Lo ngại với hành xử tuỳ tiện của Trung Quốc trên Biển Đông sau "Luật Hải cảnh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trả lời Dân Việt, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho rằng Luật Hải cảnh của Trung Quốc sẽ dọn đường để nước này hành xử tùy tiện trên Biển Đông và là một dấu hiệu cho thấy tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục nóng trong năm 2021.

Lo ngại với hành xử tùy tiện của Trung Quốc

Thưa Tiến sỹ Trần Công Trục, Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã có hiệu lực từ 1/2/2021 và Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về Luật này. Ông nhận xét thế nào về Luật Hải cảnh Trung Quốc?

- Tôi cho rằng Luật Hải cảnh là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã và đang dọn đường để triển khai hành động trên Biển Đông, theo những kịch bản được tình toán hết sức tinh vi, bài bản:

Song song với những hoạt động trên mặt trận chính trị, ngoại giao, truyền thông, nhằm mê hoặc dư luận, Trung Quốc đã tiến hành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Công hàm, quyết định, luật... nhằm hợp thức hóa cho các hành động đe dọa, khống chế, kiểm soát mọi hoạt động trong phạm vi biển theo yêu sách "lưỡi bò" mà Trung Quốc đang tính toán để triển khai trong thời gian tới. Luật Hải cảnh vừa mới ban hành chính thức là một ví dụ điển hình.

Trung Quốc giải thích rằng đây là vấn đề nội bộ và họ luôn theo đuổi chính sách hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều học giả Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á tiếp tục bày tỏ sự lo ngại đối với Luật này.

Tôi cũng cho rằng Luật Hải cảnh Trung Quốc có nhiều điểm đáng lo ngại.

 

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.



Thứ nhất, theo quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là theo quy định của UNCLOS1982 về địa vị pháp lý của các phương tiện hoạt động trên biển, phương tiện thuộc biên chế của các lực lượng làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển có thể được trang bị các loại vũ khí để tự vệ trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm việc thực thi pháp luật, nhưng hạn chế tối đa việc sử dụng vũ lực; thậm chí, kể cả hành vi trấn áp, cưỡng chế, nhục hình… đối với những người và phương tiện được coi là vi phạm các qui định của quốc gia ven biển, nhất là đối với các vùng biển và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Trong thực tế, một số nước ven biển cũng cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ khí trong một số tình huống nhất định, nhưng Luật Hải cảnh của Trung Quốc đang gây lo ngại chính là vì cách hành xử tuỳ tiện của nước này đối với ngư dân và tàu thuyền các nước trong Biển Đông đã từng bị dư luận kịch liệt lên án.


 

Đều đặn hàng tuần, lực lượng vũ trang đóng quân trên các đảo ở vùng biển Tây Nam đều thực hiện nghi thức chào cờ thiêng liêng, đứng dưới cờ đọc 10 lời thề danh dự của quân đội Nhân Việt Nam. Ảnh: VOV
Đều đặn hàng tuần, lực lượng vũ trang đóng quân trên các đảo ở vùng biển Tây Nam đều thực hiện nghi thức chào cờ thiêng liêng, đứng dưới cờ đọc 10 lời thề danh dự của quân đội Nhân Việt Nam. Ảnh: VOV


Thứ hai, Mặc dù Luật này quy định một cách chung chung rằng lực lượng chấp pháp được sử dụng vũ lực trong vùng biển của Trung Quốc mà không làm rõ phạm vi áp dụng cụ thể đến đâu, người ta không thể không hiểu phạm vi áp dụng của Luật này chình là phạm vi biển được xác định dựa theo những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông; điển hình là phạm vi biển được bao vây bởi đường "lưỡi bò", chiếm đến gần 90% Biển Đông.

Như vậy, bằng việc công bố Luật Hải cảnh lần này, rõ ràng Trung Quốc đã cố ý hợp thức hóa những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở xung quanh Biển Đông, Biển Hoa Đông; bất chấp các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS1982 mà Trung Quốc là một thành viên, và việc Trung Quốc thực hiện luật này sẽ đe doạ tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua khu vực Biển Đông.

Trung Quốc sẽ tiếp tục áp đặt "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh"

Vậy ông nhận định tình hình Biển Đông năm nay sẽ ra sao?

- Theo tôi, Biển Đông năm 2021 vẫn nóng và diễn biến phức tạp.

Trung Quốc vẫn tiếp tục huy động các lực lượng vũ trang, bán vũ trang, các phương tiện thăm dò nghiên cứu khai thác tài nguyên biển tăng cường hoạt động trong Biển Đông bằng nhiều phương thức khác nhau, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm hiện thực hóa yêu sách "lưỡi bò", độc chiếm Biển Đông.

Đặc biệt, TQ sẽ tìm mọi biện pháp để áp đặt các yêu sách biển bất hợp pháp - bao gồm bất kỳ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tính từ bãi cạn Scarborough và các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa và yêu sách đối với vùng biển ngoài khu vực 12 hải lý tính từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, áp đặt những vùng nước xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei, và đảo Natuna Bắc (ngoài khơi Indonesia)…; quấy rối việc đánh cá và khai thác hydrocarbon (dầu mỏ) của các bên khác ở những vùng biển này, hoặc đơn phương thực hiện các hành động ấy…

Trung Quốc sẽ thiết lập "đế chế biển" trong Biển Đông, nhằm áp đặt tư tưởng "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh" ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn, nhất là thời kỳ hậu Covid-19….

Nhưng liệu có khả năng xung đột trên Biển Đông hay không thưa ông?

- Khả năng xảy ra xung đột vũ trang do Trung Quốc trù tính để triển khai nhằm hiện thực hóa chủ trương chiến lược của mình trong Biển Đông vẫn luôn luôn tồn tại, chỉ có điều khả năng này có trở thành hiện thực được hay không, trở thành hiện thực vào thời điểm nào và ở qui mô như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào cán cân sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị… của các nước có liên quan trong khu vực và quốc tế.

 


Luật Hải cảnh của Trung Quốc đang gây lo ngại chính là vì cách hành xử tuỳ tiện của nước này đối với ngư dân và tàu thuyền các nước trong Biển Đông đã từng bị dư luận kịch liệt lên án.

Trung Quốc cho rằng ASEAN cũng là một nhân tố bị chia rẽ và hướng nội, và Trung Quốc có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các thỏa thuận thương mại tự do và khả năng đổi hướng các cuộc thảo luận của ASEAN thông qua Campuchia, Lào, Philippines…

Gần đây, Trung Quốc rất lo ngại trước việc Mỹ đã thể hiện quan điểm và tiến hành các hoạt động thực tế trong Biển Đông. Họ cho rằng đa số các nước trong ASEAN đều hoan nghênh sự can thiệp của Mỹ và logic chiến tranh lạnh về quyền tự do hàng hải. Trung Quốc cho rằng Việt Nam là đối tượng chính, là rào cản chủ yếu đối với chiến lược biển đầy tham vọng của Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai. Trong lịch sử tranh chấp Biển Đông, Việt Nam là quốc gia duy nhất phải đối đầu với các cuộc xâm chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc. Sớm muộn, Việt Nam cũng sẽ phải đương đầu với các cuộc xung đột biển, đảo do phía Trung Quốc rắp tâm thực hiện, nhưng có thể dưới hình thức, quy mô khác trước.

Để làm suy yếu Việt Nam một mặt, họ tìm cách cô lập và chia rẽ Viêt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế có liên quan đến Biên Đông, bằng sách lược cổ truyền "chia để trị", kiên quyết phản đối phương thức đàm phán đa phương mà họ cho rằng đó là âm mưu "quốc tế hóa" tranh chấp Biển Đông rất "nguy hiểm" cho hòa bình và ổn định của khu vực. Họ khăng khăng rằng Trung Quốc chỉ đàm phán song phương với từng nước hiện đang tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, không chấp nhận một cơ chế giải quyết tranh chấp nào hiện đang được cộng đông quốc tế thừa nhận và sử dụng một cách phổ biến…, mặt khác, họ thường xuyên hàng năm đưa ra các lệnh, quyết định hành chính nhằm hạn chế hoặc cấm hoat đông dân sự, quân sự… của người và phương tiện trong một số khu vực Biển Đông nhằm thử nghiệm quyền lực của mình và cũng để tạo ra " bằng chứng" cho việc thực hiện âm mưu giành sự công nhận trên thực tế yêu sách của họ trong Biển Đông.

Tăng cường phương án bảo vệ ngư dân, dàn khoan, công trình nghiên cứu biển

ASEAN và nhất là Việt Nam cần làm gì để ứng phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trong năm tới?

- Bài học mà các nước nhỏ yếu phải biết rút ra là không để những quyền và lợi ích chính đáng của mình trở thành những "món quà hậu hĩnh" cho các cường quốc tiến hành đổi chác, mua bán với nhau vì lợi ích của họ, càng không nên trở thành "lính xung kích" trong cuộc đối đầu chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cuộc đối đầu chiến lược Mỹ -Trung.

Lúc này hơn lúc nào hết, Việt Nam vẫn phải quán triệt phương châm chiến lược của Đảng và Nhà nước trong quan hệ quốc tế , nhất là quan hệ với các siêu cường : "Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Về tình hình Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng và phức tạp đang diễn ra, Việt Nam vẫn nên thực hiện phương châm 4 chữ: "Kiên quyết, kiên trì"; nghĩa là "kiên quyết" đấu tranh không khoan nhượng trước mọi hành vi vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong khu vực Biển Đông. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch.

Tuy nhiên, về mặt sách lược Việt Nam nên linh hoạt, mềm mỏng, phải "kiên trì" áp dụng nhiều phương án đấu tranh thích hợp, không mắc mưu, không để cho đối phương kiếm cớ gây ra xung đột , chiến tranh. Vì mục tiêu của Việt Nam không phải chỉ có trách nhiêm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông mà còn có nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh quốc tế hiên nay.

Cụ thể hơn, trước những động thái mà Trung Quốc đã và đang thực hiện, Việt Nam cần chú trọng các biện pháp sau:

1. Tăng cường đầu tư thêm nhân lực, vật lực cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển để nâng cao khả năng theo dõi, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của TQ, nhất là trong giai đoan hiện nay; thường xuyên có báo cáo và nên có một cơ quan chuyên trách theo dõi, đánh giá, xử lý thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác để làm tham mưu cho lãnh đao có đối sách thích hợp và hiệu quả.

2.Chủ động triển khai công tác truyền thông để dư luận trong và ngoài nước nắm rõ bản chất của các tính toán, hành đông của Trung Quốc; không để Trung Quốc vận dụng thành công kế sách "cả vú lấp miệng em", "đổi trắng thay đen"...

3.Tập trung nghiên cứu xây dựng các phương án chiến đấu bảo vệ cho ngư dân, các dàn khoan, các công trình nghiên cứu trên biển, thềm lục địa của ta. Không để cho TQ thực hiện chủ trương "chuyện đã rồi"; ngăn chặn ngay các công trình giàn khoan của Trung Quốc hoạt động trong vùng biển, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam; không để Trung Quốc thực hiện chủ trương " được đằng chân lân đằng đầu".

4.Củng cố và kích hoạt Cơ quan chỉ đạo về biển đảo: điều động các cán bộ và chuyên gia của các bộ, ngành , địa phương có năng lực đến hoạt động tại Cơ quan này một cách thường xuyên, liên tục; đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước…

Việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) đã bế tắc rất lâu. Ông nhận định thế nào về triển vọng trong năm nay COC sẽ được thông qua?

- Tôi cho rằng nội dung của COC cho đến nay và có lẽ trong tương lai gần, cụ thể là năm 2021, vẫn chưa thể được thông qua, do mấy lý do sau đây.

Thứ nhất: Do còn có nhận thức khác nhau về bản chất của COC:

Ngoại trưởng các nước ASEAN nói họ "được khích lệ" bởi việc thông qua "Dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)" từ ngày 6/8/2017 tại Manila; và sẽ "thúc đẩy công tác ký kết một COC hiệu quả trong một khung thời gian các bên cùng nhất trí".

 Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, các đàm phán đáng kể về nội dung của Bộ quy tắc sẽ chỉ có thể bắt đầu nếu "không có sự phá hoại lớn từ các bên bên ngoài". Và, theo ông Vương Nghị, COC không phải là một văn bản có tính ràng buộc về pháp lý.

Theo nhận xét của những chuyên gia, nhất là các chuyên gia pháp lý thì "Dự thảo khung" cho thấy nội dung COC được đàm phán trong tương lai sẽ không đáp ứng đầy đủ nội dung tối thiểu, cơ bản của một văn bản quy phạm pháp luật, một bộ luật (code) với đúng nghĩa của nó. Bởi vì, một văn bản quy phạm pháp luật thông thường phải được kết cấu bởi các chương, mục, điều khoản… một cách chặt chẽ, logic.

Thứ hai, động cơ của Trung Quốc khi tham gia đàm phán COC chỉ phục vụ cho những mục tiêu của riêng họ: Về chính trị, ngoại giao nhằm che dấu những hoạt động bất hợp pháp của họ trong Biển Đông.

Về pháp lý họ muốn gây sức ép ngoại giao chính trị, kinh tế để hợp thức hóa yêu sách "đường lưỡi bò". Chừng nào yêu sách phi lý chiếm 90% Biển Đông chưa được công nhận thì chừng đó không có COC.

Do vậy, nếu COC chỉ là một văn kiện chính trị thì rõ ràng sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Nó không hiệu lực, và không đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng trong việc cần có một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mọi quan hệ nhằm kiểm soát và khống chế các tranh chấp phức tạp đang diễn ra trong Biển Đông.

Muốn có được một Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý thì ASEAN, một bên ký kết, có một vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, kể cả cơ chế "đồng thuận", ASEAN đã có lúc bộc lộ những điểm yếu của mình về sự đoàn kết, thống nhất nội bộ.

Để thúc đẩy COC, trước hết, ASEAN cần khai thác và phát huy giá trị của Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/2016 trong quá trình xây dựng COC.

Có thể không trực tiếp gọi tên Phán quyết này tại bàn đàm phán với Trung Quốc về COC. Nhưng các nội dung pháp lý mà Phán quyết đã đề cập sẽ được vận dụng để đàm phán, nhất là về phạm vi điều chỉnh, một nội dung chủ yếu, không thể không bàn đến để có được COC mà thực chất là không chấp nhận yêu sách "lưỡi bò" phi lý cuả TQ.

Trực tiếp đề cập đến Phán quyết có thể vấp phải sự phản đối của Trung Quốc và một vài nước bị Trung Quốc lôi kéo, mua chuộc. Nhưng nếu sử dụng các nội dung Phán quyết để giải thích, vận dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa là có thể chấp nhận được cho cả các bên, nếu các bên có tinh thần cầu thị khách quan và thượng tôn pháp luật.

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Trần Công Trục đã trả lời phỏng vấn!

https://danviet.vn/lo-ngai-voi-hanh-xu-tuy-tien-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-sau-luat-hai-canh-20210222035303623.htm
 

Theo MỸ HẰNG (thực hiện/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.