Men theo triền núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Tôi không nhớ hết những miền đất mình đã từng đặt chân. Cảm xúc với mỗi chuyến đi là thứ đôi khi ngẫu hứng như một cơn mưa bất chợt, vô nguyên cớ ào đến, rồi vụt tắt. Nhưng cũng có khi neo lại như một khoảng bền lâu, bất biến.

Tôi sống nơi miền đất cao nguyên. Tôi đã men theo những triền núi suốt chiều dài năm tháng. Những triền núi luôn có sức mê hoặc, như thể có một lực hút của thứ từ trường cuốn tôi theo đời sống lặng ẩn nhưng cũng đầy rộn rã quanh những ngọn núi.

Mùa trôi qua, năm tháng trôi qua, chứng kiến biến thiên vần vũ, mọi chiêm nghiệm của mình về đời sống ngày một được đắp bồi dày lên. Tôi băng qua những dãy núi của tôi để đến với những dãy núi khác, để được sống cùng những đời sống khác nhau, những đời sống khuất lấp trong mây mù và đá núi. Đến một ngày, tôi chợt nhận ra, có một thứ gì đó như là điểm chung giữa những miền cao nguyên chon von chìm trong sắc xanh của trời mây và cây lá.

Men theo triền núi. Tôi đã gặp biết bao mùa hoa bạt ngàn trên những dặm hành trình. Từ cao nguyên bazan của tôi, 6 tháng mưa để đất tích dưỡng chất nuôi cây. Rồi khi những cơn mưa lui khỏi thì cây lá bung nở những khoảnh khắc ngập tràn màu sắc. Đồi núi như trở mình sau tháng ngày biêng biếc buồn vui.

Những ngày ấy, con người cũng như mê đắm cùng đất trời cây cỏ. Cảm giác chạm vào đâu cũng phải thật gượng nhẹ và ve vuốt bằng ánh mắt trìu mến. Với tôi, những đóa hoa nở ra từ núi, dù là nhỏ nhoi nhất, cũng là sự chiu chắt vô cùng.

Ở bất cứ nơi đâu, khi ngước mắt lên cao để ngắm nhìn những khoảng trập trùng nhuộm kín sắc hoa, tôi luôn có ý nghĩ rằng núi đã phải tự bào mòn mình ra thành đất, để có chỗ cho cây nương náu, rồi vươn nhánh vươn cành mà bừng lên rực rỡ.

Những khoảnh khắc khi mùa trổ ra sắc màu đẹp như không dám tin vào sự thật hiển hiện trước mắt mình, tôi luôn cảm thấy những mùa hoa trên núi không chỉ là sự chiu chắt của cả đất và người. Lúc ấy, hoa không chỉ đơn thuần là hoa nữa, nó là thành quả, là mộng mơ, là cả sự bay bổng của những gì đẹp nhất.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Tôi từng đã nhiều lần chìm vào cảm giác mình đang lạc đến chốn khác khi cứ vòng vòng mãi trong những lối mòn nhỏ quanh co bên triền núi vào những mùa hoa nở. Cao nguyên mưa nhiều, nắng cũng nhiều. Lạ là, trời càng nắng thì sắc hoa càng thắm. Sắc vàng của dã quỳ, của hoa mai; sắc trắng của hoa cà phê, xuyến chi; màu phớt tím pha hồng quấn quýt đan nhau của các loài cỏ… tất cả bừng thức dưới nắng và ràn rạt gió trời giữa mùa khô cao nguyên.

Mùa xuân trên cao nguyên cũng là mùa nắng. Nắng và gió hong khô đất đai, cây cỏ. Thế nhưng đâu đó, những sắc hoa vẫn bung biêng nở trên cái nền bazan nâu sậm son đỏ. Ai đó hẳn sẽ mê đắm nếu tình cờ hiện diện ở một xóm núi rực rỡ sắc mai vàng, khi mùa xuân vào độ viên mãn nhất. Hoặc sẽ như chìm vào một khối hương thơm và màu sắc dịu nhẹ tác động đến tất cả các giác quan khi đi giữa mùa hoa cà phê đang độ mãn khai.

Men theo triền núi. Tôi luôn gặp những đời sống khuất lấp trong sương mây, đôi phần bình lặng, nhưng cũng không kém rộn ràng. Tôi rất thích những buổi chiều, khi mặt trời khuất dạng sau những ngọn núi. Cái khoảng chiều tối ở núi thường kéo dài hơn. Sự dùng dằng giữa ngày và đêm, cả cảnh sắc và con người khi ấy, đều gợi lên sự ấm áp. Vạn vật vào thời điểm ấy, đều tìm về nơi trú ẩn, những mái bếp thở vào chiều đôi làn khói vẩn vơ, nhẹ, mảnh.

Mùa nào, tôi cũng có thể mường tượng về những khung cảnh ấm áp quanh gian bếp. Gian bếp nào cũng có một người mẹ, chi chút và vén khéo. Có lần, tôi đã bước vào hẳn gian bếp trong một ngôi nhà sàn chênh vênh bên sườn núi, chỉ để kiểm chứng xem những mường tượng của mình có đúng không. Bên gian bếp tranh tối tranh sáng, một người mẹ đang vần nồi cơm vừa chín tới trong than lửa đỏ hồng. Bữa ăn hôm ấy tươm tất hơn những ngày khác, bởi vừa thu mùa xong. Rơm rạ và mùi cơm mới thơm nức tỏa vào chiều.

Hôm ấy còn có cả một ghè rượu cần được ủ vừa độ ngấu. Với những người quanh năm ở chốn chênh vênh này, những ngày đủ đầy như vậy cũng được coi là một dịp Tết đặc biệt.

Nhiều lần ngồi nhìn khói bếp vơ vẩn thở vào chiều như thế, tôi hay nghĩ đến hương vị của những ngày Tết đủ đầy, ấm áp. Dường như ai rồi cũng đến lúc cố níu giữ lại cho mình những khoảng ấm áp, thân thương nhất. Đó là không khí gia đình đoàn viên, tiếng nói tiếng cười ríu rít, người ra người vào tới tới lui lui sắp đặt việc nọ việc kia. Chính cái không khí ấy làm nên mùa xuân, làm nên Tết, chứ không phải điều gì khác. Mùa xuân, đôi khi đến tự lòng người, tự nhiên như vậy.

Men theo triền núi. Tôi đã gặp biết bao những con người, họ khiến tôi thấy tin yêu cuộc đời này quá. Đó là những em bé ngày ngày dõi theo bóng mặt trời để căn giờ đến lớp học, với ước mong duy nhất là có thể đọc được cái chữ. Đó là những giáo viên không được học qua trường lớp sư phạm, nhưng đêm đêm vẫn men theo những lối mòn, kiên trì và nhẫn nại truyền trao những con chữ đến với mọi người. Đó là những bác sĩ, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, đến những buôn làng xa xôi để khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn cách vệ sinh phòng bệnh. Đó là những chiến sĩ quanh năm không biết đến lễ, Tết. Ngồi ở chốt trực có thể nhìn thấy ánh đèn nhà mình, nhưng vì nhiệm vụ, họ chỉ có thể nhìn về phía nhà mình dưới chân núi với nỗi nhớ chất đầy… Còn biết bao nhiêu con người nữa, trong lòng tôi, họ chính là mùa xuân, ấm áp, rực rỡ, mang đầy hy vọng.

Khi mùa xuân chơm chớm phía lưng đồi, tôi hẹn với bạn sẽ trở lại một làng xa. Những vòng xoang sẽ lại nối rộng bước chân trong nhịp chiêng bung biêng loang vào vách núi. Hương rượu cần sẽ lại thơm dậy lên trong đêm trăng mùa xuân huyền hoặc giữa núi đồi. Có lẽ, không ở đâu mà con người và cảnh vật lại có sự hòa điệu đến tuyệt đối như giữa chốn non ngàn.

Người ta có thể đem những thứ đặc trưng gắn với núi rừng đi khắp nơi mọi chốn, nhưng nó sẽ chỉ ngân vang lên âm thanh và sắc màu, khi nó thực sự sống đúng với đời sống của mình. Đó là tôi đang nói đến sự giao thoa văn hóa giữa nhịp sống hiện đại. Nhưng trong lòng tôi, sắc màu của thổ cẩm sẽ chỉ là nó, khi nó xoay theo những bước chân trần trên bụi đỏ bazan trong nắng, trong gió, trong những đêm trăng huyền hoặc. Nhịp cồng chiêng sẽ chỉ vút lên những thanh âm bay bổng nhất khi nó dội lên những vách núi, và theo gió, vẳng lại cùng tiếng thác ngàn. Hương rượu cần sẽ chỉ dậy lên nồng thơm nhất khi nó được ủ trong thứ nước được chắt ra từ những mạch ngầm khe đá, uống một hơi rượu, tưởng như uống cả hương rừng man mác, xôn xao.

Nếu chỉ quan sát đời sống này ở cái vỏ bề ngoài, hẳn là ta sẽ bỏ qua những tầng sâu của nhiều ẩn tàng. Tôi đã cùng năm tháng men theo những triền núi, để chiêm nghiệm, để lắng nghe một phần đời sống khuất lấp bên những dải non xanh. Đời sống bên những nẻo non cao là đời sống không ồn ào, náo động. Lặng lẽ ngàn năm triệu năm mà rộn rã hiến dâng theo cách rất riêng. Khi xuân chơm chớm trên vạn vật, tôi sẽ lại bắt đầu hành trình mới, men theo triền núi, hướng về phía mùa xuân.

Có thể bạn quan tâm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

(GLO)- Những chuyện kể về tháng ngày dân làng đoàn kết một lòng chống giặc, chuyện mùa gặt trên nương rẫy hay ngày làng có lễ hội… đều được nghệ nhân Rơ Châm Monh (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tạo thành hoa văn trên thổ cẩm.
Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

(GLO)- Không chỉ giúp hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, quy hoạch tỉnh còn được xem như một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội cũng như xác định những thách thức trong tương lai.
Công ty Phát triển thủy điện Sê San: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra

Công ty Phát triển thủy điện Sê San: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra

(GLO)- Nhờ bám sát chủ trương, nhiệm vụ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cùng sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo và người lao động, Công ty Phát triển thủy điện Sê San đã đạt và vượt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì sản xuất điện an toàn, liên tục.

Người thầy giữa đại ngàn

Người thầy giữa đại ngàn

(GLO)- Hè năm 2004, bản thảo tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” của tôi đang giữa chừng thì tắc mạch. Sau chuyến đi Buôn Đôn, tôi đã được dũng sĩ săn voi Ama Kông “vẽ đường” cho nhân vật Y Than.

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

(GLO)- Trong định hướng phát triển, Gia Lai xác định năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp. Với định hướng đó, tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến tăng trưởng xanh.
Bác sĩ về làng

Bác sĩ về làng

(GLO)- “Ơi bà con, ngày mai có đoàn bác sĩ của tỉnh xuống thăm khám sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong làng. Bà con đến Nhà văn hóa cộng đồng để được thăm khám nhé”-chị Hrac-cán bộ y tế làng Amil (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trực tiếp đến từng nhà thông báo.
“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

(GLO)- Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, huyện Ia Grai đã đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra.

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

(GLO)- Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Chư Păh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.

Nối dài những đường tơ

Nối dài những đường tơ

(GLO)- Kết nối những giá trị vượt thời gian của thổ cẩm Tây Nguyên vào thời trang, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã khiến thổ cẩm thăng hoa trên các sàn diễn trong nước và quốc tế hàng thập kỷ qua.
Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

(GLO)- Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; trở thành điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.