Miên man phượng vĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi yêu hoa phượng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Tuổi học trò vô tư nhưng không khỏi bồi hồi xuyến xao khi ngắm phượng bừng đỏ nơi góc sân trường. Để rồi khi trưởng thành, tôi lại kết duyên với phấn trắng bảng đen, với màu áo trắng học trò cùng biết bao mùa phượng cháy.
Hàng năm, mỗi mùa phượng nở, tôi lại thỏa thuê ngắm hoa mà bâng khuâng ước vọng. Hàng phượng vĩ này do chính tay chúng tôi trồng từ 20 năm trước, là ranh giới giữa trường tiểu học và THCS nơi tôi công tác. Trong khi một số cây khác ở vị trí trống trải hơn đã bị bật gốc bởi gió bão thì hàng phượng lại được che chắn bởi dãy phòng học 2 tầng nên cây cứ âm thầm mà lớn, chờ ngày kết nụ đơm bông.
Mấy tháng mùa đông, hàng phượng rụng lá, trơ ra những cành khẳng khiu. Sang mùa xuân, cây cũng chỉ một màu nâu xám, trên cành lủng lẳng những quả già nua. Rồi đầu cành lần lượt nứt mầm chúm chím những chồi lá non tơ. Bẵng đi một thời gian, khi những cơn nắng trở nên gắt gao hơn, không khí hầm nóng, ngột ngạt báo hiệu mưa đầu mùa. Giữa lúc ấy, phượng bỗng hé một chùm lửa đỏ trên cành khiến tôi lần nào cũng bất ngờ mà thốt lên: Hè về!
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mùa phượng nở cũng là mùa bướm bay rợp trời. Từng đàn bướm kéo nhau qua vườn điều quả vàng chín mọng rồi quây quần vờn quanh tán phượng. Tôi choáng ngợp trước đàn bướm rập rờn bên những chùm hoa đỏ. Sự hòa quyện tuyệt vời của sắc màu ấy là món quà của thiên nhiên ban tặng cho cô trò chúng tôi làm vơi bớt đi bộn bề khi năm học kết thúc.
Phượng gợi lên bao nỗi niềm trong lòng những cô cậu học trò cuối cấp. Nhiều em học sinh cũng bồn chồn nép dưới vòm cây phượng mà lưu lại những khoảnh khắc đẹp của tuổi mộng mơ. Nhìn các em, bất giác lòng tôi nhớ về thời hoa niên đầy dịu ngọt. Ngày ấy, đám con gái chúng tôi ngắt cánh hoa rơi ép thành cánh bướm rồi tặng nhau. Theo thời gian, cánh phượng xưa đã nhạt phai sắc thắm nhưng đó mãi là kỷ niệm đẹp trong tôi.
Cơn mưa chiều nay chợt ướt nhèm chùm hoa thắm đỏ. Phượng run rẩy hứng trọn những hạt mưa rơi rồi chìm vào đêm tối. Nhưng chỉ sáng mai thôi, khi ánh bình minh chào ngày mới, phượng sẽ lại kiêu hãnh vươn mình khoe sắc. Sau vài cơn mưa đầu mùa, phượng bắt đầu ra lá non, chả mấy chốc đã xanh um cả khoảng trời. Lúc này, sân trường đã vắng bóng đám học trò tinh nghịch. Dưới gốc cây, hoa rụng lớp lớp, kết thành thảm dày. Và theo thời gian, màu hoa đỏ ấy cứ miên man chảy mãi trong tôi với bao nỗi niềm.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.