Một trong những mục tiêu chính mà hội nghị hướng tới là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về tiến trình cải cách hiến pháp tại Syria.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tình hình Syria Staffan de Mistura đã có mặt tại Sochi để tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria. Ảnh: Sputnik. |
Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ dự kiến diễn ra trong 2 ngày 29-30/1 tại thành phố Sochi của Nga. Đây được xem là một trong những cơ hội nhằm đạt một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần 8 năm qua tại Syria.
Hãng tin Tass của Nga dẫn lời các nhà tổ chức Nga cho biết, để đảm bảo cho sự thành công hội nghị, Nga đã mời 1.600 đại biểu đại diện cho các thành phần trong xã hội Syria, kể cả lực lượng người Kurd tại Syria tới Đại hội Đối thoại dân tộc tại Sochi. Một trong những mục tiêu chính mà hội nghị hướng tới là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về tiến trình cải cách hiến pháp và việc tổ chức các cuộc bầu cử do Liên Hợp Quốc giám sát ở Syria. Các cường quốc có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế cũng được mời tham dự với vai trò quan sát viên nhằm đảm bảo cho hội nghị diễn ra một cách minh bạch.
Mặc dù trước đó lực lượng đối lập và Chính quyền tự trị người Kurd tại Syria, đại diện Liên Hợp Quốc đều thông báo không tham gia hội nghị Sochi hoặc chưa biết có tham gia hay không song đến phút chót, các theo thông tin từ phía Nga, tình hình đã có sự biến chuyển. Những phái đoàn đầu tiên của lực lượng đối lập Syria hôm 29-1 cũng đã bắt đầu có mặt tại Sochi. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tình hình Syria Staffan de Mistura đã đến đây để chuẩn bị tham dự hội nghị.
Phát biểu với báo chí trước khi lên đường đến Sochi, Đặc phái viên Staffan de Mistura thừa nhận cho đến nay các vòng đàm phán vẫn thiếu tiến triển để tìm ra một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 8 ở Syria. Ông cũng chia sẻ sự thất vọng với hàng triệu người dân Syria về việc chưa thể tìm ra một giải pháp chính trị trong suốt những năm qua.
“Tôi quan ngại về tình hình trên thực địa ở Syria trên tất cả phương diện chính trị, an ninh, nhân đạo và quyền con người. Điều quan trọng là phải chấm dứt bạo lục, khôi phục hoàn toàn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất và độc lập cho Syria. Điều quan trọng ở đây là thiện chí chính trị của các bên liên quan. Đã đến lúc đối thoại và đàm phán chính trị phải mang lại lợi ích cho tất cả người dân Syria”, ông Mistura nói.
Song song với các cuộc hòa đàm Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ, hội nghị tại Sochi được xem là một nỗ lực mới do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ nhằm tìm ra giải pháp thực sự hóa giải cuộc xung đột tại Syria.
Theo đánh giá của giới phân tích, các vòng hòa đàm do Liên Hợp Quốc bảo trợ trước đó, thường diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ được xem là đạt ít tiến triển. Trong khi đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tổ chức 8 cuộc đàm phán về Syria tại Astana (Kazakhstan) trong năm 2017 và đã đạt nhiều kết quả khả quan, như nhất trí về các vùng “giảm xung đột” ở miền Tây Syria, nơi cả 3 nước này có ảnh hưởng khá lớn.
Bên cạnh đó, hội nghị diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Chính phủ Syria do Nga và Iran hậu thuẫn liên tiếp giành được chiến thắng trên thực địa và giải phóng nhiều khu vực của Syria từ tay các nhóm khủng bố và phiến quân. Đây được xem là những lợi thế tạo tiền đề cho sự tiến triển của hội nghị. Ông Sarkis Kassargian, một nhà phân tích chính trị Syria nhận xét: “Tại hội nghị đầu tiên diễn ra ở Astana, chẳng ai tin là hội nghị sẽ đi đến được một thỏa thuận nào. Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại.”
Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 8 năm qua ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 340.000 người, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người di tản sang nhiều quốc gia khác.
Hồng Nhung (VOV)