"Kỹ sư" tốt nghiệp… tiểu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân tộc Bana phía núi Hoành Sơn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) thường gọi anh là “vua sáng chế” hay “kỹ sư làng”, bởi anh đã mang cơ giới hóa về cho “nông nghiệp làng”, giúp bản làng nghèo cải thiện năng suất mùa vụ. 
“Kỹ sư làng” Lê Văn Thành bên máy tách hạt bắp do anh sáng chế
“Kỹ sư làng” Lê Văn Thành bên máy tách hạt bắp do anh sáng chế
Còn riêng tôi phục anh hơn, bởi anh nhìn đâu cũng ra… đề tài nghiên cứu. Những công trình sáng chế của anh đều xuất phát từ những ngày miệt mài lao động cùng nắng với gió và ruộng nương của bà con. 
“Cánh tay phải” của nông dân miền núi 
Anh có tên khai sinh là Lê Văn Thành (năm nay 40 tuổi, ngụ thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Đặt đôi ghế giữa đống phế liệu và máy móc ngổn ngang, anh Thành rót trà tiếp khách, rồi kể: “Năm 15 tuổi, tôi theo bố mẹ vào đây lập nghiệp. Đầu tiên, bố hành nghề sửa chữa các loại xe và máy móc nông cụ cho dân làng. Tôi cũng mon men tập tành làm thợ phụ cho bố, riết rồi ham nghề nên lơ là việc học, đến hết lớp 5 thì tôi nghỉ học luôn. Từ đó, bố đi sửa chữa máy móc ở đâu, tôi lẽo đẽo xách đồ nghề đi theo đó. Cái “máu” mày mò chế tạo cũng từ bố truyền lại. Sau này, khi lấy vợ, tôi cũng chọn nghề thợ máy, kết hợp với chăn nuôi và làm nông nghiệp”.
Do sống gần bản làng của dân tộc Bana nên anh Thành kết giao được với rất nhiều người anh em phía núi. Có việc gì liên quan đến máy móc, người Bana liền tìm xuống tiệm sửa xe của anh Thành để nhờ giúp đỡ. 
Câu chuyện bắt đầu vào cuối năm 2014. Lúc ấy, anh Thành đến thôn Kon Giọt 2 (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) thăm người bạn làm trưởng thôn là ông Đinh An (người Bana) và nghe kể: “Trong thôn có đám ruộng nằm ở vùng sình lầy, lún đến nửa chân trâu. Nếu dùng trâu cày đất thì tốn công 2 người làm và phải làm nhiều ngày mới xong, khổ lắm!”. Nghe trưởng thôn Đinh An than thở, anh Thành suy nghĩ rồi hứa tìm cách giúp đỡ. Sau đó về nhà anh cập nhật thông tin rồi bắt tay vào sáng chế cỗ máy cày đầu tiên. “Ban đầu rất khó khăn, phải mày mò, nghiên cứu mất cả tháng tôi mới hiểu được nguyên lý hoạt động của cỗ máy cày do các hãng nước ngoài sản xuất. Rồi lại tìm cách vận dụng các nguyên lý đó vào hoạt động của máy nổ hiệu Honda và sử dụng thêm máy móc cũ để chế tạo ra cỗ máy làm đất. Và thêm 1 tháng nữa, tôi mới hoàn thành cỗ máy cày chạy bằng động cơ, gọn nhẹ”, anh Thành kể. 
Sau đó, anh Thành kêu bạn Đinh An đến, bảo: “Cứ đem máy về dùng thử, nếu hài lòng thì trả tiền, còn không thì thôi”. Trưởng thôn Đinh An mừng rỡ đem máy về chạy thử và thấy rất hiệu quả. Chỉ 2 giờ, cỗ máy đã hoàn tất công việc tại mảnh ruộng sình lầy mà trước đó dân bản phải mất nhiều ngày mới làm xong. Trưởng thôn Đinh An liền gom tiền chạy đến nhà anh Thành quyết định ngỏ lời mua ngay cỗ máy vì có hiệu quả và giá rẻ. “Bạn tôi khoe cả bản Kon Giọt 2 rất hài lòng về cỗ máy này và mãi đến bây giờ máy vẫn hoạt động hiệu quả, không hư hại gì. Về sau, tôi sáng chế thêm 7 cỗ máy khác thích ứng với tất cả các loại địa hình, nhưng chủ yếu phục vụ người miền núi”, anh Thành tự hào nói.
Lần khác, cũng có người Bana đến tìm Thành “đặt hàng” một cỗ máy bơm nước lên rẫy cao, với điều kiện máy không to, không nhỏ; giá rẻ và phải đủ sức đưa nước từ hồ lên núi cao. Điều kiện khá khó, nhưng lại kích thích “vua sáng chế” tò mò, muốn thử sức. Anh Thành nhận xét: “Người miền núi bản tính thẳng thắn, nhưng còn nghèo nên không có tiền mua máy bơm công suất lớn. Dân bản tin tưởng đến nhờ nên tôi phải làm hết khả năng để giúp họ”. Sau gần 1 tháng “dùi mài”, anh Thành đã “phù phép” đống sắt vụn, máy cũ tưởng đã bỏ đi, trở thành một máy bơm nước rất hiện đại. Máy chạy bằng xăng, đáp ứng đủ các điều kiện dân vùng cao đưa ra nên được đón nhận nhiệt tình. Từ đó, anh Thành trở thành “cánh tay phải” của nông dân miền núi Tây Sơn.
Bản làng vinh danh
Trong năm 2017, “vua sáng chế” Lê Văn Thành liên tục trình làng thêm 3 cỗ máy làm nông nghiệp rất hữu ích khác. Anh đặt tên các loại máy rất gần gũi với nhà nông, như: Máy băm chuối đa năng, máy tách hạt ngô (bắp), xe chở hàng nông sản. 
Ông Đào Minh Phúc (53 tuổi, người dân tại xã Bình Tường) thừa nhận: “Thành nó thấy dân làng không có tiền thuê máy tách hạt bắp về làm đồng nên chịu khó mày mò sáng chế ra cái máy tách hạt bắp rất hiệu quả. Có máy chỉ cần vài giờ là xong, còn dùng tay để tách thì phải mất vài ngày. Máy thiết kế gọn nhẹ nên người dân có thể vác máy lên tận rẫy cao để tách hạt, rất tiện lợi mà thành giá lại rẻ, phù hợp lắm!”.
Thành tích của “vua sáng chế” Lê Văn Thành sau đó có tiếng vang khắp tỉnh Bình Định. Nhiều người dân ở vùng xa cũng tìm đến chọn mua sản phẩm của anh. Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Tây Sơn, anh Thành đã gửi những công trình sáng chế của mình đến nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh Bình Định. Liên tục các năm 2014, 2016, 2017, anh Thành đã được vinh danh và đón nhận nhiều bằng khen về thành tích sáng chế ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. 
Ông Đoàn Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, kể: “Nhà Thành ở vùng giáp ranh với 5 bản của người dân tộc Bana. Cuộc sống của đồng bào còn thiếu thốn nhiều thứ, chưa có điều kiện tiếp cận cơ giới hóa nên chỉ dựa vào sức người, sức trâu bò để làm nông nghiệp. Thành tuy con đường học vấn không cao, nhưng trên “đường đời” đã nhận ra những thiệt thòi của dân bản vùng cao. Từ đó, có sự tương tác giữa thợ máy và bà con, rồi nảy ra nhiều sáng chế hữu ích, phù hợp với địa hình, đất đai, quy mô; tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân bản địa”.
Cũng theo nhận xét của ông Đoàn Văn Trung, những sáng chế của Thành đã đi vào thực tế, giúp nông dân giải phóng được sức lao động; thỏa mãn điều kiện làm việc của nhà nông. Dù chỉ học hết lớp 5, nhưng đến nay, Thành đã sáng chế ra hàng chục loại máy để hỗ trợ cơ giới hóa cho nông dân trong và ngoài địa phương. “Sắp tới, lãnh đạo huyện Tây Sơn sẽ tạo điều kiện để Thành mở rộng quy mô nhà xưởng, liên kết trong nghiên cứu sáng chế và sản xuất để mang lại nhiều công trình hữu ích hơn nữa; đồng thời, thúc đẩy nền nông nghiệp của địa phương đi lên”, ông Đoàn Văn Trung cho biết. 
Trong lần gặp chúng tôi mới đây, với nét mặt đăm chiêu, anh Lê Văn Thành chia sẻ: “Dân làng khen các loại máy của tôi sáng chế có giá cả phù hợp, đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp rất cao. Hiện cũng có nhiều người miền xuôi tìm đến đặt hàng, nhưng rất tiếc tôi không đủ sức để làm, cũng không có vốn lớn đầu tư mua nguyên vật liệu và mở rộng nhà xưởng nên đành phải từ chối nhiều đơn hàng!”.
Ngọc Oai (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.