Sự phối hợp giữa Nga và Israel-đồng minh thân cận của Mỹ tại phía Nam Syria đã tạo ra sức ép đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tình hình tại khu vực phía nam Syria đang xuất hiện nhiều diễn biến mới. Sự phối hợp giữa Nga và Israel trong khu vực này hiện giờ đang được chú ý hơn thỏa thuận ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào năm ngoái. Điều này đã tạo ra sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đồng minh thân thiết lâu nay của Mỹ “bắt tay” Nga.
Mỹ lo lắng vì Israel bắt tay Nga tại Syria. Ảnh minh họa: CNN. |
Vai trò mâu thuẫn của Mỹ tại phía Nam Syria
Mỹ từng đóng một vai trò quan trọng tại khu vực phía Nam Syria. Trung tâm điều phối quân sự do Mỹ dẫn đầu tại Amman đã cung cấp vũ khí và chương trình huấn luyện, đào tạo cho một số lượng lớn các thành viên của Quân đội Tự do Syria (FSA) đang hoạt động tại khu vực tây nam Syria từ năm 2014 đến 2016. Tuy nhiên, khi Mỹ ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga, nước này đã đóng cửa tuyến đường tiếp vận tới phía nam Syria.
Cũng cần nhắc thêm rằng, từ khi Jordan phong tỏa biên giới với Syria nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn Syria ồ ạt đổ về quốc gia này, mặt trận phía nam Syria không còn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thay vào đó, Mỹ tập trung mọi nỗ lực ngoại giao và sự hiện diện quân sự tại khu vực phía bắc Syria.
Tuy nhiên, sự hợp tác của Nga và Israel tại phía Nam Syria thời gian gần đây đã gia tăng tới một mức độ chưa từng có, buộc Mỹ phải quay trở lại. Hiện tại, Mỹ đang nỗ lực gây sức ép buộc Nga thực hiện các cam kết đưa ra trong thỏa thuận ngừng bắn tại Tây nam Syria mà hai bên nhất trí vào tháng 7/2017.
Theo thỏa thuận, Mỹ phải đóng cửa căn cứ quân sự Al-Tanf để đổi lấy việc rút các lực lượng của Iran cùng lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ra khỏi khu vực Tây Nam Syria. Căn cứ Al-Tanf nằm ở phía nam tỉnh Homs, giáp biên với Iraq, từng được Mỹ sử dụng để đào tạo phe đối lập Syria. Chính phủ Syria và đồng minh Iran luôn hy vọng giành quyền kiểm soát khu vực này cùng cửa khẩu biên giới al-Waleed để mở tuyến đường cao tốc nối liền Baghdad và Damascus.
Ngoài điều kiện rút các lực lượng Iran, Mỹ còn đề nghị Nga gây ảnh hưởng để lực lượng dân quân Syria chỉ được đồn trú tại khu vực cách biên giới với Jordan từ 20 đến 25km, đưa các thành viên của phe đối lập và gia đình họ tới tỉnh Idlib, mở lại cửa khẩu biên giới Nasib giữa Syria với Jordan, cũng như hình thành một cơ chế chung Nga-Mỹ giám sát thỏa thuận.
Hai lựa chọn cho Mỹ
Theo các nhà phân tích, để đạt được những mục tiêu trên, Mỹ cũng phải đánh đổi lợi ích của nước này. Song, Washington có rất ít lựa chọn. Kịch bản đầu tiên là Mỹ buộc phải “ngồi ở hàng ghế sau”, từ bỏ tất cả ảnh hưởng tại khu vực Tây Nam Syria để đổi lấy việc Iran tránh xa khu vực biên giới Israel và Jordan. Khi đó Nga sẽ độc quyền nắm giữ các quy tắc đối thoại trong khu vực.
Với kịch bản này, Washington một lần nữa để lại ấn tượng xấu vì từ bỏ đồng minh, trong trường hợp này là FSA. Tuy nhiên Mỹ có thể tập trung toàn bộ nguồn lực bảo vệ các căn cứ quân sự tại khu vực đông bắc Syria, thay vì dàn trải lực lượng cả ở hai phía.
Kịch bản thứ hai là chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ làm sống lại vai trò của Mỹ tại mặt trận phía nam. Các máy bay chiến đấu hoặc máy bay không người lái của Mỹ có thể tấn công quân đội Syria trong bối cảnh Syria đang nỗ lực giành quyền kiểm soát các tỉnh Deraa và Quneitra. Mỹ cũng có thể mở lại tuyến đường tiếp vận qua Jordan cho lực lượng FSA. Kịch bản này, về mặt kỹ thuật đồng nghĩa với việc làm tái leo thang căng thẳng cuộc xung đột tại Syria. Đối với Mỹ, đây là hai kịch bản “khó nhằn” mà Bộ Quốc phòng nước này luôn muốn tránh né.
Mỹ lo ngại thỏa thuận giữa Nga và Israel
Quan hệ hợp tác giữa Nga và Iran thời gian này đang ở một mức độ chưa từng có. Ngoại trừ Mỹ, mối quan hệ với Moscow đóng vai trò quan trọng với Israel hơn bất cứ quốc gia nào khác. Trong khi duy trì mối liên minh thân cận với Mỹ, Israel cũng đầu tư nhiều nỗ lực xây dựng sự hợp tác với Nga.
Trước đó vào tháng 5 vừa qua, tờ Telegraph dẫn một số nguồn tin cho biết, Nga và Israel đã đạt được một thỏa thuận, cho phép lực lượng của Tổng thống Syria Al-Assad giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ do phiến quân nắm giữ tại phía Nam Syria , miễn là các binh sỹ của Iran không tham gia vào tiến trình này. Bên cạnh đó Moscow dường như cũng đồng ý với yêu cầu của Iran về việc giữ lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn duy trì sự hiện diện cách xa Cao nguyên Golan khoảng 24km. Mỹ đã đứng ngồi không yên trước thỏa thuận này.
Tờ Thời báo Israel cho biết, Mỹ rất cảnh giác đối với thỏa thuận này vì cho rằng điều đó sẽ có lợi cho chính phủ Syria, giúp Tổng thống Bashar Al-Assad dễ dàng hợp nhất lãnh thổ. Tờ báo này trích dẫn một số nguồn ngoại giao phương Tây cho biết: “Chính phủ Mỹ muốn tiếp tục gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống Bashar Al-assad.”
Hiện tại, Nga đang gây sức ép với Mỹ tại phía nam Syria để buộc Mỹ quay trở lại bàn đàm phán. Bên cạnh đó, Nga cũng chấp nhận việc triển khai lực lượng “Hổ Syria” tại khu vực ngoại ô thành phố Deraa. Điều này đã gây sự chú ý đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump .
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gặp Tổng thống Nga Putin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Brussels vào tháng 7 tới, nhấn mạnh, ông Trump muốn được tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào giữa Nga và Israel tại tây nam Syria.
Hồng Anh/VOV.VN
Theo Aljazeera