Mở đường lên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Sắp tới, dân làng Bua đi lại thuận tiện rồi”-chị Rơ Châm H'Biết (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) không giấu được niềm vui khi tuyến đường phía trước nhà chị đã chính thức khởi công.

Máy xúc tiến hành bóc lớp đất phong hóa tại vị trí thi đoạn tuyến thi công mới Tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ. Ảnh: Lê Hòa
Máy xúc tiến hành bóc lớp đất phong hóa tại vị trí thi đoạn tuyến thi công mới tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ. Ảnh: Lê Hòa

Vợ chồng chị H'Biết có vườn cà phê, điều, cao su và ruộng lúa ở cánh đồng Ia Sấp, cách nhà chị tầm 2 km. Trước đây, tuyến đường từ xã Ia Pnôn đến Ia Nan chưa được đầu tư nên việc đi lại rất vất vả.

“Mùa khô, mỗi đợt xe ô tô chạy ngang qua hay có gió thổi là bụi bay mù mịt. Mùa mưa thì đường lầy lội, trơn trượt. Trong các cuộc họp làng, mình nhiều lần đề xuất Nhà nước sớm quan tâm đầu tư cải tạo tuyến đường để bà con đi lại an toàn, thuận lợi. Vậy nên thấy đường được đầu tư làm mới mình rất vui”-chị H'Biết nói.

Còn ông Rơ Châm Khiêm-Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn thì cho hay: Mặc dù là tuyến đường nối với trung tâm huyện nhưng lâu nay chưa được đầu tư đồng bộ nên việc đi lại rất khó khăn. Bởi vậy, bà con thường chọn hướng di chuyển theo đường vòng xa hơn so với tuyến đường đang thi công hiện nay.

“Xã Ia Pnôn có 1.127 hộ với trên 5.000 khẩu, sinh sống tại 3 thôn, làng. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số của xã chiếm trên 97%. Hạ tầng giao thông còn khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuyến đường hoàn thành sẽ tạo mạch kết nối quan trọng giữa xã Ia Pnôn với trung tâm huyện và xã Ia Nan, thúc đẩy giao thương, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn nhấn mạnh.

Ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-thông tin: Cuối tháng 7-2020, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ.

Công trình có tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, được xây dựng theo quy mô đường cấp V miền núi với tổng chiều dài tuyến 21,5 km, bề rộng mặt đường 3,5 m, bề rộng nền đường 6,5 m, mặt đường thảm bê tông nhựa. Điểm đầu tuyến tại điểm giao cắt với quốc lộ 19 (gần trụ sở Công an huyện Đức Cơ), điểm cuối tuyến tại Km 21+500 (gần Đồn Biên phòng Ia Nan). Trên tuyến có 2 cây cầu bê tông vĩnh cửu cùng hệ thống thoát nước, xử lý các nút giao và đường giao... Thời gian thực hiện Dự án trong 2 năm (2020-2022).

“Mục tiêu của tuyến đường là kết nối quốc lộ 19 với quốc lộ 14C và Đồn Biên phòng Ia Nan qua địa bàn 2 xã Ia Pnôn và Ia Nan; đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương”-ông Việt khẳng định.

 Thi công tuyến giao thông biên giới-đoạn qua làng Bua (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: Lê Hòa
Thi công tuyến giao thông biên giới-đoạn qua làng Bua (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: Lê Hòa


Công ty cổ phần Trường Sơn 145 là nhà thầu chính. Hiện nay, các đơn vị đang tiến hành thi công bóc lớp đất hữu cơ, đào nền đường và đắp đất tại một số đoạn.

Ông Trà Anh Tú-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trường Sơn 145-cho hay: “Áp lực lớn nhất đối với đơn vị thi công là nguồn đất san lấp, ước tính công trình cần khoảng 30.000 m3 đất. Bên cạnh đó, giá đá xây dựng tăng khoảng 40% so với thời điểm phê duyệt dự toán. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai các phương án thi công phù hợp để đảm bảo đúng chất lượng, tiến độ dự án theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư”.

Nói về ý nghĩa của Dự án, bà Bùi Thị Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Nan-chia sẻ: “Cùng với quốc lộ 14C được Nhà nước đầu tư xây dựng và hệ thống đường liên thôn, nội thôn được xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ sẽ tiếp tục góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn xã. Điều này không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, đi lại trên địa bàn mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới”.

 

 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Bùng binh ngã ba Diệp Kính trước đây là vị trí đặt cột mốc Pleiku 0 km. Ảnh: H.N

Dấu ấn đô thị Pleiku nhìn từ cột mốc số 0

(GLO)- Nhiều người cho rằng khi nhà thơ Vũ Hữu Định viết về phố núi “đi dăm phút đã về chốn cũ” là ông lấy cột mốc Pleiku 0 km (cột mốc số 0) làm điểm khởi đầu. Vậy cột mốc này nằm ở vị trí nào, vì sao đến nay không còn xuất hiện trên bản đồ dù nó vẫn “sống” trong ký ức nhiều người?

Quảng Ninh sẽ có thành phố thứ 6

Quảng Ninh sẽ có thành phố thứ 6

Theo quy hoạch, Quảng Yên sẽ trở thành thành phố thứ 6 của Quảng Ninh vào năm 2025. Hiện Quảng Ninh có 5 thành phố gồm: Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Móng Cái, trong đó TP Đông Triều được thành lập vào cuối năm 2024.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19: Nhiều bất cập cần xử lý trước khi bàn giao đưa vào sử dụng

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19: Nhiều bất cập cần xử lý trước khi bàn giao đưa vào sử dụng

(GLO)- Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai) về cơ bản đã hoàn thành và chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đoạn tuyến qua địa bàn huyện Đak Đoa vẫn còn nhiều điểm bất cập chưa được xử lý triệt để.