Lực cản Covid không "níu" được đà tăng của bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhìn về tổng thể, năm 2022 thị trường bất động sản vẫn hội tụ nhiều cơ hội do “cú hích” từ giải ngân đầu tư công và các gói kích thích kinh tế được bơm vào thị trường.
 
Ảnh minh họa.Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Bước vào năm 2022, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, diễn biến của thị trường bất động sản không còn “lặp lại” kịch bản "bùng nổ" mạnh mẽ như giai đoạn đầu năm 2021.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng giao dịch mua-bán trên thị trường đang từng bước dần sôi động trở lại. Đặc biệt, một số khu vực đang ghi nhận tình trạng giá tăng đột biến cục bộ, theo tuần.
Điều này cho thấy, lực cản của dịch COVID-19 đã không thể “níu giữ” đà tăng của bất động sản. Đáng chú ý, chỉ có ''khẩu vị'' chọn hàng của các nhà đầu tư là ít có nhiều thay đổi theo bối cảnh của dịch bệnh.
Khảo sát của trang batdongsan.com.vn cho thấy ngay từ cuối năm 2021, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch đang tăng mạnh trở lại, đạt 80% so với hồi đầu năm - thời điểm thị trường xuất hiện cơn sốt đất.
Mặt bằng giá từ cuối năm 2021 đã thể hiện xu hướng tăng tiếp tục vắt sang cả năm 2022 và sẽ tạo thành nền giá mới.
Ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Winhousing Việt Nam, nhận xét đất nền sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2022 bởi đây vẫn là kênh giữ tiền cho người dân, tránh lạm phát, mất giá.
Đáng chú ý, bất động sản du lịch và công nghiệp cũng sẽ được chú ý khi vaccine phủ rộng hơn nhằm đón nhu cầu đi lại của thị trường và dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, theo ông Thắng, dù vậy, sức mua, nhu cầu đầu tư bất động sản trong năm 2022 cũng vẫn ít nhiều phụ thuộc vào biến số COVID-19.
Tự thấy có “duyên” với đất, chị Thành Hằng (Kim Mã, Hà Nội) coi kinh doanh bất động sản như nghề tay trái nhưng lại đem về mức thu nhập “khủng” gấp nhiều lần nghề tay phải. Theo chia sẻ của chị Hằng, trong vòng 2 năm nay, phân khúc nhà thấp tầng ở vùng ven Hà Nội đang diễn ra rất sôi động.
 
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Dịp đầu năm 2020, gia đình chị mua mảnh đất vườn xen lẫn thổ cư tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với giá chỉ 900.000 đồng/m2. Thế mà hiện nay, lô đất này đã được trả giá cao hơn từ 2,5-3 lần.
Tại một dự án bất động sản nằm ở khu vực vùng ven Hà Nội, môi giới Đặng Văn Đức chia sẻ có ngày anh bán liền tay 3 căn biệt thự trong 3 ngày. Thậm chí, giá biệt thự, nhà phố tại khu vực Bắc Ninh cũng được cập nhật liên tục theo ngày, theo tuần bởi giá “nhảy” liên tục. Trung bình mỗi tuần, giá nhà thấp tầng chênh từ 200-500 triệu đồng.
Nhận xét về sức nóng của thị trường, Tổng giám đốc MLAND Pro Cao Minh Thành cho biết thị trường đang rất tốt và một trong những yếu tố tạo nên sự tích cực này là do nguồn cung vẫn ít trong khi lực cầu tiếp tục lớn thêm.
Trước đó, khi Hà Nội chuyển sang trạng thái bình thường mới, tâm lý nhiều nhà đầu tư vẫn còn e ngại. Thậm chí, không ít nhà đầu tư còn bán cắt lỗ nhẹ ngay sau khi hết giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 11, bước sang tháng 12, guồng xoay của thị trường đã trở nên sôi động, giá bán tăng nhanh vùn vụt, bất chấp lực cản từ dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia, sở dĩ thị trường bất động sản có sự bùng phát này là do tâm lý e ngại đã nhanh chóng được phá bỏ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng trạng thái bình thường mới đã duy trì thực sự khi việc sống chung với dịch bệnh là điều tất yếu, nhất là tỷ lệ tiêm vaccine gia tăng rõ rệt.
Cùng đó, nhiều đường bay cũng đã dần mở lại giúp các nhà đầu tư mạnh dạn cho kế hoạch "săn hàng," đẩy lượng giao dịch mua bán và giá cả tăng nhanh chóng.
Tâm lý lạc quan và mạnh dạn xuống tiền của nhà đầu tư hiện tại, khiến nhiều người dự báo, sốt đất có thể trở lại và "bùng mạnh" vào năm 2022 bởi dư địa tăng trưởng của thị trường bất động sản hiện tại vẫn rất tốt. Trên thực tế, thị trường bất động sản đang sôi động tại nhiều khu vực với mức giá tăng mạnh do nhiều phân khúc vẫn thiếu hụt nguồn cung.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Nhu cầu về bất động sản lớn nhưng do ảnh hưởng bởi dịch nên giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn.
Với kịch bản nguồn cung sản phẩm tiếp tục khan hiếm, lực cầu vẫn tốt, cộng hưởng lực đỡ từ nhà đầu tư F0 thì sức nóng của thị trường bất động sản gia tăng trong giai đoạn tới là dự báo có cơ sở - ông Đính phân tích.
Năm 2022, thị trường bất động sản được kỳ vọng có nhiều điểm sáng mới dựa trên một số yếu tố như các gói kích thích kinh tế, đầu tư nước ngoài tăng mạnh và sự chủ động chuyển mình của chính doanh nghiệp.
Đặc biệt, các gói phục hồi và kích thích kinh tế được xem là bệ đỡ vững chắc. Các chuyên gia nhận định, động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản chính là gói phục hồi kinh tế tổng thể với quy mô 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua tháng 1/2022 với nhiều chính sách hỗ trợ, giải ngân trong năm 2022 và 2023.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển nhận xét, gói 350.000 tỷ đồng là tin tốt cho thị trường bất động sản trong bối cảnh khá trầm lắng kéo dài do dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời, các gói kích thích kinh tế hồi phục cũng sẽ góp phần tăng tiêu dùng, cải thiện sức mua, thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà đất để ở lẫn đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, thông tin này chỉ tốt với một số vùng thực sự hưởng lợi từ hạ tầng và giá trước đó tăng chưa đủ mức, còn những vùng giá đất đã tăng cao thì không còn nhiều tác dụng.
Nhưng nhìn về tổng thể, năm 2022 thị trường bất động sản vẫn hội tụ nhiều cơ hội do “cú hích” từ giải ngân đầu tư công và các gói kích thích kinh tế được bơm vào thị trường. Tâm lý lo ngại tiền rẻ có thể khiến cho bất động sản tiếp tục là kênh thu hút dòng tiền của nhóm nhà đầu tư có vốn dài hạn.
Bởi vậy, cơ hội tăng trưởng của thị trường bất động sản nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong năm 2022 vẫn được dự báo sẽ cao hơn so với năm 2021.
Theo Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.