Bộ Tài chính Mỹ hôm 5/8 tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi nước này hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
"Được sự ủy nhiệm của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ", Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong thông báo cuối ngày 5/8.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) xuống 6,9999 NDT đổi một USD. Đây là lần đầu tiên NDT xuống dưới mốc quan trọng 7 NDT một USD trong 11 năm qua.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Tổng thống Trump giận dữ, đăng Twitter cáo buộc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ "để đánh cắp các doanh nghiệp và nhà máy của chúng ta". Phố Wall thông báo mức lỗ tồi tệ nhất của năm 2019 và hy vọng về một giải pháp ngắn hạn đối với cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bộ trưởng Mnuchin sẽ làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) "để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh do các hành động mới nhất của Trung Quốc tạo ra".
Việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ được cho là biện pháp trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9. Trung Quốc rạng sáng nay cũng thông báo dừng mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ với lý do Washington "vi phạm nghiêm trọng" thỏa thuận đình chiến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump tại G20 hồi tháng 6.
Luật pháp Mỹ đưa ra ba tiêu chí để xác định sự thao túng giữa các đối tác thương mại lớn: thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu, thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ và can thiệp một chiều liên tục vào thị trường ngoại hối.
Sau khi xác định một quốc gia là nước thao túng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ xem xét một số hình phạt trả đũa như loại trừ khỏi các hợp đồng mua sắm của chính phủ Mỹ.
Mỹ đã chỉ định Đài Loan và Hàn Quốc là nước thao túng tiền tệ vào năm 1988, năm Quốc hội ban hành luật đánh giá tiền tệ. Trung Quốc là nước cuối cùng bị dán nhãn nước thao túng tiền tệ vào năm 1994.
Hồi tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ không tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ dựa trên các tiêu chí ngặt nghèo hơn, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu, sự can thiệp một chiều và thặng dư thương mại song phương lớn với Mỹ. Tuy nhiên, trong báo cáo, Bộ Tài chính giữ Trung Quốc trong danh sách giám sát tăng cường.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cáo buộc động thái của Trung Quốc đã vi phạm cam kết G20 của nước này trong việc hạn chế làm mất giá đồng tiền với mục đích cạnh tranh. Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tăng cường minh bạch trong tỷ giá hối đoái và bảo lưu các mục đích và hoạt động quản lý.
Các động thái trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến căng thẳng thương mại gia tăng và cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Phương Anh (VTC News/Nguồn: Reuters)