Ký ức mùa hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Biết bao thế hệ đi qua tuổi học trò chắc chắn đều có cảm nhận giống nhau, đó là mùa hè chính là mùa của những lưu luyến nhớ thương, bồi hồi xao xuyến. 
Giữa cái nắng vàng tươi lại thắp lên màu đỏ rực của hoa phượng khắp các con đường và trong các vuông góc sân trường. Màu đỏ ấy, có nhà thơ cảm nhận và đặt tên riêng cho nó là "hoa học trò" quả cũng không sai. Hình ảnh hoa phượng vĩ nhắc nhớ những kỷ niệm thân thương của tuổi học trò. Ký ức không thể nào quên và mãi làm hành trang mang theo một kỷ niệm đẹp về tình thầy trò, tình bạn, kể cả mối tình đầu đầy xao động của con tim vừa nở nụ.
Mùa hè, dường như bất cứ lúc nào cũng rộn ngân tiếng ve nơi vòm lá. Tiếng ve ngân dài tạo thành khúc nhạc trên cái nền màu đỏ tươi mới của những chùm phượng vĩ. Đây cũng là tiếng nhạc lòng du dương đầy xúc cảm báo hiệu mùa chia tay và lưu luyến. Các em nhỏ thì về với gia đình hoặc theo cha mẹ về quê với bao trò chơi dân dã.
Còn đối với các lớp cuối cấp, các em chia tay để chọn cho mình một lối đi riêng, vì thế, không sao tránh khỏi nỗi lòng thương nhớ đầy vơi. Tạm biệt nhé, mái trường thân thương sau 12 năm gắn bó với bao kỷ niệm vương vấn trong lòng. Mối tình đầu chớm nở để rồi chia tay với ánh nhìn vụng dại. Thời gian như chậm lại để các em thêm một lần được siết chặt tay, trao nhau ánh mắt trìu mến cùng những dòng lưu bút chân thành, ấm áp.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Hai năm trở lại đây, tuổi học trò, tuổi hồn nhiên và thần tiên bỗng dưng lại mất đi cái cảm giác nghỉ hè. Cái màu phượng đỏ ấm nồng, cái âm hưởng tiếng ve rả rích hình như mất đi cái cảm giác trong tâm trạng của các em chăng?
Cũng bởi sự diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Hai năm rồi, nó đeo bám khiến cho xã hội đảo lộn và khủng hoảng về nhiều mặt, trong đó có sự đảo lộn về thời gian học tập của học sinh. Hè năm 2020, thầy trò ở các trường học còn phải nán lại đến tháng 7 mới kết thúc, còn năm nay thì lại chạy đua với thời gian kết thúc năm học giữa tháng 5 trong sự hồi hộp, lo âu. Nhiều trường kết thúc năm học vội vàng, nhiều học sinh còn chưa kịp có cái nắm tay đầy lưu luyến.
Buồn là thế nhưng đành chấp nhận vì chủ trương của Đảng và Chính phủ là chống dịch như chống giặc là hoàn toàn đúng đắn và hợp với hoàn cảnh. Vậy nên, tiếng hát sân trường, lời thơ quyến luyến buổi chia tay sao bâng khuâng đến lạ. Những lời có cánh trong lưu bút cũng lạc vào chốn lặng im. Chỉ còn để lại trên sân trường màu hoa phượng khoe sắc và tiếng ve khắc khoải gọi hè.
NGUYỄN TẤN HỶ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.