Hoa súng ngày cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con đường vô núi phải băng sông, đi qua hai, ba đầm lầy. Đầm lầy nào cũng hoa súng mọc bát ngát. Kỳ lạ, nước càng nhiều cọng súng càng vươn dài, đưa những bông hoa vươn cao lên khỏi nước.
Lá súng cũng vậy: nước lên lá lên, nước xuống lá xuống. Từng tấm lá tròn xoe như cái đĩa trải mình lả lơi trên mặt nước, mướt một màu xanh tím mỡ màng. Chỉ mùa nước rốc (cạn) còn lấp xấp súng mới chịu mọc thẳng đứng; vậy nhưng vẫn cứ ra hoa, nở thơm lừng. Lũ con nít bẻ hoa đem thả sông chơi. Nghịch nữa thì nhổ cả cọng, tước vỏ phần dưới gốc, bỏ vô miệng nhai rạo rạo. Cọng súng phần gần bùn non mềm, một chút chát, còn lại ngòn ngọt nên lũ nhỏ thích ăn. Hái cả bó hoa, tước bỏ vỏ, mỗi cọng nhai được đúng một mẩu! Mẹ bắt gặp, la: “Vừa ăn vừa phá!”. Tôi cãi: “Của rừng của đồng chớ của ai đâu? Tùm lum mà má tiếc gì”. “Ừ thì của rừng của đồng, nhưng ăn phá như bây của nào chịu nổi. Hết không mấy lát đâu con…”.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh nguồn internet
Những buổi nông nhàn, sáng mẹ tranh thủ lội sông vô rừng hái củi. Chiều gánh củi về, mẹ đặt gánh nghỉ chân, sẵn lội luôn xuống đầm bứt hoa súng. Được một bó to. Mẹ khoanh tròn, cột lên đầu bó củi gánh về. Bỏ gánh củi xuống là ôm ngay bó hoa súng ra thềm giếng.
Những cọng súng được mẹ tước vỏ sạch sẽ đem nấu canh chua cá lóc. Nhiều hơn thì bỏ muối ngâm như ngâm dưa cải. Ngâm chừng mươi bữa là đem ăn được. Dưa chua hoa súng ăn có vị lạ. Một chút ngòn ngọt, một chút dai, một chút mặn, và thêm cả chút hăng hăng ngai ngái mùi bùn rất chi… đặc trưng hoa súng. Muốn ngon hơn thì đem dưa kho cùng thịt cá. Con đông nhà khổ nên thường mẹ kho cá ít dưa nhiều mà sao vẫn thấy ngon. Mười miếng dưa cõng một miếng cá, thêm chút ớt dằm cay là đủ để lũ nhỏ ăn bay nồi bay xoong. Chưa hết, bạn bè cha tới nhà chơi, mẹ còn sáng kiến đem dưa chua bông súng trộn gỏi cùng đậu phộng, tôm khô với chút ớt, rau thơm vườn nhà làm mồi nhậu. Không tệ. Cả chủ lẫn khách đều gắp lấy gắp để, chắp hít gật gù. Cha khen: “Món vậy mà cũng nghĩ ra, đúng bà… hay thiệt!”. Mẹ nghe cha khen, cười tươi như bông hoa súng vừa nở bung hết cánh giữa đầm…
Lâu rồi tôi không về làng cũ. Con đường lội sông vô núi ngày xưa không biết đầm lầy có còn nhiều hoa súng? Lâu lâu đi chợ, thi thoảng tôi vẫn gặp vài người bày bán những khoanh hoa súng, chợt chạnh lòng nhớ tới nỗi lo của mẹ ngày xưa. Không đâu mẹ ơi, hoa súng vẫn còn; chỉ mẹ và món dưa chua hoa súng một thời nuôi lớn khôn con là không còn nữa…
 Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.