Lắng nghe và tôn trọng tiếng nói của trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những chương trình tiếp xúc, đối thoại với trẻ em, trong đó có mô hình “Hội đồng trẻ em” tạo môi trường thuận lợi cho trẻ em trực tiếp thể hiện nguyện vọng, bày tỏ suy nghĩ, ý kiến về các vấn đề mang tính cấp thiết đối với mình.

Mới đây, HĐND huyện Ia Grai tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại với trẻ em. Hơn 50 đại biểu là các em học sinh đến từ nhiều trường học trên địa bàn tham gia chương trình.

Tại diễn đàn, các em mạnh dạn bày tỏ ý kiến về những vấn đề mình quan tâm như: công tác an sinh xã hội, chăm lo trẻ em; cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học; chính sách cho trẻ em khuyết tật; kỹ năng phòng-chống xâm hại trẻ em; an toàn thực phẩm, an toàn giao thông khu vực trường học; nhu cầu điểm vui chơi, sinh hoạt cho trẻ em; các giải pháp ngăn chặn thuốc lá điện tử…

Quang cảnh buổi trao đổi kinh nghiệm giữa Hội đồng Đội tỉnh Gia Lai và Hội đồng Đội tỉnh Bình Định. Ảnh: Khắc Long

Quang cảnh buổi trao đổi kinh nghiệm giữa Hội đồng Đội tỉnh Gia Lai và Hội đồng Đội tỉnh Bình Định. Ảnh: Khắc Long

Buổi đối thoại diễn ra với tinh thần chia sẻ và trách nhiệm. Những vấn đề mà các em nêu ra đã được đại biểu HĐND huyện cùng các ngành liên quan giải đáp đầy đủ, cụ thể. Em Puih Sâm (lớp 8, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện) chia sẻ: “Tại chương trình tiếp xúc đối thoại, em được bày tỏ ý kiến về một số vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Các cô chú đã giúp em có thêm thông tin hữu ích”.

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ksor Khiếu đề nghị các cơ quan, ban, ngành quan tâm, phối hợp làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em được tham gia vào các vấn đề, lĩnh vực có liên quan, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của trẻ. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho trẻ em được tiếp cận thông tin, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng. Chủ động nghiên cứu, đề xuất thực hiện những nội dung có liên quan đến quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em và các văn bản quy định hiện hành.

Tháng 10-2023, thông qua sự kết nối của chị Trần Gia Bảo-Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp pháp lý trẻ em tỉnh phối hợp với nhóm từ thiện Khát vọng (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Phát triển kỹ năng Awake Gia Lai và Huyện Đoàn Mang Yang tổ chức chương trình “Giáo dục giới tính cho tuổi dậy thì” cho hơn 300 học sinh của Trường THCS Hà Ra (huyện Mang Yang).

Với lối dẫn dắt tự nhiên, gợi mở bằng những câu hỏi thú vị liên quan đến tuổi dậy thì của chuyên gia tâm lý Phạm Quỳnh Lam-Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng Awake Gia Lai, các em học sinh đã mạnh dạn nêu ý kiến, “đóng vai” theo tình huống giả định để tham gia giải quyết về những vấn đề giới tính mà các em quan tâm. Những câu hỏi khéo léo, gợi đúng tâm tư đã giúp các em thoải mái trao đổi, tạo nên không khí sôi nổi trong suốt chương trình.

Những thắc mắc về sự thay đổi của cơ thể, những lo lắng tuổi dậy thì… đã được chuyên gia tâm lý giải đáp cụ thể. Mục đích của việc tuyên truyền, giáo dục giới tính là giúp học sinh biết cách bảo vệ sức khỏe, có kỹ năng xử lý tình huống liên quan trong giai đoạn phát triển quan trọng này của bản thân, góp phần phòng ngừa tình trạng tảo hôn. Em Nguyễn Thị Bảo Trâm (lớp 9A, Trường THCS Hà Ra) chia sẻ: “Chương trình giúp em hiểu về giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi, biết cách ứng xử và hành động phù hợp”.

Hàng năm, HĐND các cấp đều tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại với trẻ em. Các buổi tiếp xúc, đối thoại có chủ đề khác nhau, bám sát tình hình thực tiễn và những vấn đề mà trẻ em đang quan tâm. Ngoài ra, Hội đồng Đội các cấp cũng tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”, đặt hộp thư “Điều em muốn nói” tại trường học… tạo cơ hội cho trẻ em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp để tổ chức các hoạt động phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Mới đây, Hội đồng Đội Trung ương đã ban hành Hướng dẫn triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” các cấp giai đoạn 2023-2027. “Hội đồng trẻ em” là tổ chức được thành lập đại diện cho trẻ em, thông qua các kỳ họp để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, lãnh đạo địa phương về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn/Huyện Đoàn phối hợp với các ban chuyên môn của HĐND, các sở, ban, ngành liên quan thành lập ban tham vấn “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh/huyện. “Hội đồng trẻ em” họp 1 năm 2 lần, trước kỳ họp của HĐND tỉnh, thành phố, thị xã, huyện.

Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đang xây dựng dự thảo các văn bản và các công việc liên quan nhằm hướng tới việc thành lập và triển khai hoạt động “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh vào năm 2024. Theo hướng dẫn, số lượng thành viên “Hội đồng trẻ em” không quá 55 người; Ban Thường trực “Hội đồng trẻ em” gồm chủ tịch và các phó chủ tịch hội đồng do “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh bầu ra.

Mới đây, Tỉnh Đoàn và Hội đồng Đội tỉnh cũng đã tổ chức tìm hiểu, học tập kinh nghiệm triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” tại tỉnh Bình Định. Từ năm 2017, tỉnh Bình Định là 1 trong 5 địa phương được chọn triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, cùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái và tỉnh Quảng Ninh. “Hội đồng trẻ em” tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thành lập, đại diện cho trẻ em định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại, kiến nghị với đại diện HĐND các cấp về những vấn đề liên quan đến trẻ em ở địa phương.

Liên đội Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai tạo không gian trải nghiệm cho học sinh. Ảnh: Phan Lài

Liên đội Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai tạo không gian trải nghiệm cho học sinh. Ảnh: Phan Lài

Thực tiễn tại tỉnh Bình Định đã chứng minh, “Hội đồng trẻ em” đã tạo môi trường thuận lợi cho trẻ em trực tiếp thể hiện nguyện vọng, bày tỏ suy nghĩ, ý kiến về các vấn đề mang tính cấp thiết đối với trẻ em. Đồng thời, góp phần thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

“Hội đồng trẻ em” còn thực hiện chức năng tiếp xúc, tập hợp ý kiến của trẻ em, qua đó giúp các đại biểu Hội đồng trẻ em phát triển kiến thức, kỹ năng; học cách trình bày, tham gia giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định một cách tự giác, có trách nhiệm.

Ý kiến của “Hội đồng trẻ em” là một cơ chế, kênh thông tin quan trọng nhằm góp phần xây dựng, triển khai, thực thi và đánh giá các chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đây cũng là giải pháp phát huy vai trò phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh của tổ chức Đoàn trong xây dựng môi trường rèn luyện, gắn kết, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đội, đội viên tiêu biểu; giúp các em tự tin, bản lĩnh, có khả năng trở thành những thủ lĩnh thanh niên trong tương lai.

Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-cho biết: “Việc phát huy quyền tham gia ý kiến của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Các em có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng và đề xuất giải pháp thiết thực liên quan đến trẻ em. Những kiến nghị của các em đều được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan ghi nhận, có hướng giải quyết và tham mưu xây dựng chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em một cách thiết thực”.

Có thể bạn quan tâm

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

(GLO)- Hàng trăm người dân và trẻ em ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã nhận được nhận những phần quà ý nghĩa tại chương trình “Áo ấm cho em” do Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai, Ban Thanh niên Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh trao tặng trong ngày 4-12 vừa qua.

Với sự quyết tâm cao, tiểu trại Krông Pa-Phú Thiện đạt giải nhất toàn đoàn của trại huấn luyện cán bộ Đoàn-Hội lần thứ IX. Ảnh: P.L

Trại huấn luyện cán bộ Đoàn-Hội lần thứ IX trau dồi kỹ năng, vượt qua thử thách

(GLO)- “Hiểu lý luận-Giỏi kỹ năng-Chinh phục thử thách-Vượt qua chính mình” là điều mà Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh kỳ vọng vào 111 trại sinh tham gia trại huấn luyện cán bộ Đoàn-Hội lần thứ IX-2024 diễn ra trong 3 ngày (từ 27 đến 29-11) tại Trường Cao đẳng Gia Lai.