Mỹ công bố tài liệu chi tiết chống lại các yêu sách trái pháp luật của Trung Quốc ở biển Đông, bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các tuyên bố phi lý của Bắc Kinh.
Tài liệu nghiên cứu 47 trang được công bố hôm 12-1 của Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với hầu hết biển Đông.
Tài liệu có đoạn những tuyên bố này làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền ở các đại dương và nhiều quy định được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế được nêu Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Thông qua tài liệu nói trên, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hoạt động trái pháp luật và cưỡng ép trên biển Đông.
Tài liệu 47 trang là bản cập nhật của một nghiên cứu tiến hành năm 2014, trong đó tranh luận về cái gọi là "đường 9 đoạn" phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông.
Hồi năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết ủng hộ Philippines trong vụ kiện về biển Đông với Trung Quốc. Bắc Kinh đáp lại bằng cách đưa ra những lý lẽ mới như nước này có "quyền lịch sử" với khu vực này.
Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng "những tuyên bố dựa trên lịch sử như vậy không có cơ sở pháp lý" và Trung Quốc không đưa ra lý lẽ cụ thể.
Nghiên cứu cũng chỉ ra các lý do về mặt địa lý nhằm bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc, theo đó cho rằng hơn 100 địa điểm mà Bắc Kinh đề cập ở biển Đông đều dưới mực nước biển khi thủy triều lên, "vượt quá giới hạn hợp pháp về lãnh hải" của bất kỳ quốc gia nào.
Các tàu chiến của Nhật Bản trong cuộc tập trận chung với Mỹ ở biển Đông vào tháng 6-2020. Ảnh: US Navy |
Trong khi đó, theo tờ Yomiuri, các tàu chiến thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) đã tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong động thái được cho là nhằm "răn đe" Trung Quốc.
Tờ Yomiuri dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết các hoạt động của MSDF bắt đầu từ tháng 3-2021, khi một tàu khu trục di chuyển qua vùng tiếp giáp khu vực 12 hải lý quanh các thực thể ở quần đảo Trường Sa.
Đến tháng 8-2021, một tàu khu trục khác của MSDF thực hiện hải trình tương tự. Một trong những tàu được điều đi là tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga Ise, từng tập trận chung với Mỹ, Úc, và Pháp trong năm qua.
Một chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản nhận định sẽ hơi quá khi gọi đây là hoạt động tuần tra tự do hàng hải giống như các hoạt động của tàu quân sự Mỹ. Tuy nhiên, các chuyến đi này cũng ẩn chứa một thông điệp chính trị, với mục đích gây sức ép với Trung Quốc.
Ông Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Daito Bunka, cho biết Mỹ là quốc gia duy nhất thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông bằng cách điều tàu chiến đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh thực thể Trung Quốc bồi đắp trái phép. Trong khi đó, các tàu chiến của Úc và Anh, dường như giống các tàu chiến Nhật Bản, chỉ đi qua các vùng tiếp giáp khu vực 12 hải lý quanh các thực thể ở quần đảo Trường Sa.
Xuân Mai (NLĐO)