(GLO)- Vụ thu hoạch vừa qua, do ảnh hưởng bởi thời tiết, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là bệnh khảm lá khiến năng suất mì rất thấp. Để cây mì phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã tìm giống mì sạch bệnh để cung cấp cho bà con nông dân.
Mất mùa do sâu bệnh, hạn hán
Krông Pa có diện tích mì lớn nhất tỉnh với hơn 22 ngàn ha trồng trong 2 vụ. Riêng vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn huyện trồng hơn 1.300 ha, tập trung nhiều ở các xã: Ia Hdreh, Krông Năng, Chư Ngọc, Chư Drăng, Ia Rmok… Diện tích này đang trong thời gian thu hoạch nhưng năng suất giảm rõ rệt so với trước đây.
Sở dĩ năm nay mì bị mất mùa là bởi sâu bệnh hoành hành, hạn hán kéo dài. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc đóng cửa khiến giá cả bị sụt giảm nghiêm trọng. Ông Trương Văn Quyền (xã Phú Cần) trồng 2,5 ha mì nhưng chỉ thu hoạch được khoảng 10 tấn tươi. Cùng với giá bán thời điểm hiện tại hơn 2.000 đồng/kg, gia đình chỉ thu về được khoảng 15 triệu đồng. Cũng diện tích ấy, vụ trước, gia đình ông thu hoạch được hơn 40 tấn với giá 2.500 đồng/kg, lãi trên 80 triệu đồng. Ông cho hay: “Năm nay, rẫy mì gần như không có củ, một số cây có củ thì lại không đủ hàm lượng tinh bột. Nguyên nhân do bệnh khảm lá và cháy lá khiến cho cây không thể phát triển. Vụ tới, gia đình phải tìm giống mới sạch bệnh để trồng”.
Ở buôn Prông (xã Ia Mlah), gia đình ông Siu Pin trồng hơn 2 ha mì giống HL-S12. Năm nay, ông xem như mất trắng. “Rẫy mì của gia đình bị bệnh khảm lá rồi úa vàng, sau đó từ từ rơi rụng, chỉ còn lại thân cây trơ trụi. Bệnh khảm lá gần như phá hủy hết cả rẫy không thu hoạch được củ nào”-ông Siu Pin ngậm ngùi.
|
Do bị bệnh khảm lá nên cây mì ít củ, năng suất thấp. Ảnh: Lam Giang |
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Năm nay, cây mì cho năng suất rất thấp, trung bình chỉ khoảng 16 tấn/ha, trong khi mùa vụ trước đạt trên 22 tấn/ha. Nguyên nhân chính là do hạn hán kéo dài nên phải đến tháng 8 (thay vì trồng từ tháng 5) khi bắt đầu có mưa thì người dân mới trồng lại. Chính vì mới trồng được 7 tháng, chưa đủ thời gian sinh trưởng nhưng người dân vẫn tiến hành thu hoạch, dẫn đến không đạt chất lượng, năng suất thấp. “Đặc biệt, những năm gần đây, bệnh khảm lá mì bùng phát làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và nguyên liệu sản xuất của các nhà máy chế biến trên địa bàn”-ông Duyên nói.
Tìm nguồn giống sạch
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa: Trên địa bàn huyện có 2 nhà máy sản xuất tinh bột chuyên thu mua mì nguyên liệu cho người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà máy không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, dẫn đến lượng hàng tồn kho còn khá lớn, khoảng 16-17 ngàn tấn. Chính vì thế, việc thu mua mì cho người dân cũng gặp ảnh hưởng nhất định. Nếu như vụ trước, mì có giá 2.800-3.000 đồng/kg thì hiện tại giá đã giảm xuống còn 2.300-2.500 đồng/kg. |
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa đã thành lập đoàn kiểm tra việc vận chuyển hom giống mì vào địa bàn, kiên quyết ngăn chặn giống dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nguồn hom giống sạch bệnh đang rất khan hiếm.
Ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hiện đơn vị đang triển khai trồng thử nghiệm hơn 5 ha giống mì HN3 và HN5. Nhìn chung năng suất và chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, giống này có giá bán tương đối cao (khoảng hơn 200 ngàn đồng/20 cây), người dân khó có thể tiếp cận được.“Vụ mùa sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các xã trồng 20 ha giống HN3 và HN5, để từ đó làm cơ sở nhân rộng giống mới này cho người dân sử dụng. Trước mắt, người dân nên sử dụng giống KM94 dù năng suất không cao nhưng khả năng kháng bệnh khảm lá rất tốt”-ông Châu khuyến cáo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: “Để cây mì phát triển bền vững, huyện sẽ hỗ trợ cho người dân các giống sạch bệnh. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tìm được giống mì sạch bệnh HN3 và HN5. Qua trồng thử nghiệm thì thấy giống mì này cho năng suất cao, đặc biệt không bị bệnh khảm lá”. Cũng theo ông Thảo, để cây mì phát triển bền vững, nguồn nước tưới rất quan trọng. Bởi lẽ, cây mì dù có bị bệnh khảm lá nhưng nếu đủ nguồn nước tưới sẽ vẫn cho năng suất ổn định. Chính vì vậy, ngoài việc tận dụng các nguồn nước sẵn có, huyện cũng khuyến khích người dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây mì.
LAM GIANG