Mở rộng khai thác công năng Quảng trường Đại Đoàn Kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) là công trình văn hóa quan trọng của tỉnh với nhiều hạng mục như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, bộ cồng chiêng, mô hình núi Hàm Rồng, bể phun nước, cột cờ, sân cỏ, cây xanh, hồ sen, thạch thư, tháp đá… Quảng trường nằm trong quần thể các công trình: Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum (nay thuộc Bảo tàng tỉnh), Bảo tàng cổ vật, tượng Anh hùng Núp.

Tọa lạc tại trung tâm thành phố, có vị trí thuận lợi, diện tích rộng rãi, suốt 1 thập kỷ qua, Quảng trường Đại Đoàn Kết là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, tầm vóc quy mô, đông đến hàng ngàn người. Sau 10 năm đi vào hoạt động, nơi này từng chứng kiến bao sự kiện quan trọng của tỉnh, trong đó có việc UNESCO trao bằng công nhận di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại-không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và một số liên hoan luân phiên tổ chức trong khu vực. Cùng với đó là chương trình lễ hội Giao thừa hàng năm hay mới đây là lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh.

 Quảng trường Đại Đoàn Kết nhìn từ trên cao. (Ảnh: internet)
Quảng trường Đại Đoàn Kết nhìn từ trên cao. (Ảnh: internet)



Một bên Quảng trường là đường Anh Hùng Núp nối liền với trục đường Trần Hưng Đạo và Lê Lợi ở hai đầu. Con đường này chỉ chừng vài ba trăm mét nhưng rất đẹp và được sử dụng để phục vụ các hoạt động cộng đồng: làm nơi thư giãn, vui chơi, thăm thú của du khách, triển lãm, văn nghệ, hội chợ, ẩm thực… Nhiều hoạt động định kỳ tổ chức như trình diễn cồng chiêng, liên hoan văn nghệ, ẩm thực, mua sắm. Nói chung, đây là con đường rất đông vui, sôi động hàng ngày với nhiều hoạt động diễn ra liên tục, thu hút đông đảo khách tham quan.

Tuy nhiên, khi cây xanh được trồng thêm, phát triển xanh tốt cũng là lúc ai cũng nhận thấy diện tích nơi này trở nên nhỏ hẹp, không thể dung chứa các hoạt động tập thể, đông người. Đã thấy rõ điều đó qua việc các hội chợ tổ chức ở đây trở nên lộn xộn do tình trạng quá tải, chen chúc gian hàng, hàng hóa trưng bày thiếu ngăn nắp và người tham quan mua sắm đông đúc. Sự quá tải và bất cập đó vô hình trung làm mất đi sự chuyên nghiệp, bài bản trong việc tổ chức sự kiện, hoạt động, khiến ít nhiều yếu tố văn hóa cũng bị ảnh hưởng. Nội dung của từng sự kiện trong tổng thể cũng giảm đi sự chỉn chu, phát huy hiệu quả không đầy đủ, nếu không muốn nói là lãng phí.

Từ thực tế trên, người viết cho rằng, cần mở rộng không gian tổ chức các sự kiện bên ngoài khu vực “lõi” của Quảng trường. Đó là hai đầu của nơi này: một bên là không gian kéo dài trong khu vực Bảo tàng tỉnh và một bên là đường Anh Hùng Núp. Theo người viết, bố trí như vậy là góp phần mở rộng không gian cảnh quan và hoạt động cho Quảng trường. Thứ hai là cân đối các hoạt động diễn ra cho 2 đầu Quảng trường. Thứ ba liên quan trực tiếp đến 2 mục đích trên, đó là góp phần giảm tải sự kiện tổ chức phía đường Anh Hùng Núp. Tất nhiên, việc tổ chức sự kiện với phân khu quản lý, bảo vệ, khai thác không gian Quảng trường phía tiếp giáp với ngã ba Hoa Lư phải phù hợp, được Bản Quản lý và ngành chức năng nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn phương án thực hiện đầy đủ và tốt nhất.

Hiện nay, khu vực trước Bảo tàng tỉnh có cảnh quan rất đẹp và rộng rãi, bên cạnh đó là khu vực 2 bên đường Trần Hưng Đạo từ hướng ngã ba Hoa Lư đi vào. Khi cây xanh được trồng nhiều thêm và đã khép tán khuôn viên trước Bảo tàng tỉnh thì cả một khu vực rộng lớn và bắt mắt này hiện vẫn chưa được sử dụng mấy hiệu quả. Có mặt bằng, có diện tích thì chẳng có lý do gì để lãng phí, trong khi nơi khác (phía đường Anh Hùng Núp) lại chật chội, quá tải mỗi khi có sự kiện diễn ra. Người viết từng tham gia một số sự kiện diễn ra trước khuôn viên Bảo tàng tỉnh nhưng rời rạc, chưa tạo dấu ấn. Nếu thường xuyên tổ chức và tăng cường truyền thông, quảng bá thì chắc chắn các sự kiện và hoạt động diễn ra nơi đây sẽ thu hút người đến tham gia, thưởng thức, trải nghiệm hơn. Tất nhiên, phải nghiên cứu kỹ công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan, đảm bảo an ninh trật tự.

Thiết nghĩ, giải tỏa “ách tắc” trên chỉ hoàn toàn có lợi. Tức là làm cho các phân khu của không gian cảnh quan Quảng trường được bố trí phù hợp, hài hòa, sinh động, công năng thì được phát huy, sử dụng hiệu quả hơn.

 

 THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...