Bên những tàng thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày mới lên Gia Lai, tôi đã từng thích thú reo lên: “Ôi, rừng thông!”. Qua cửa sổ của xe khách, tôi mải miết ngắm nhìn những đồi thông xanh mướt, một cảm giác thân thuộc đến lạ. Trong hành trang tôi mang theo ngày ấy còn có quả thông khô của cậu bạn thân tặng. Món quà nhỏ xinh luôn được tôi nâng niu gìn giữ. Bây giờ, quả thông trở thành đồ chơi của con trai tôi, mỗi lần chơi xong lại cẩn thận đặt lên góc bàn làm việc của mẹ. Còn tôi, mỗi lần nhớ đến lại mang ra ngắm nghía.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, đồi thông là một phần đầy ắp kỷ niệm đẹp. Đó là những buổi chăn trâu chơi trốn tìm, phía dưới gốc thông là bụi chạc chìu nối nhau, đến mùa trổ bông trắng muốt, thơm dịu cả khoảng không hay những bụi sim, trâm rừng, dủ dẻ... Trong lúc tìm nơi ẩn nấp, may mắn đụng gốc sim nhiều quả chín lựng, chùm trâm sai trĩu, vừa núp vừa hái ăn, thích thú khúc khích cười.
Những buổi cuối tuần nghỉ học, cả đám rủ nhau lên đồi thông tìm củi gửi mẹ mang xuống chợ huyện bán. Phần thưởng mẹ cho sau mỗi lần như thế thường là chiếc bánh đúc hay vài chiếc bánh răng bừa, có khi là cuốn truyện cũ, cả đám chuyền tay nhau đọc.
Gốc thông bao giờ cũng là bóng mát tuyệt vời cho những đứa trẻ chăn trâu. Khi nắng lên, chúng tôi tìm chỗ bằng phẳng để chơi đồ hàng. Những chiếc lá thông khô sẽ được bó lại thành nắm làm chổi quét nhà, làm sợi bún, sợi phở… trong trò chơi bán hàng của trẻ con. Chúng tôi ngắt những nụ hoa mua tím kết xen với bông chạc chìu trắng làm đèn nháy rồi trang trí lên cây thông…
Có hôm nghịch ngợm chọn cây thông lớn, cành to, leo lên cây, rồi ngồi vắt vẻo ăn trâm rừng. Chơi chán, chúng tôi lại cùng nhau nằm ngửa mặt nhìn lên cao. Trên kia, từng tia nắng chiếu xuống lọt qua tàng cây, hắt lên mặt mỗi đứa thành vệt dài, đưa tay hứng nắng, sợi nắng xen qua kẽ tay thành nhiều hình thù vui mắt.
Ngọn thông đưa nhẹ đều trong nắng gió, thi thoảng lại phát ra thanh âm vi vu hòa với tiếng của lũ chào mào, cu gáy… Chúng tôi gọi đó là “bản nhạc thông reo”. Thảm lá thông rụng xuống chồng lên nhau sẽ là chiếc thảm êm đềm mỗi khi trời gió mát, cơn buồn ngủ kéo đến.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Sau này, khi thông đã đến tuổi lấy nhựa, người ta phát và dọn hết thảy cây cối tầng thấp mọc dưới gốc thông, rừng thông cũng có người canh giữ vì sợ mất nhựa, trẻ con chúng tôi chẳng còn được thoải mái ngồi dưới gốc thông để chơi đùa nữa. Thi thoảng, đứng từ xa nhìn về phía đồi thông, ánh mắt đứa nào cũng đầy thèm thuồng, nuối tiếc.
Ngày cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn thân thường rủ nhau lên đồi thông ở đường Phan Đình Phùng chơi. Nhìn ngắm con trai mình cùng các bạn mải miết nhặt những quả thông khô, ngồi chụm lại chơi chung, trên cao gió thổi ngọn thông cọ vào nhau phát thanh âm vi vút vui tai, vài con chim chuyền cành cũng góp vào đó tiếng hót lảnh lót. Tôi thấy cả khung trời tuổi thơ như hiện về trước mắt.
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.