(GLO)- Thay vì gục ngã, anh Nguyễn Văn Thành (thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) và cô Nguyễn Thị Hạnh (tổ 6, phường Hội Phú, TP. Pleiku) đã chọn cách đối diện nghịch cảnh bằng sự lạc quan. Không chỉ vậy, họ còn đứng ra thành lập những nhóm thiện nguyện nhằm lan tỏa giá trị sống tích cực.
Vượt qua nghịch cảnh
Giữa năm 2010, khi đang học Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên (nay là Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai), trong thời gian nghỉ hè, anh Nguyễn Văn Thành đi làm thuê ở mỏ đá để có thêm thu nhập trang trải việc học. Trong một lần khai thác đá, anh bị đá đè làm chấn thương cột sống dẫn đến liệt toàn thân, phải vào điều trị tại TP. Hồ Chí Minh.
“Cuộc đời đang tươi đẹp thì bỗng dưng mọi ước mơ, dự định đều dang dở. Tôi từng chán nản, tuyệt vọng đến mức không muốn sống tiếp. Những ngày tháng ấy, nhờ có bạn bè động viên và giúp đỡ, bố mẹ luôn bên cạnh làm chỗ dựa vững chắc, tôi dần hồi phục nhưng phải ngồi xe lăn suốt đời”-anh Thành tâm sự.
Trở lại với cuộc sống thường ngày, người thanh niên ấy quyết tâm “lăn qua biến cố” để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cũng để tìm niềm vui cho bản thân. Năm 2012, anh xin học nghề làm đồ da từ một người thợ ở TP. Pleiku.
Sau khi tay nghề đã vững, anh về làm tại nhà, đăng bán sản phẩm lên trang Facebook cá nhân và nhận được khá nhiều đơn đặt hàng. Mỗi món đồ đều mang tâm huyết của người thợ nên chắc chắn và đa dạng mẫu mã. Trung bình mỗi tháng, anh Thành thu nhập hơn 3 triệu đồng từ việc bán sản phẩm.
Cô Nguyễn Thị Hạnh (hàng sau, thứ 4 từ trái sang) và nhóm thiện nguyện Sống Xanh tặng quà cho học sinh vùng khó. Ảnh: Thủy Bình |
Trong khi đó, cách đây hơn 2 năm, khi đang là giảng viên Khoa Mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai), cô Nguyễn Thị Hạnh cũng từng suy sụp do mắc bệnh tim. Trong quá trình điều trị tại TP. Hồ Chí Minh, cô tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình đang từng ngày chống chọi với bệnh tật. Không cho phép bản thân bỏ cuộc, cô tham gia một số khóa học về thực dưỡng và kỹ năng chăm sóc sức khỏe.
Sau ca mổ, do sức yếu nên cô Hạnh xin nghỉ hưu trước tuổi. Cô chia sẻ: “Lối sống kém lành mạnh là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh hiểm nghèo tăng cao. Với những kiến thức đã học được, tôi mong muốn chia sẻ cho những người có nhu cầu”.
Từ đó, cô thường xuyên đăng tải các bài viết về thực dưỡng lên trang Facebook cá nhân. Đồng thời, cô cũng học hỏi quy trình chế biến các sản phẩm tẩy rửa hữu cơ dùng cho sinh hoạt gia đình như: nước rửa bát, dầu gội, sữa tắm. Với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, cô đã nấu thành phẩm, đóng chai để sử dụng trong gia đình và gửi tặng người thân cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh.
Lan tỏa lối sống tích cực
Với mong muốn lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, năm 2019, cô Hạnh cùng vài người quen thành lập nhóm thiện nguyện Sống Xanh với 3 mục tiêu: chia sẻ kỹ năng về chăm sóc sức khỏe; kêu gọi hành động bảo vệ môi trường; giúp người khó khăn với phương châm “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Nhóm Sống Xanh hiện có gần 100 thành viên. Ngoài việc thường xuyên chia sẻ với nhau cách ăn uống khoa học, chế độ tập luyện để nâng cao sức khỏe, nhóm còn có những hoạt động thiện nguyện khác nhau.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô Hạnh cùng các thành viên trong nhóm cùng nhau may khẩu trang vải, làm tai đeo giả để gửi tặng y-bác sĩ ở Đà Nẵng. Nhóm cũng thường tổ chức những hoạt động thiện nguyện về vùng sâu, vùng xa để tặng xe đạp, áo quần, sách vở cho học sinh và người dân. Bên cạnh đó, các thành viên có cây cảnh đẹp đều tặng nhóm để vừa bán gây quỹ từ thiện, vừa kêu gọi mọi người tích cực bảo vệ môi trường sống.
Anh Lê Văn Bình-giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, thành viên nhóm Sống Xanh-cho biết: “Những hoạt động của nhóm đều được tổ chức với mong muốn giúp các thành viên cảm nhận những điều tươi đẹp của cuộc sống xung quanh, từ đó thêm yêu đời, lạc quan, biết đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn”.
Anh Nguyễn Văn Thành làm các vật dụng túi xách, ví, thắt lưng để có thu nhập trang trải cuộc sống. Ảnh: Thủy Bình |
Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, anh Thành cũng đã kết nối những người có hoàn cảnh như mình để thành lập Hội Chấn thương cột sống Gia Lai-Kon Tum với 30 thành viên. “Những người không may bị chấn thương cột sống thường gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vì thế nhiều người suy sụp, mất phương hướng. Họ rất cần sự động viên để khơi dậy tinh thần sống lạc quan”-đó là lý do anh Thành đứng ra thành lập hội này.
Dù phải ngồi trên xe lăn, di chuyển khó khăn nhưng các thành viên Hội Chấn thương cột sống Gia Lai-Kon Tum vẫn thường xuyên gặp gỡ, tâm sự. Chính hoạt động này đã đem đến niềm tin cho rất nhiều người. Hiện tại, hầu hết các thành viên trong nhóm đều có việc làm ổn định như: kỹ thuật viên máy tính, bán hàng online…
Với những người không tìm được việc làm, Hội sẽ kết nối để giới thiệu việc làm phù hợp. Riêng anh Thành nhận dạy nghề làm đồ da cho những người có nhu cầu. Dù thu nhập không cao nhưng việc họ tìm được niềm vui, biết đứng lên sau biến cố đã là một thành công lớn. Một số thành viên của Hội còn tích cực tham gia hỗ trợ bếp ăn của Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai, phát cháo cho bệnh nhân nghèo vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần.
Chị Lê Thị Hà My (SN 1997, tỉnh Kon Tum) tâm sự: “Sau khi bị tai nạn xe máy phải ngồi xe lăn, với sự giúp đỡ của các thành viên trong Hội, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn để đối diện với khó khăn. Tham gia những hoạt động thiện nguyện, gặp những hoàn cảnh éo le gấp bội, tôi càng hiểu rằng mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Hiện tại, tôi rất vui vì đã tìm được việc làm ở một cửa hàng chuyên về công nghệ thông tin”.
THỦY BÌNH