(GLO)- Một ngày đã gần Tết Âm lịch năm đó, nhận nhiệm vụ công việc cơ sở, mấy anh em chúng tôi gồm Lâm Thế Tổng, Nguyễn Hoàng Huy, Phùng Ngọc Mỹ (hình như còn có anh Lê Việt Hường?)... làm chuyến “hành quân” về Ia Ly. Ấy cũng là lần đầu tiên tôi biết đến Ia Ly không bằng con đường sách báo... “Thác Ia Ly (Ya Ly) trắng tầng mây/Ào ào tưởng máy điện quay tưng bừng” (thơ Tố Hữu) mà bằng tận mắt thấy, tay sờ. Năm 1973, trong lần ghé qua nơi này, nhà thơ Tố Hữu đã nhìn ra một tương lai về dòng điện cho sự phát triển sau này của vùng đất mênh mông, trù phú mà đang cần sự khai phá và nó nhất thiết không thể thiếu dòng điện tầm cỡ như Ia Ly sản sinh ra. Sau cả ngày đường bằng xe đạp, chúng tôi có mặt ở vùng “nóng” FULRO này. Nóng bởi mấy xã ở đây vốn trước kia là vùng tranh chấp, có một đồn địch đóng gần Ia Ly, lính ở đấy hầu hết là người địa phương, người ta kể bọn này khét tiếng càn quét, đánh phá những vùng lân cận, phục kích đường hành lang của ta, nhiều cán bộ, cơ sở và người dân bị chúng giết hại.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Ảnh: Đức Thụy |
Sau giải phóng, một bộ phận không nhỏ cho dù đã được tập trung giáo dục, cải tạo, song đầu óc vẫn nghĩ về một thiên đường khác, cho nên khi bọn FULRO nổi lên, nhiều người trở thành tay sai cho chúng. Bởi vậy mấy xã trong vùng Ia Ly tình hình luôn không ổn định, bà con nhiều làng bị chúng khống chế phải nuôi giấu, tiếp tế cho chúng mỗi ngày. Thời điểm ấy ở các xã này cũng được huyện bổ sung nhiều cán bộ nói chung và cán bộ thế hệ 5/85 nói riêng. Như là những đội công tác vũ trang hồi trước giải phóng, các đội công tác này cũng được trang bị vũ khí, ăn ở tập trung tại trụ sở xã, có sự phân công công việc hàng ngày của lãnh đạo, chủ yếu là xuống các làng bà con Jrai vận động, giải thích để bà con thấu hiểu bản chất của FULRO mà từ bỏ chúng, tố giác chúng với chính quyền; đồng thời cùng cán bộ xã, thôn động viên những gia đình có người lạc lối theo FULRO kêu gọi họ quay về làm ăn sinh sống cùng dân làng.
Công việc lặng thầm ấy mỗi ngày trôi qua như là một thử thách đội ngũ cán bộ dân sự mà trong số họ nhiều người chưa hề được huấn luyện ngày nào về công việc khó khăn này để đi làm binh địch vận. Rồi, cùng với thời gian mọi chuyện cũng ra ngô ra khoai. Tình hình ngày một khá hơn, bà con dân làng đã hiểu ra bản chất phản động, chia rẽ, chống phá của bọn FULRO được sự tiếp sức của phản động nước ngoài nên đã từ bỏ chúng. Bây giờ có dịp trở lại Ia Ly, một vùng đất yên bình và phát triển đến chóng mặt. Nơi thuở xưa, nhà thơ Tố Hữu gieo những dòng mơ ước “Ào ào tưởng máy điện quay tưng bừng” ấy, giờ đã là một nhà máy thủy điện hiện hữu, mỗi ngày cho ra dòng sáng phục vụ cho cả nước với công suất đứng thứ 3 sau Sơn La và Hòa Bình. Và nữa, nơi ngày ấy bọn FULRO hoành hành, giờ đã là vùng kinh tế phát triển vào loại nhất nhì của Chư Pah, một thị trấn đã hình thành, người dân từ nhiều miền tụ họp về đây, kinh doanh, sản xuất, tham gia các dịch vụ, tạo nên vùng đất lý tưởng trên chính nơi chưa xa ngày trước trong chiến tranh là vùng ác liệt, rồi sau đó, thời hậu chiến cũng là vùng không mấy yên bình như phía trên bài viết này chúng tôi đã nói đến!
Và, không thể không nhắc tới một B15-Ia Dêr bây giờ. Tôi vẫn qua lại nơi này khi có dịp, cho dù chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, nhưng lòng đầy tự hào về một vùng đất, khi xưa nó “đại diện” cho khu 4-Ia Grai, để nhận lãnh sứ mệnh cho mình thành nơi giáp ranh với thị xã Pleiku, nơi mà một thời, người ta ví nó như một đô thị-trại lính của cả Mỹ-Ngụy; B15 trở thành vùng nống lấn, đôi khi thành “da hổ, da beo”, đêm do cách mạng quản lý, ngày do tề ngụy, binh lính địch khống chế. Sau chiến tranh, B15 cũng là vùng trọng điểm hoạt động của FULRO, là một điểm của hành lang thông qua vùng Đông Bắc Chư Pah, Đông Nam Pleiku và về hướng Tây Nam qua Chư Prông... gây cho tình hình khu vực này rất mất an ninh. Tại đây cũng được thành lập một đội công tác của huyện. Thế mà bây giờ, nếu một ngày nào đó, bạn ghé thăm B15 thưở trước, tôi đoạn chắc bạn sẽ nhận được bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mà thôi, để bạn tự mình mục sở thị, tôi xin miễn bàn về nó.
Khu vực Nhà máy thủy điện Sê San 4. Ảnh: Lê Hòa |
Nói thêm đôi điều về một Ia Grai tròn 60 năm có Đảng bộ, theo cách chữ nghĩa, nó là hạt nhân lãnh đạo qua mọi thời kỳ đối với mọi phong trào cách mạng. Trong kháng chiến, là vùng đất ác liệt, gian lao và cũng từ đây, phong trào cách mạng hình thành và phát triển sớm, nhiều cán bộ lãnh đạo được giao trọng trách đứng đầu Đảng bộ và họ đã trưởng thành, đã làm tròn công việc được giao, trong số đó-những người tôi biết ở vào bậc cha chú và họ đã ra đi vĩnh viễn, như chú Nguyễn Thứ, Hoàng Lê, Ak, Lê Tam, Pran, Đặng Ngọc Bo, Hồ Ngọc Năm... Về sau này, Ia Grai còn có lớp các chú, các anh đảm trách nhiệm vụ người đứng đầu cấp ủy như Nguyễn Tấn Đức, Ksor Tuyên, Nguyễn Hữu Lộc, Võ Đình Cường, Nguyễn Duy Khánh, nữ Trần Thị Thủy.
Trong số những người nói trên, nhiều người trở thành Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm nhiệm nhiều chức vụ của cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh và các địa phương khác. Thật đáng tự hào về một vùng đất anh dũng kiên trung trong kháng chiến và xây dựng hòa bình đã có biết bao người con xứng đáng được ghi danh vào sử sách. Và nữa, còn có những tập thể, cá nhân anh hùng, dũng sĩ làm nên những chiến công lừng lẫy một thời, là Ia Sao, Ia Hrung, Ia Pếch, là cả Đảng bộ, quân dân Ia Grai, và còn nữa là Rơ Châm Ớt, A Sanh và nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng đã từng sinh ra những người con trung hiếu, anh dũng chiến đấu hy sinh cho quê hương, đất nước.
Cho đến bây giờ có một Ia Grai được coi là vùng kinh tế phát triển phía Tây của Gia Lai với một sơ đồ quy hoạch nằm trong tổng thể vùng Tam giác xuyên qua mấy huyện, cả phía Campuchia nước bạn, gắn với vùng chuyên canh bạt ngàn cây công nghiệp dài ngày và một hệ thống nhà máy chế biến, nhà máy thủy điện có quy mô công suất lớn và dịch vụ thương mại, du lịch, vận tải... Rồi đây, không lâu chúng ta sẽ có một Ia Grai như mong mỏi của bao thế hệ những người cán bộ, đảng viên đã và đang đóng góp sức mình để dựng nên!
Bích Hà