Mùa gặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài kia, bầy chim rộn rã sà xuống đồng khiến không khí ngày mùa thêm hối hả. Nắng lại thêm vàng ươm trên những cánh đồng lúa chín.
Từ xa, lớp lớp dải lúa tạo thành bậc thang hiện lên lưng chừng giữa chân trời. Từng vạt lúa kết lại thành tấm thảm đan đủ cung bậc sắc màu. Mùa lúa tháng 4 bỗng nên thơ với những cánh bướm vàng rập rình giữa những chỏm xuyến chi nơi bờ ruộng.
Những bông lúa chín trĩu nặng ngả đầu vào nhau tình tự như dự cảm về một cuộc chia ly. Từng hạt lúa căng tròn, óng ánh như những đứa con được chăm bẵm no đủ trong gia đình. Trước đây, mỗi mùa gặt, người nông dân phải tốn khá nhiều công sức bởi chưa có máy cắt. Trên cánh đồng lấp ló những chiếc nón tơi, những cái lưng “cong liềm” của thợ gặt. Chiếc liềm sắc bén đi đến đâu là lúa gục theo từng nhát cắt đến đó. Từng giọt mồ hôi nhỏ xuống thấm vào rạ, thấm xuống ruộng sâu. Tiếng í ới gọi nhau gánh lúa về. Đôi quang gánh oằn mình trên vai mẹ gầy hanh hao cả gió chiều. Những gánh lúa chất thành đống rồi được xe bò kéo về đập để tách hạt ra khỏi bông lúa. Ụ rơm vàng thơm lại đầy thêm nơi góc vườn.
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Tiếng xoèn xoẹt của máy cắt vang lên từng hồi làm chộn rộn cả cánh đồng. Đám lúa vàng được máy cắt cuốn lên guồng rồi nhả hạt, phụt trả cọng rơm lại cho cánh đồng. Như hoàn thiện sứ mệnh lớn lao của mình sau cuộc vượt cạn đớn đau, bông lúa trĩu vàng đã gửi lại kết tinh tình yêu với lòng đất cho trời xanh, gieo thân mình trở về mặt đất. Tự hóa một kiếp trả món nợ ân tình. Cả cánh đồng trơ trụi bởi đám rơm tả tơi trơ thân gầy. Mấy gốc rạ bật mình đớn đau như thương cảm, tiếc nuối cho số phận truân chuyên của bông lúa vàng sau mùa thu hoạch. Mùi ngọt từ rơm rạ và cả bùn khô hòa lẫn trong mùi nắng thơm đến lạ lùng. Hương thơm ấy có cả mùi mặn chát của mồ hôi, của sự hy sinh, cống hiến. Thứ mùi hương chẳng lẫn vào đâu được trong tâm trí tôi mỗi khi nhớ về. Mùi rơm rạ-mùi của làng quê!
Chẳng mấy chốc chiều nghi ngút khói. Những làn khói cứ quẩn quanh rồi tan trong làn gió heo hắt theo từng chút nắng còn sót lại trên cánh đồng. Bầy chim sẻ chí chách tranh nhau mồi. Đám cò trắng đậu trên cánh đồng rỉa lông cho nhau. Khung cảnh lúc này như bức họa đồng quê có đủ hương, đủ sắc hòa quyện vào nhau. Tôi chựng lại bước chân, sợ phá vỡ mất khung cảnh toàn mỹ của mùa vàng ngay trước mắt.
Từng cọng rơm mảnh dẻo dai kết chặt thành ụ rơm mà đám trẻ thường chơi trốn tìm. Tôi bật mình thức dậy trong mùi thơm ngào ngạt của sân lúa. Tiếng bừa cào lẹt xẹt của cha đang trải lớp thảm vàng phủ khắp sân. Ra đi trong cái hối hả của mùa gặt rộn ràng còn đọng lại sau cái ngoái đầu, tôi nhận ra hành trình của cuộc đời mình cũng giống như cuộc vượt cạn đớn đau của mùa vàng đầy thóc sân phơi.
 TRÚC PHÙNG

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...