Câu chuyện phía sau chiếc áo len cũ sờn của đại tá công an tặng sinh nhật mẹ khiến bà Hồng cảm động. Bà dành 2 ngày cẩn thận sửa lại chiếc áo, đợi vị khách đó quay lại lấy nhưng...
Lớp trẻ ngày nay ít người biết về nghề sang sợi, mạng quần áo. Tuy nhiên với những thế hệ trước, nghề này không phải xa lạ. Nó tồn tại từ rất lâu, gần như một nét văn hóa đặc trưng ở Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1952 - ngõ Thanh Miến, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, nghề sang sợi, mạng quần áo là vá những vết rách, hư hỏng trên trang phục gần như mới.
Tất cả các công đoạn hoàn toàn được làm thủ công bằng tay, không nhờ đến máy móc hỗ trợ. Đặc biệt, cái giỏi của người thợ là làm sao cho vết sửa đó không bị lộ. Đồ nghề cũng không quá cầu kì, chỉ một hộp kim đủ kích cỡ, các loại chỉ màu khác nhau và kim đan len là đủ kiếm sống.
Trung bình giá mạng, sang sợi từ 15.000 đến 20.000 đồng/cm2. Sửa một bộ veston bị hỏng, rách nhiều tiền công có khi lên đến hàng trăm nghìn đồng.
|
Bà Hồng đang mạng lại chiếc áo len cho khách hàng. |
Mỗi ngày bà Hồng nhận sửa khoảng chục chiếc quần, áo, thu nhập cũng được vài trăm nghìn/ngày.
Đều đặn, 7 giờ 30 sáng hàng ngày, người phụ nữ trung tuổi, mái tóc điểm bạc, đeo kính ngồi trước cửa nhà, chăm chú sửa chữa lại những bộ quần áo cũ.
Bà kể, năm 1979 khi về làm dâu, bà được học nghề này từ mẹ chồng. Thời Pháp thuộc, mẹ chồng bà là cụ Tạ Huệ Diệp (một phụ nữ gốc Hà Nội) được bà sơ dạy cho nghề may vá.
|
Đồ nghề của bà Hồng. |
Sau đó, cụ Diệp xin vào làm tại tiệm sửa quần áo của người Hoa. Nhờ sự khéo léo, thông minh, cụ sớm tiếp thu được sự tinh tế, tỉ mỉ trong việc sửa chữa quần áo. Khi tay nghề thành thục, cụ Diệp tự mở một cửa hàng riêng.
Khách hàng tìm đến phần lớn là người khá giả. Từ người Việt cho đến các ông tây, bà đầm cũng mang quần áo, váy vóc đến nhờ cụ Diệp sửa chữa giúp.
Thấy tôi thắc mắc, bà Hồng mỉm cười, giải thích: “Tôi nghe mẹ chồng kể, ngày xưa người nghèo quần áo rách thì tự khâu lại, chỉ nhà giàu hay mặc quần áo đẹp họ mới có điều kiện mang đến thợ sửa. Quần áo đẹp cũng thuộc hàng hiếm nên khi đồ bị rách, thủng họ đi sửa, chứ ít khi vứt đi".
Cuộc sống ngày nay khấm khá hơn, điều kiện vật chất đủ đầy, mọi người mua đồ hiệu, đồ đắt tiền mặc. Tuy nhiên bất kể thời kỳ nào, nghề này cũng mang lại khoản thu nhập đáng kể, giúp gia đình bà đủ duy trì, trang trải cuộc sống.
|
Việc sang sợi, mạng quần áo được làm hoàn toàn bằng tay. |
Người phụ nữ sinh năm 1952 hóm hỉnh ví von: “Nghề của tôi ngoài sửa quần áo cũ, đôi khi còn giúp lưu lại cả ký ức cho mọi người. Bởi nhiều khách hàng đến đây sửa đồ không phải về mặc mà họ sửa những kỷ vật mà người thân quá cố của mình để lại. Như câu chuyện cụ bà 80 tuổi ở Khâm Thiên (Hà Nội) cách đây 2 tháng, khiến tôi vô cùng xúc động”.
Bà Hồng bồi hồi nhớ lại ngày hôm ấy, ngoài trời dù mưa khá to nhưng cụ bà vẫn đội áo mưa đến. Người đó đưa cho bà Hồng chiếc áo len màu nâu, đã sờn hết chỉ, bạc màu, nhiều chỗ đã bị gián cắn thủng. Nhìn chiếc áo cũ quá, bà Hồng khuyên khách đừng sửa vì tiền công cao, có khi bằng chiếc áo mới. Giọng run run, vị khách lớn tuổi bảo bà hết bao nhiêu tiền sửa cũng đồng ý.
Cụ bà tâm sự, đó là chiếc áo mà con trai bà tặng sinh nhật mẹ cách đây gần 20 năm. Con trai bà là đại tá công an, mới mất cách đây mấy tháng vì ung thư. Trong lúc dọn đồ, bà thấy chiếc áo được con trai gấp ngay ngắn trong tủ từ bao giờ. Tuy bị hỏng nhưng bà không muốn vứt đi vì dẫu sao đó cũng là kỷ vật của con trai để lại.
Nghe khách tâm sự, bà Hồng rưng rưng rơi nước mắt. Trong hai ngày, bà cố gắng sửa chiếc áo đó sao cho đẹp nhất có thể. Nhưng bà đợi mãi vẫn không thấy khách quay lại lấy. Bà đành gọi theo số điện thoại khách lưu lại. Người phía đầu dây cho biết, bà cụ đang ốm nằm liệt giường.
Người thợ sửa quần áo sinh năm 1952 quyết định mang chiếc áo đến bệnh viện cho bà cụ. Ôm chiếc áo trong tay, bà cụ mấp máy môi như muốn nói lời cảm ơn.
Cứ như vậy, gần 40 năm qua đôi bàn tay của bà thoăn thoắt đưa kim theo những vui buồn của cuộc sống, vá lại những ký ức đặc biệt cho mọi người bằng đường kim, mũi chỉ.
|
Cửa tiệm nhỏ của bà Hồng ngày nào cũng có khách qua lại, sửa chữa quần áo. Phần lớn là các vị khách lớn tuổi, sửa đồ ở chỗ bà từ thời bao cấp. |
Vẫn theo lời bà Hồng, quần áo khách mang đến sửa có đủ loại từ kaki, jean cho đến len, lụa, gấm, veston và đầm dự tiệc. Trong đó, chất liệu sửa khó và kỳ công nhất có lẽ là vải lụa và tơ tằm - hai chất liệu mềm, mỏng. Chỉ cần sơ sẩy có thể làm hỏng nặng hơn.
Để sửa một chiếc áo bằng tơ tằm, bà phải dành cả ngày, cầu kỳ từng đường kim mới sửa hoàn thiện xong. Khi nhận được đồ sửa chữa ưng ý, đẹp mắt khách hàng thường rất hài lòng. Thỉnh thoảng, dịp lễ Tết họ thường mang tặng bà chiếc bánh chưng, cân giò lụa thay lời cảm ơn.
Bà chia sẻ thêm, nhiều năm về trước cửa tiệm của bà cũng từng được NSND Trung Đức và nhạc sĩ quá cố Thanh Tùng (tác giả của các ca khúc Lối cũ ta về, Con kênh xanh xanh) ghé qua sửa đồ.
Bên cạnh những niềm vui đó bà cũng không ít lần gặp phải chuyện bực mình khi gặp khách hàng "củ chuối".
“Làm dâu trăm họ, mỗi người một ý. Nhiều người nghĩ mang đồ đến chỗ tôi sẽ sửa được mọi vết rách trên áo hoàn hảo như mới. Nhưng điều đó phải phụ thuộc vào vết to hay nhỏ. Vết nhỏ có thể làm được nhưng vết to quá tôi sẽ cố gắng sửa sao cho vừa mắt, không bị lộ đường kim, mũi chỉ”, bà cho biết.
Tâm trạng bức xúc bà kể về một cô gái, cỡ tuổi con bà, đến sửa chiếc đầm đắt tiền. Chiếc đầm bị vết rách to bằng bàn tay.
Bà trao đổi, sẽ lấy miếng vải may viền vào sau đó đính cườm che đi đường chỉ. Cô gái đồng ý, bà bắt tay vào làm. Nhưng khi nhận đồ, cô gái cho rằng bà Hồng sửa không đúng ý rồi buông lời nặng nề, bắt bà sửa lại.
Sau khi tỏ thái độ khó chịu, cô gái ném tiền xuống rổ đựng kim chỉ của bà rồi bỏ đi. Bà liền chạy theo, trả lại cô gái số tiền đó. bà nói: "Tôi kiếm đồng tiền chân chính, chứ không đi ăn xin. Mấy đồng này trả lại cháu. Coi như tôi giúp".
Hải Phong (Vietnamnet)