Lớp thư pháp đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lớp học có tên là “Thư pháp An Yên” dành cho các em nhỏ tại Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật An Yên (TP. Pleiku). Dù bị câm điếc, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, song khi tham gia lớp học, nhiều em đã bộc lộ niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật thư pháp.

Niềm vui với thư pháp

Cầm chiếc bút lông chấm vào nghiên mực, chị Ngô Từ Vi nhẹ nhàng đặt bút lên tờ giấy và cẩn thận viết từng chữ trong câu “Một đời xuôi ngược vì con/Chỉ mong nghe được tiếng tròn mẹ ơi/Con không nói được nên lời/Viết lên tặng mẹ một đời an yên”. Có lẽ đây chính là tiếng lòng mà cô gái 31 tuổi muốn nhắn gửi đến bậc sinh thành.

Chị Lê Thị Mỹ Tiên-Thành viên Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku hướng dẫn các em viết thư pháp. Ảnh: P.D

Chị Lê Thị Mỹ Tiên-Thành viên Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku hướng dẫn các em viết thư pháp. Ảnh: P.D

Hơn 10 tuổi, chị Vi được gia đình gửi theo học tại trường nuôi dạy trẻ khuyết tật ở tỉnh Đắk Lắk. 15 năm theo học tại đây, chị có thời gian là học sinh của chị Trần Diễm Trinh-Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật An Yên. Đó cũng là cơ duyên để năm 2018, chị Vi trở về Gia Lai, tham gia hỗ trợ cô giáo cũ để giúp các em cùng cảnh ngộ.

Chị Vi là học viên lớn tuổi nhất của lớp thư pháp. Hiện nay, chị đã lập gia đình và có con gái 6 tuổi. Chồng chị cũng là người khiếm thính, đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh. Đã là vợ, là mẹ nên chị Vi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cha mẹ, nhất là khi có con chẳng may bị khuyết tật bẩm sinh. Vậy nên, khi tham gia lớp học, những từ chị muốn viết đầu tiên là: cha, mẹ.

Từ chữ đơn, dần dần, chị viết được những câu hoàn chỉnh như: “Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông”, “Cha mẹ luôn vất vả vì chúng con”... Chị còn tự tin viết chữ tặng người thân và bạn bè. “Em đem chữ do mình viết về tặng cha mẹ. Cha mẹ vui lắm, cứ tấm tắc khen đẹp, còn khoe với hàng xóm. Có người sang nhờ em viết chữ. Em cố gắng học tập, rèn luyện để chữ viết ngày càng đẹp, sáng tạo hơn nữa”-chị Vi bày tỏ niềm vui qua những ngôn ngữ ký hiệu.

Cũng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, em Phạm Thanh Ngọc (14 tuổi) cho biết: “Em rất thích học thư pháp và tham gia lớp học đều đặn. Em cố gắng rèn luyện để tiến bộ, viết chữ thật đẹp”.

Ngọc bị câm điếc bẩm sinh, sinh ra từ người mẹ mắc bệnh tâm thần, không biết bố là ai. Từ nhỏ, em ở cùng ông bà ngoại. Sau vì ngoại tuổi cao, sức yếu, cuộc sống khó khăn nên gửi em vào cơ sở từ thiện nuôi dưỡng. Năm 2018, em được chị Trinh nhận nuôi và lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của các nhà hảo tâm.

“Cháu ở cùng mình, rất ngoan. Để cháu cảm nhận tình cảm gia đình, mình nhắn ông bà đón cháu về nhà chơi vào ngày cuối tuần. Bà cháu mới mất vì tai nạn giao thông, giờ chỉ còn ông đã lớn tuổi nên cuộc sống khó khăn lắm”-chị Trinh chia sẻ.

Yêu thương đong đầy

Lớp “Thư pháp An Yên” do anh Trần Ngọc Dũng và một số thành viên của Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku duy trì từ tháng 4-2024 đến nay. Lớp mở cửa đều đặn vào các sáng thứ ba, thứ sáu hàng tuần tại nhà số 89 Ngô Thì Nhậm (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) với 9 học viên. Trong đó có 7 em bị câm điếc bẩm sinh, 2 em khác bị tự kỷ và thiểu năng trí tuệ.

Lớp học duy trì với mong muốn đưa nghệ thuật thư pháp đến với nhiều người, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, giúp các em tìm thấy niềm vui từ những điều giản dị; qua đó tiếp thêm niềm tin, ý chí, nghị lực để các em vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Anh Trần Ngọc Dũng (bên trái)-người hướng dẫn các thành viên CLB Thư pháp Chữ Việt Pleiku chụp hình cùng các cô giáo và các em học sinh lớp học. Ảnh: P.D

Anh Trần Ngọc Dũng (bên trái)-người hướng dẫn các thành viên CLB Thư pháp Chữ Việt Pleiku chụp hình cùng các cô giáo và các em học sinh lớp học. Ảnh: P.D

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật An Yên thông tin: “Cùng với học chữ, tôi mong muốn tạo cơ hội để các em được tiếp xúc với một vài loại hình nghệ thuật và các môn học về kỹ năng. Tình cờ, tôi gặp anh Dũng và anh đề xuất hỗ trợ mở lớp dạy thư pháp cho các em. Qua kiểm tra có 9 em phù hợp để theo học. Tôi cũng thường có mặt để hỗ trợ các thầy trao đổi với các em”.

Là thành viên Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku trực tiếp chỉ dạy cho các em, chị Lê Thị Mỹ Tiên chia sẻ: Nghệ thuật thư pháp đòi hỏi sự nỗ lực rèn luyện rất lớn. Với người bình thường, việc học viết thư pháp đã khó, với các em khiếm thính, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ thì khó khăn hơn gấp nhiều lần. Do đó, người dạy luôn tìm cách truyền đạt sao cho dễ hiểu, dễ thực hành; đến với các em bằng tình yêu thương.

“Ngoài trực tiếp cầm tay hướng dẫn các em, chúng tôi nhờ cô giáo của Trung tâm hỗ trợ diễn đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc viết ra giấy để các em nhìn. Các em thể hiện niềm đam mê, quyết tâm nên tiến bộ từng ngày. Chúng tôi thấy rất vui vì các em thích học, đến lớp đều đặn”-chị Tiên chia sẻ.

Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, bằng niềm yêu thích thư pháp, các em khuyết tật ngày càng tự tin, thoải mái khi cầm cọ, vận bút để tạo nét chữ.

Các em được hướng dẫn viết những từ, những câu dễ hiểu như: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ” hay “Con không nói được nên lời/Viết lên tặng mẹ một đời an yên”, “Thương cha xuôi ngược giữa dòng/Mẹ yêu tất tả gánh gồng nuôi con”... Nhiều em đã có thể viết đại tự, tiểu tự theo bố cục.

“Các em chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Vì vậy, tham gia lớp học nào, chúng tôi đều mong muốn các em tiến bộ, thành công. Nếu có thể giúp các em định hình nghề nghiệp thì càng tốt, để sau này có thể mưu sinh kiếm sống”-chị Trinh bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.