tưới nước để hạn chế tình trạng bụi tại khu vực thi công gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân trên tuyến.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Tân-Giám đốc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên-cho biết: Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 143 km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 126 km và Bình Định dài 17 km có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 7-2023, nhưng đến thời điểm này có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng.

Xét về tổng thể thì dự án cơ bản đáp ứng tiến độ xây lắp, thi công. Riêng gói thầu 4A (từ Km 131+300-Km 155+00) đoạn qua địa bàn huyện Đak Đoa dài hơn 24 km đang thi công cầm chừng, chậm tiến độ và có nguy cơ thay đổi nhà thầu.

Nhiều đoạn cống trên tuyến quốc lộ 19-đoạn qua xã Kdang thi công kiểu cầm chừng, nhiều chỗ không có nắp đậy gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Minh Nguyễn

Nhiều đoạn cống trên tuyến quốc lộ 19-đoạn qua xã Kdang thi công kiểu cầm chừng, nhiều chỗ không có nắp đậy gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo ông Tân, gói thầu này do Công ty TNHH Hợp Tiến (tỉnh Hà Nam) và Công ty cổ phần Vinadelta (Hà Nội) liên danh trúng thầu. Trong quá trình triển khai, 2 đơn vị này thi công rất chậm theo kiểu “giật gấu vá vai”, không đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Ban cũng như Khu Quản lý đường bộ III đã nhiều lần ra quyết định xử phạt 2 đơn vị trên vì chậm tiến độ và thi công không đảm bảo an toàn giao thông. Ban đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, kiên quyết xử lý nếu nhà thầu không có khả năng khắc phục để đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.

“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh cáo kiểu thi công được chăng hay chớ, kém hiệu quả làm ảnh hưởng lâu dài đến đời sống, sinh hoạt người dân. Trước mắt, Ban đã đặt ra yêu cầu về tiến độ thi công đối với 2 nhà thầu này. Đến ngày 31-3, sau khi rà soát đánh giá lại, nếu không đạt được khối lượng thì sẽ chấm dứt hợp đồng. Các nhà thầu cũng đã ký cam kết với Ban nếu không đạt khối lượng theo yêu cầu thì sẽ đồng ý với mọi phương án chủ đầu tư đưa ra. Tình hình xấu nhất là chấm dứt hợp đồng với 2 nhà thầu này và đấu thầu lại”-ông Tân nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.