Liên danh trượt thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất kiến nghị chấm lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi công bố kết quả chấm thầu thi công nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, nhà thầu bị trượt đã có văn bản kiến nghị chủ đầu tư phúc khảo hồ sơ.

Nội bộ lục đục?

Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) đã công bố kết quả đấu thầu và ký hợp đồng thi công với bên trúng thầu.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai.

Nhà thầu không trúng thầu là Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông, gồm: Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Công ty CP Xây dựng Coteccons, Công ty CP Xây dựng Central, Công ty CP Hawee Cơ điện, Công ty CP Dịch vụ và Kỹ thuật Cơ điện lạnh Ree, Công ty CP 479 Hòa Bình.

Được biết, sau khi có kết quả chấm thầu, ngày 24/7, liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông đã có kiến nghị phúc khảo hồ sơ dự thầu gói thầu nhà ga T3 gửi ACV.

Tiếp đó, ngày 31/7, liên danh này tiếp tục có văn bản kiến nghị lên các cơ quan nhà nước về việc chủ đầu tư không phản hồi kiến nghị trước đó của nhà thầu.

Tới ngày 11/8, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons - thành viên đứng đầu Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông tiếp tục có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu gửi ACV.

Trong văn bản giải trình gửi các cơ quan chức năng, ACV cho biết, sau khi nhận được kiến nghị lần đầu của Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông, ngày 1/8, ACV đã có văn bản trả lời, đảm bảo đúng thời gian theo quy định là trong 7 ngày làm việc. Dù chưa hết 7 ngày để trả lời, nhưng liên danh nhà thầu này tiếp tục có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền cho rằng ACV không phản hồi kiến nghị trước của nhà thầu.

Về kiến nghị thứ 3 của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, ACV cho biết, ngày 14/8, chủ đầu tư nhận được văn bản của Công ty CP Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh Ree (thành viên của Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông), khẳng định, nhà thầu không tham gia khiếu nại, tôn trọng và tuân thủ kết quả chọn thầu của chủ đầu tư. Tương tự, Công ty CP Hawee Cơ điện (cùng Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông) cũng có văn bản gửi ACV khẳng định, nhà thầu chấp thuận và không có kiến nghị gì về kết quả xét thầu của chủ đầu tư.

“Như vậy, cùng lúc, ACV nhận được 3 kiến nghị của 3 thành viên trong Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông có nội dung trái ngược nhau. Song, với tinh thần hợp tác, cầu thị, ACV đã có văn bản ngày 17/8 trả lời các kiến nghị của nhà thầu theo quy định”, ACV cho biết.

Nhiều điểm kỹ thuật không đạt

Về lý do Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông không được chọn tham gia gói thầu thi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, trong thông báo kết quả chấm thầu, ACV cho hay, nhà thầu này được chấm 729 điểm kỹ thuật (trên thang điểm 1.000). Số điểm này không đạt yêu cầu điểm tối thiểu là 80% tổng điểm theo hồ sơ mời thầu và quy định liên quan.

Khu vực trung tâm nhà ga T3, sẽ đặt văn phòng, trung tâm thương mại.

Khu vực trung tâm nhà ga T3, sẽ đặt văn phòng, trung tâm thương mại.

Cụ thể, trong hồ sơ kỹ thuật dự thầu của Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông có nhiều điểm thiếu, hoặc sai sót, như: Nhà thầu không nêu chủng loại, hoặc không chào thầu các cấu kiện về gối cầu, neo cáp dự ứng lực, nhựa đường, nhũ tương, vật liệu trám khe; nhà thầu không đưa ra chủng loại và cấu tạo kính bao hộp bao theo thiết kế và hồ sơ mời thầu; trần nhôm đề xuất thiếu; trần thạch cao không đề xuất phần trần thả theo yêu cầu; không đề xuất rèm ngăn khói, vách kính nội thất, ghế ngồi hành khách; đá lát sàn không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật

Với hệ thống băng chuyền hành lý, nhà thầu chào thương hiệu Boldgate nhưng không có tài liệu kỹ thuật để đánh giá, khi bên mời thầu yêu cầu làm rõ, nhà thầu lại đổi sang hãng Dailuku, làm thay đổi bản chất hồ sơ dự thầu, không phù hợp với nguyên tắc làm rõ hồ sơ;

Hệ thống cầu ống lồng phục vụ hành khách, nhà thầu chào đầy đủ thiết bị, nhưng phần thuyết minh yêu cầu kỹ thuật và giải pháp kỹ thuật lại dùng thuyết minh cho dự án sân bay Long Thành, không phù hợp với yêu cầu mời thầu nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất.

Hệ thống thiết bị kiểm soát an ninh hàng không, nhà thầu chào thiết bị của hãng Leidos, trong đó có máy soi hành lý xách tay không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Cùng đó, phần thuyết minh kỹ thuật và lắp đặt nhà thầu lại dẫn theo thiết bị của hãng Smith Detections, nhà ga T3 chỉ phục vụ nội địa, không thiết kế dây chuyền quốc tế, hải quan nên không phù hợp hồ sơ mời thầu.

Về giải pháp kỹ thuật thi công, hạng mục mái nhà ga, nhà thầu thuyết minh giải pháp thi công không đúng thiết kế; giải pháp thi công và lắp đặt máy soi không đúng thiết kế, thuyết minh nhầm sang dự án sân bay Long Thành; giải pháp thi công nền đường giao thông và sân đỗ máy bay không đúng tiêu chuẩn, lu lèn lớp kết cấu dày 30 - 50 cm không đảm bảo kỹ thuật và chất lượng.

Nhà thầu thuyết minh bố trí khu vực phụ trợ, văn phòng, kho bãi công trường lên khu đất trụ sở của Sư đoàn 370 là không khả thi, bất hợp lý; nhà thầu bố trí đường tiếp cận công trường trùng với mặt bằng thi công đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa của TP.HCM thực hiện trong cùng thời gian là không khả thi…

Trong báo cáo gửi cấp thẩm quyền liên quan tới việc đấu thầu chọn nhà thầu thi công nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất, ACV cho biết, gói thầu được mời thầu từ ngày 20/4/2023, sau đó gia hạn thêm 10 ngày. Thời điểm đóng thầu ngày 9/6 có 2 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ.

Ngày 24/7, ACV phê duyệt và thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để mở hồ sơ chào giá, chỉ có một liên danh nhà thầu đạt hồ sơ kỹ thuật, Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông không đạt kỹ thuật.

Ngày 9/8, ACV đã phê duyệt kết quả chọn nhà thầu và thông báo kết quả có kèm lý do đơn vị không được chọn gửi các nhà thầu.

Ngày 14/8, ACV đã ký hợp đồng thi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến, nhà ga sẽ khởi công ngày 31/8.

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.