Làm đường, nhà văn hóa… từ cà phê gây quỹ cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ nhiều năm nay, tại xã Glar (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) có một mô hình kinh tế đặc biệt, đó là 'trồng cà phê gây quỹ cộng đồng', mang lại hiệu quả to lớn.

Từ quỹ đất chung, chín thôn của xã Glar đã tự họp bàn, xây dựng cho thôn mình một mô hình riêng để “trồng cà phê gây quỹ cộng đồng”. Hằng năm mỗi thôn đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng, số tiền này được dùng vào hoạt động công ích, phục vụ cho cộng đồng.

Mô hình hay biến quê nghèo khang trang như phố thị

Mặc dù là xã thuần nông, người dân tộc thiểu số chiếm gần 100% nhưng hạ tầng đường sá ở xã Glar lại rất khang trang, sạch đẹp. Hầu hết tuyến đường trong làng được xây dựng bài bản bằng nhựa hoặc bê tông… khiến nhiều người đến đây không khỏi ngỡ ngàng.

Từ năm 2016, xã Glar đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hiện toàn xã có 2.222 hộ với hơn 9.800 nhân khẩu người Ba Na. Tỉ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là 10,5%.

Ông Y Mill (58 tuổi, Trưởng thôn Groi Wết) cho biết từ trước những năm 2002, bà con trong thôn đã xây dựng mô hình trồng cà phê từ quỹ đất riêng của thôn với diện tích 2,1 ha. Hằng năm thu hoạch được 8-9 tấn cà phê, thu hơn 300 triệu đồng. “Nhờ mô hình này, bà con được nhờ nhiều lắm. Vì lợi ích chung nên ai cũng vui mừng. Mới đây, bà con trong thôn làm con đường dài hơn 500 m trị giá cả trăm triệu đồng” - ông Y Mill nói.

Đường trong thôn Dơk Rơng khang trang. Ảnh: LÊ KIẾN

Đường trong thôn Dơk Rơng khang trang. Ảnh: LÊ KIẾN

Anh Huân, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Dơk Rơng, kể thôn có 3 ha cà phê, trồng và thu hoạch nhiều năm nay. Nhờ nguồn thu này, hầu hết đường đi lại trong thôn đều đã được bê tông hóa phẳng phiu, nhà văn hóa cũng được xây khang trang với chi phí xây dựng là 300 triệu đồng.

“Việc lớn, nhỏ của thôn đều lấy từ quỹ này ra. Nhờ vậy mà bà con, nhất là hộ còn khó khăn đỡ tốn tiền đóng góp hằng năm. Thôn Dơk Rơng cũng có tỉ lệ mua bảo hiểm gần như tuyệt đối” - anh Huân chia sẻ.

Tạo sự đoàn kết cao trong cộng đồng thôn, làng

Nói về cách vận hành mô hình kinh tế chung của các thôn, ông Y Mill, Trưởng thôn Groi Wết, cho hay thực hiện mô hình này người dân rất phấn khởi nên mọi quyết định của thôn đều được bà con nhất trí cao. Thôn có 2,1 ha cà phê chung, được chia giao cho 12 tổ thay nhau chăm sóc, từ bón phân đến thu hoạch. Mọi chi phí bà con tự làm, chỉ tốn tiền mua phân bón nên tiền lãi thu được từ mô hình rất cao. Tiền quỹ được quản lý rất chặt, việc chi tiền cũng được họp bàn kỹ.

Cũng giống thôn Groi Wết, anh Uê, Phó thôn Dơk Rơng, cho biết thôn của anh làm mô hình này đã 12 năm. “Số tiền thu được từ mô hình trồng cà phê được chia đều cho 10 tổ trưởng trong thôn nắm giữ. Khi cần thì tổ chức họp và chi ra rất kỹ nên không lo thất thoát, mất tiền” - anh Uê cho biết.

Anh Uê nói thêm anh và một số người khác trong làng làm nghề xây dựng nên lâu nay các công trình trong thôn đều được anh nhận thầu. Các máy móc, phương tiện có sẵn, thôn chỉ cần chi tiền mua vật liệu, còn nhân công xây dựng đều vận động người dân làm. Việc này vừa tiết kiệm chi phí vừa được bà con làm nhiệt tình, cẩn thận.

Nhờ sự vững mạnh từ các phong trào nên Glar là xã rất nổi tiếng của huyện Đắk Đoa về hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao, luôn dẫn đầu huyện. Chỉ tính riêng số lượng sân bóng đá, hầu hết thôn nào cũng có. Ngoài ra, hoạt động của các đội đánh cồng chiêng cũng được duy trì tốt.

Phó Chủ tịch xã Glar Bùi Quang Thoại nhìn nhận: “Nguồn lực của Nhà nước cũng có hạn nhưng nhờ các mô hình này mà bộ mặt nông thôn của xã thay đổi mạnh mẽ. Thậm chí nhiều đoạn đường hư, người dân không chờ Nhà nước làm mà tự vận động nhau sửa chữa. Người dân có máy móc, phương tiện và tự làm nên chi phí đầu tư bỏ ra ít, hiệu quả mang lại rất lớn”.

Chín thôn đều “trồng cà phê gây quỹ”

Làm đường, nhà văn hóa… từ cà phê gây quỹ cộng đồng ảnh 2

Phong trào văn hóa, thể thao của xã Glar luôn dẫn đầu huyện. Ảnh: LÊ KIẾN

Người dân nơi đây rất chăm chỉ làm ăn và có tinh thần trách nhiệm vì thôn, làng của mình. Riêng giao thông nông thôn của xã đã được cứng hóa hơn 70%, có được như vậy nhờ sự đóng góp không nhỏ từ mô hình “trồng cà phê gây quỹ” từ các thôn.

Chín thôn đều có mô hình “trồng cà phê gây quỹ”. Nổi bật là các làng Dơk Rơng, Dôr 2, Groi Wết, Groi 1… luôn có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông BÙI QUANG THOẠI, Phó Chủ tịch UBND xã Glar

--------------------------------

Đây là mô hình hay, hiếm có, bởi nguồn đất riêng của các thôn không phải xã nào cũng có và người dân đoàn kết cùng làm. Đây cũng là mô hình có ý nghĩa, bởi bên cạnh việc tạo ra nguồn quỹ chung, giảm bớt gánh nặng đóng góp cho các hộ nghèo, mô hình còn thể hiện tinh thần đoàn kết cao trong cộng đồng thôn làng.

Ông NGUYỄN KIM ANH, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đắk Đoa

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.