(GLO)- 118 công trình hồ chứa, 191 đập dâng, 40 trạm bơm tổng năng lực tưới thiết kế gần 54.300 ha cây trồng các loại và hàng ngàn công trình tạm do nhân dân tự thực hiện tưới khoảng 50.000 ha cà phê, tiêu. Tuy nhiên, điều quan ngại hiện nay là hệ thống công trình thủy lợi có đủ nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển của cây trồng hay không khi quy trình bổ sung nguồn nước cho các công trình đang gặp khó trong mùa khô hạn.
Mực nước tích trữ tại đập Bầu Dồn, hồ Hoàng Cỏ, đập Bến Tuyết, đập Bầu Làng (thị xã An Khê) đang ngày một vơi dần. Theo khảo sát mới đây, mực nước tại 145 ao, hồ, đập cung cấp nguồn nước tưới cho trên 670 ha lúa trên địa bàn thị xã An Khê hiện dao động ở mức 45% đến 50% so với mực nước thiết kế và lượng nước trên còn tiếp tục giảm nữa nều thời gian tới không mưa. Ông Nguyễn Đăng Lưu-Đội phó Đội Quản lý Khai thác các Công trình Thủy lợi huyện Ia Grai cho biết, sau khi nông dân tưới nước xong đợt 2 cho cây cà phê, lượng nước còn lại ở 11 công trình thủy lợi là đập dâng và một số hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn huyện đã rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn nước.
Kênh dẫn nước thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Đức Thụy |
Theo tổng hợp của Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đa số các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện có mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt mực nước tại một số hồ chứa lớn thấp hơn từ 0,15 mét đến trên dưới 5 mét so với cùng kỳ năm 2015. Mực nước tích trữ tại hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp đà tụt giảm và cạn kiệt theo dự báo diễn biến thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên. |
Giải cơn khát cho cây trồng nhờ nguồn nước của công trình thủy lợi là kỳ vọng của nông dân, song theo dự báo của Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh, cơ bản các công trình hồ chứa nước quy mô lớn như: công trình hồ Hoàn Ân; Plei Pai; Biển Hồ; Ayun Hạ; công trình hồ chứa Chư Prông; Ayun Hạ... mực nước hiện tại cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu tưới cho diện tích cây trồng theo hợp đồng tưới; còn hệ thống đập dâng nguy cơ xảy ra thiếu nước tưới cho cây trồng vào thời điểm cuối vụ là rất lớn. Việc tích thêm nguồn nước cho các công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu nước tưới cho cây trồng trong điều kiện nắng nóng kéo dài là không thể, ngoại trừ thời tiết xuất hiện vài cơn mưa lớn.
Lượng nước còn lại ở phần lớn hệ thống công trình thủy lợi, nhất là công trình vừa và nhỏ khó đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng vụ Đông Xuân năm nay đến ngày thu hoạch đã hiện rõ. Vì vậy, nhóm giải pháp bổ sung nguồn nước giải quyết nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trên phạm vi cả tỉnh đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai. Nổi bật là giải pháp chỉ đạo các đơn vị chủ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh ưu tiên xả nước các hồ chứa thủy điện về hạ du phục vụ dân sinh, sản xuất; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước; sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, nhất là áp sụng phương cách tưới nhỏ giọt, tưới phun, tưới luân phiên cho cây trồng gắn với kế hoạch điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt. Hy vọng việc thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp bổ sung nguồn nước, điều tiết lịch cấp nước kịp thời sẽ giảm bớt phần nào sức ép nước tưới cho cây trồng, sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô hạn năm nay.
Diệp Dũng