Đó là kết quả cuộc họp kín (phiên thứ hai) của Hội đồng tiền lương quốc gia (gồm đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa mới kết thúc lúc hơn 13 giờ tại thị trấn du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Quan trọng nhất là cuộc họp đã bỏ phiếu, đồng ý với phương án sẽ tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017 180.000 đồng-250.000 đồng/tháng tùy từng vùng.
Cụ thể sẽ tăng 250.000 đồng/tháng đối với vùng 1 (hiện 3,5 triệu đồng/tháng); tăng 220.000 đồng/tháng đối với vùng 2 (hiện 3,1 triệu đồng/tháng); tăng 200.000 đồng/tháng đối với vùng 3 (hiện 2,7 triệu đồng/tháng) và tăng thấp nhất 180.000 đồng/tháng đối với vùng 4 (hiện 2,4 triệu đồng/tháng).
Mức tăng này chỉ đạt tỷ lệ bình quân 7,3%, thấp hơn khá nhiều so với đề xuất của đại diện người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Như vậy, sau khi đã “xuống biển” họp bàn kín phiên thứ nhất (ngày 20-7, tại Đồ Sơn, TP. Hải Phòng), Hội đồng tiền lương quốc gia lại tiếp tục “lên rừng” (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) để họp phiên thứ hai. Và phiên họp liên tục, kéo dài từ 9 giờ sáng, không giải lao đến quá 13 giờ chiều nay các thành viên mới tìm được tiếng nói chung, “chốt” lại được phương án điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
Tại phiên họp lần thứ nhất, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra 3 phương án điều chỉnh LTT vùng 2017, với mức tăng 250.000-350.000 đồng/tháng so với năm 2016 (tương đương 9,7-10,4% so với năm 2016); phương án 2, mức tăng 200.000-300.000 đồng (tương đương 8,6%); phương án 3, mức tăng 200.000-250.000 đồng, (tương đương 7,1-8,3%).
Tại đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất phương án tăng LTT ở mức tuyệt đối 250.000 đồng-400.000 đồng/tháng (tỉ lệ tăng bình quân khoảng 11,11%).
Với phương án tăng mức LTT vùng bình quân 11,11% mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra sẽ đáp ứng được khoảng trên 90% đời sống tối thiểu của NLĐ; còn lại gần 10% nữa, theo lộ trình đến năm 2018 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ.
Theo tuoitre