Lớn lên nhờ cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

- Ủng hộ Việt Minh!

(GLO)- Tiếng hô lại vang lên trong các cuộc mít tinh, cổ động của đồng bào ở các  làng. Không cuộc mít tinh, cổ động nào vắng mặt chúng tôi. Điều quan trọng nhất là làm sao nhìn thấy Việt Minh, coi thử Việt Minh là người như thế nào? Một vài ngày sau có tin bay về, sẽ có ông Chủ tịch Việt Minh ở Pleiku về. Đến khi nhìn thấy, tôi mới biết Việt Minh chẳng là ai xa lạ. Ngay Chủ tịch Việt Minh tỉnh cũng là anh Trần Ngọc Vỹ, trước kia là công chức làm ở tòa Quản Đạo.

Điều đặc biệt nhất lại là anh Rơ Chơm Thép, người Plu Rơ Ngol A Ma Rin cán bộ của chính quyền mới huyện Cheo Reo. Bà con được nghe anh Rơ Chơm Thép nói chuyện đều tự hào dân tộc Jrai sẽ có người sớm gặp Việt Minh.

Cánh mạng Tháng Tám mang nhiều điều bất ngờ đến với chúng tôi. Bốn người bạn thân: Ksor Krơn, Rơ Ô Yok, Nay Chơ Lôk, Rơ Mah Bar, giờ lại có thêm Rơ Chom Pi Ới từ buôn A Ma Bư vào thành năm người. Chúng tôi thường bàn tán về tình hình chính trị rất sôi nổi. Tôi nói:

 

Thị xã Ayun Pa hôm nay.
Thị xã Ayun Pa hôm nay.

- Pháp thua Nhật. Nhật mạnh hơn Pháp. Nhật thua Việt Minh. Việt Minh mạnh hơn Nhật. Hơn nữa, Việt Minh lại là người tốt, mình theo Việt Minh được.

- Mình còn nhỏ tuổi, theo Việt Minh làm được gì?- Các bạn hỏi lại.

- Krơn học cao nhất, giỏi nhất thì lên huyện làm Việt Minh, Pi Ới nói-còn chúng mình không lên huyện thì làm Việt Minh xã.

Về đến Cheo Reo, tôi gặp nhiều bạn cùng lứa đang tập trung học hát múa. Trong số đó có 3 cô gái, mà sau này có thể xác nhận là 3 người phụ nữ Jrai đầu tiên tham gia cách mạng. Đó là Nay H’Mek con gái thầy Rơ Chom Nuk, Nay H’Will con gái ông Kpă Păng công chức cũ làm việc ở tòa sứ Pleiku, Rơ Chom H’Dít con gái cụ Nay Đer. Tôi được thầy Rơ Chom Briu giao cho làm đội trưởng đội thiếu nhi, có nhiệm vụ tổ chức học tập cho các bạn các buôn làng và thu tất cả số súng của bọn lính khố đỏ, khố xanh đem về nhà.

Chúng tôi mang dao và dây đến từng làng nói rõ chủ trương của Việt minh, lệnh cho số lính khố đỏ phải đem súng nộp. Chúng tôi không bắt ai nhưng cũng thu được 40 khẩu súng. Đồng bào các làng đều khen chúng tôi giỏi. Chính vì vụ thu súng ấy, năm 1946 Pháp đến bắt chúng tôi đi tù 6 tháng và chúng lấy 1 con ngựa. Chúng tôi rất ham học hát.

Thấm thía nhất là được nghe ông Lê Lệ, giáo viên bộ môn pháp văn ở trường Tiểu học Pháp-Jrai trước đây, dạy hát “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng...”. Ông khuyên tôi thoát ly hẳn để tham gia công tác cách mạng:

- Thanh niên Kinh, thanh niên các dân tộc thiểu số mình lớn lên phải làm việc cho nước mình. Đất nước cần những người cùng lứa tuổi như em tham gia gánh vác Krơn ạ! Lúc này em cần thoát ly hẳn để tham gia công tác.

- Thưa thầy, em còn nhỏ chưa đi công tác được đâu-tôi nói.

- Chưa đi công tác được thì đi học. Có học mới làm được việc.

Tôi được đi học 3 tháng tại Trường Quân chính ở huyện Phú Phong, tỉnh Bình Định. Học xong, tôi có một số hiểu biết về lịch sử dân tộc ta có 4.000 năm dựng nước và giữ nước, thấy được tội ác của thực dân Pháp trong 80 năm cai trị nước ta. Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu lãnh đạo nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật đem lại độc lập, tự do cho đất nước. Tôi cũng học được một số kỹ thuật, chiến thuật, trong đó chủ yếu là kỹ thuật bắn súng và ném lựu đạn. Học xong, tôi về tham gia đội tuyên truyền của huyện.

Chúng tôi học bài hát mới như bài chào cờ, bài ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm kịch nói... đội tuyên truyền đi khắp các buôn làng. Tiết mục diễn kịch bao giờ cũng vui và hấp dẫn, đến nỗi đồng bào coi đông nghịt thâu đêm suốt sáng. Nội dung kịch tố cáo tội ác của Nhật, Pháp, ca ngợi Việt Minh, kêu gọi đồng bào theo Việt Minh xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Kịch được phân vai cụ thể, có người là lính Nhật, có người là Việt Minh, người là đồng bào... Các thứ trang bị cho diễn kịch cũng thô sơ. Riêng súng, đáng lẽ làm giả, chúng tôi lại dùng khẩu súng lục thật để biểu diễn.

Chính vì thế mà có lần gây ra tai nạn suýt nữa chết người! đó là buổi diễn kịch ở Plei Bua. Ksor Blêu đóng vai Pháp. Siu Ken đóng vai Việt Minh. Đến đoạn Việt Minh bắn Pháp thì súng nổ “đoàng”. Ksor Blêu bị Siu Ken bắn trúng bả vai. Thì ra, lúc lấy súng lục đi diễn kịch, Siu Ken quên không lấy đạn ra. Chúng tôi vội vàng đưa Ksor Blêu đi Pleiku cứu chữa. Vụ tai nạn đó  khiến chúng tôi ghi nhớ nhất, trở thành kỷ niệm không phai mờ về thời kỳ đầu của hoạt động văn nghệ cách mạng. Điều ý nghĩa nhất là sau các buổi biểu diễn văn nghệ, chúng tôi đã góp phần làm cho đồng bào giác ngộ, buôn làng nào cũng có thanh niên, thiếu nhi tình nguyện đi theo chúng tôi.

Một số người tham gia biểu diễn văn nghệ thời kỳ này, sau được Đảng đào tạo trở thành nghệ sĩ, nhạc sĩ như Kpă Púi, Y Yơn... Đầu năm 1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức ở Pleiku. Tại sân vận động Pleiku có cuộc mít tinh lớn. Tôi chỉ huy hơn một tiểu đoàn thiếu nhi tham dự. Chúng tôi lắng nghe như nuốt lấy từng lời bức thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và tưởng như Bác đang nói với chính bản thân mình: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xê đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...

... Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc Chính phủ thì có “Nha dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả đồng bào.
Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. Nghe xong bức thư của Bác, chúng tôi nói với nhau:

- Mình phải vào cơ quan để làm việc mới được.

Chúng tôi được huyện cử đi học, các cậu Kpă Drử, Rơ Ô Yok đi học trường thiếu sinh quân, tôi và Rơ Mah Bar đi học trường Quân chính tại Phú Phong để sau này ra trường chuyên huấn luyện tân binh. Tôi được giao huấn luyện lớp tân binh ở An Khê gồm 50 người. Đang huấn luyện thì nghe tin Pháp phản bội hiệp định sơ bộ (6-3-1946), trở lại đánh chiếm Đà Nẵng và một số nơi khác. Có người hoang mang dao động, sợ Pháp chiếm hết đất nước, không biết chạy về đâu. Sau khi mặt trận Buôn ma Thuột bị vỡ, Pháp tấn công Cheo Reo và Pleiku, số người trên càng hoang mang dao động hơn. Họ bàn tính với nhau: Về hay ở lại? nửa đêm, Kpă DjRư, Rơ Ô Yok tập hợp ở sân bàn nhau bỏ trốn. Rơ Ô Yok hỏi:

- Mình đi, anh Krơn thế nào?

- Gọi nó về luôn. Nó biết đường đấy!

DjRư vào đánh thức tôi dậy, gọi ra sân nói rõ ý định bỏ trốn. Tôi bảo:

- Đợi tôi tí đã. Tôi còn lấy súng.

Tôi báo luôn cho anh Bùi Sang biết ý định bỏ trốn của mấy người. Ra đến sân vẫn thấy họ đang chờ tôi. Tôi thổi còi, giơ súng quát:

- Ở lại ngay! Ai về! Tôi bắn chết bỏ!

Mấy người lủi thủi vào nhà không dám bỏ trốn nữa.

Chúng tôi rút về Quảng Ngãi. Số anh em là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thống nhất với nhau ở Trung đoàn A Ma Trang Lơng. Chúng tôi được giáo dục thêm. Đến năm 1947 bắt đầu phân tán. Một số anh em được đào tạo trở thành cán bộ như Rơ Ô Yok là tiểu đội trưởng, Rơ Mah Bar là Trung đội phó, Kpă DjRư là Trung đội trưởng. Cũng trong năm này, tôi được đi học văn hóa. Ngày học, đêm chúng tôi phục vụ nhà in tờ báo “Buôn Hồ” của cơ quan Ủy ban Quốc dân thiểu số Trung bộ. Những ngày chủ nhật tôi kiêm giáo viên chính trị, giảng bằng tiếng dân tộc.

Thông qua việc giảng dạy chính trị, tôi xác định thêm động cơ, mục đích cho bản thân mình và ngày càng vững vàng trên vị trí công tác. Có lẽ trong thời gian này ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là đồng chí Bùi San, vừa là trưởng ban Quốc dân thiểu số vừa là chính trị viên cùng sinh hoạt với anh em. Chúng tôi coi đồng chí là điển hình của sự trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao, giàu tình thương yêu nhưng rất dứt khoát, thẳng thắn trong chỉ huy.

Đồng chí luôn luôn gần gũi, hiểu hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mỗi chúng tôi. Chỗ nào chúng tôi chưa rõ thì giải thích đến nơi đến chốn. Khi đồng chí đã ra lệnh thì mọi người đều phải tuân theo. Chính đồng chí Bùi San đã dẫn dắt chúng tôi, giác ngộ, giúp chúng tôi có hiểu biết về Đảng Cộng sản, vạch hướng cho chúng tôi phấn đấu trở thành đảng viên.

Trong thời gian làm việc ở nhà in Buôn Hồ anh Rơ Mah Nan người ở Plei Rơ Ngol Amarin bị bệnh lao phổi quá nặng, phải đi điều trị ở bệnh xá. Anh Rơ Mah Nan là người trí thức cao hơn chúng tôi nên tiếp thu lý luận cũng nhanh hơn. Trước khi qua đời anh nhắn lại:

- Krơn ơi! Anh bệnh nặng quá rồi, không sống được. Thấy tôi khóc, anh bảo:

- Đừng khóc nữa. Em đã hết lòng phục vụ anh như thế tốt lắm rồi. Anh không sống được. em cố gắng học, cố gắng làm nên người. Mai mốt độc lập, tự do em về kể lại cho quê nhà về đời anh.

Anh Rơ Mah Nan mất đi để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc về tình thương yêu quê hương, đất nước, về gương tận tụy, lạc quan cách mạng của anh. Trước khi nhắm mắt anh vẫn tin vào ngày độc lập, tự do.

Mỗi lần anh em chúng tôi gặp lại nhau có những suy nghĩ mới mẻ. Nhiều đồng chí xác định: Chúng ta quyết tâm công tác, theo Đảng đến cùng. Nhưng nội dung theo Đảng như thế nào? theo Đảng thì phải làm cách mạng, dù hy sinh, gian khổ vẫn không chùn bước, không đầu hàng địch. Mỗi lần gặp nhau, thay cho lời chào, chúng tôi đều giơ tay lên nói một câu: “Sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”. Một điều vinh dự đối với tôi là ngày 27-7-1950, tôi được kết nạp vào Đảng, ngay nơi tôi đang học văn hóa.

Được cống hiến cho Đảng, cho tổ quốc là niềm khao khát của tuổi trẻ chúng tôi. Thực hiện lời thề danh dự: “Sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”, trong một trận chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, Nay Chơ Lôk, người bạn thân thiết từ thưở học vỡ lòng của tôi, người chiến sĩ vệ quốc đoàn kiên cường, đã hy sinh anh dũng. Và người bạn thứ hai là Rơ Ô Yok bị thương nặng, kẻ thù bắt anh đưa về Cheo Reo. Chúng chữa vết thương cho anh lành để dụ dỗ mua chuộc nhưng không lấy được tin gì.

Thật là đau lòng, vì ở bên cạnh những người bạn anh dũng của tôi, có kẻ đầu hàng địch. Đó là Rơ Mah Bar-đứa con trai của tên phó quản khố xanh giàu có ở Plei Pa năm nào. Sau khi leo lên đến chức Đại đội phó phụ trách quản lý, hắn đã ôm cả số tiền ăn của anh em, bỏ trốn theo địch. Sau này tên Rơ Mah Bar cũng phải chịu một cái chết đớn hèn. Hắn bị bắn chết trong khi giành vợ của người khác.

Từ tháng 5-1951 đến năm 1955, tôi đi học lớp đào tạo cán bộ y tế, trở thành bác sĩ.

Tháng 4-1955, tôi về lại E.120 phụ trách  y tế. Ngẫm lại thời gian trước Cách mạng Tháng tám và chặng đường 9 năm kháng chiến chống Pháp, tôi thấy mình thật sự được đổi đời. Nếu không có Đảng, có cách mạng, thì làm sao tôi trưởng thành như ngày nay?

Và đó cũng là nguyên nhân sâu xa để tôi giữ vững lời thề: Trọn đời theo Đảng!

Lê Văn Thiềng (ghi)
 

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.

Cán bộ cấp cơ sở của huyện Ia Grai nghe quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ảnh: T.N

Ia Grai chuẩn bị đại hội Đảng các cấp gắn với xây dựng hệ thống chính trị

(GLO)- Huyện ủy Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đảm bảo theo các chỉ đạo, quy định và hướng dẫn của cấp trên.