Mơ ước viển vông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều khi mơ ước viển vông, tôi lại nảy ra ý nghĩ đi bán sách dạo. Nói viển vông là bởi chuyện này có vẻ xa rời thực tế. Chưa kể, tôi đã có nghề dạy học và viết văn. Nhưng viển vông là viển vông thôi. Không vì sao cả!
Thứ gì bán ra để phục vụ cho đời sống con người cũng đều giá trị. Nhưng sách là món hàng đặc biệt, đầy nhân văn. Kỳ thực, tôi có chút “làm dáng” với ước mơ của mình. Không phải đi bán một nia hoa, nia bánh mà là một nia đầy sách. Trong khi chúng đã được bày bán nhiều vô kể ở các nhà sách lớn. Vì sao chọn bán sách, mà phải là bán dạo cơ chứ?
Giữa rầm rập cộ xe, nghĩ mình đi bán sách dạo cũng thấy lòng nao nao. Bán hàng rong để mưu sinh bao giờ cũng lắm nỗi nhọc nhằn. Nhưng sao trong hình dung của tôi, bán sách dạo lại là nghề nhàn nhã. Trong cái tiết mùa khô lành lạnh, gió nhẹ thổi đủ để khăn áo nhẹ bay, tôi đổ dốc trên chiếc xe đạp con con, dạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Qua thôn xóm nào cũng cất tiếng rao nhẹ bẫng: “Ai sách không”. Một quyển sách chỉ thu vài ba ngàn lấy lệ. Nhiều người nghe chuyện này sẽ cười tôi kỳ khôi quá. Thu chừng ấy tiền thì chẳng lợi lộc gì. Nhưng lãng mạn rồi thì tôi cho hẳn bán sách dạo là thú vui, không phải nghề kiếm sống. Chỉ cốt thỏa nguyện văn chương chữ nghĩa và cả cái thú lang thang mộng mơ nữa. Mà thú vui thì không ai so tính thiệt hơn bao giờ.
Đến tuổi thư nhàn, chắc tôi sẽ có một ít vốn liếng sách vở. Tôi đóng tất cả vào rương, bày vài quyển lên nia, cột vào yên sau xe đạp rồi cứ thế rong ruổi. Có người bán dạo thì ai cũng dễ dàng tấp vào mua. Toàn sách văn chương, truyện ngắn Thạch Lam chẳng hạn. Biết đâu đứa trẻ nào đó sẽ thích “Gió lạnh đầu mùa”. Tôi chưa mường tượng ra mình trong dáng vẻ của người bán sách dạo. Nhưng ngẫm đến việc có một cụ già hay một đứa trẻ chờ tôi trong hẻm nhỏ để đón mua vài cuốn sách thì nghe lòng vui quá. Như ngày xưa, tôi háo hức chờ để đổi chiếc dép nhựa đã mòn quai, lấy được một que cà rem mà thích thú cười tít mắt. Tuổi nào cũng cần đọc sách. Nhưng tôi thích bán cho cụ già và em nhỏ. Bọn trẻ cần sách để khám phá, người già cần sách để chiêm nghiệm. Và người bán như tôi, mỗi ngày soi vào sách còn biết mình tốt xấu. Hoặc chí ít cũng thấy mình không vô nghĩa.
Mỗi thành phố là một địa chỉ văn hóa. Tôi thường nghĩ, giá có vài người bán sách dạo, rong ruổi với tháng năm, với con dốc hai mùa mưa nắng, với những điều tử tế, chẳng phải đẹp đẽ và nhã nhặn lắm hay sao. Chạy trời không khỏi… sách, nói vui thế nhưng rõ là sách có mặt ở muôn nơi, cận kề con người, chỉ một cái với tay là có. Nhưng muốn gìn giữ văn hóa muôn đời thì người ta phải trọng sách, quý sách, tìm đọc và nâng niu. Chính tôi cũng thích mua sách dạo, không phải mặc quần áo tinh tươm, đi ngay hàng thẳng lối ra cửa hiệu tìm mua một quyển sách được kê trang trọng, bán theo giá bìa. Chỉ cần nghe tiếng rao, ùa ra cổng là có ngay một quyển sách, có thể không mới cóng nhưng chữ nghĩa bên trong còn tinh tươm, ngời sáng. Giá chỉ bằng tiền mua một chiếc bút chì loại thường.
Nói bán sách dạo là một cảm hứng lãng mạn nhất thời cũng không sai. Bây giờ nghĩ được điều gì khiến tim mình rộng ra thì tôi cứ nghĩ. Tôi không phải là người ham mộng tưởng, cũng không phải kẻ thích xa rời thực tại. Ai cũng biết sống cho những nhu cầu có thật của mình. Nhưng mơ ước là mơ ước, con người đôi khi cũng có đôi chút viển vông để cuộc sống vơi đi phần quay cuồng, mỏi mệt.
LỮ HỒNG
 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.