Krông Pa quyết tâm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) có tổng cộng 823 căn nhà cần xây dựng và sửa chữa (xây dựng 703 nhà, sửa chữa 120 nhà). Với quyết tâm chính trị cao, huyện phấn đấu đến ngày 31-5 này sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch đề ra.

Ấm áp trong ngôi nhà mới

Trò chuyện cùng tôi trong căn nhà mới, ông Nay Yhoang (buôn Blăk, xã Ia Rmok) cho biết: Tổng kinh phí xây dựng nhà là 100 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình đối ứng 40 triệu đồng.

“Trước đây, cả gia đình 6 người phải ở trong căn nhà lụp xụp, chật hẹp. Sở dĩ không có tiền để sửa chữa hay xây dựng nhà vì cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào 1 ha mía và 0,5 ha mì, thu nhập hàng năm không đáng là bao. Nay được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà, vợ chồng tôi cảm động lắm. Đây là động lực để gia đình cố gắng vươn lên trong cuộc sống”-ông Yhoang phấn khởi nói.

1-lnam2.jpg
Ông Nay Yhoang (bìa phải, buôn Blăk, xã Ia Rmok) bên căn nhà mới. Ảnh: G.L

Trong đợt này, ông Kpă Kíp (buôn Bhă Nga, xã Ia Rmok) cũng được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà. Ông Kíp kể: Do không có đất sản xuất nên vợ chồng ông phải làm thuê để trang trải cuộc sống. Công việc không ổn định nên lúc nào gia đình cũng trong cảnh thiếu trước hụt sau. Nhiều năm qua, 5 thành viên trong gia đình phải sinh sống trong căn nhà chật hẹp đã xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa.

“Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà, tôi vui lắm. Tôi đã thuê nhà thầu nhận xây trọn gói căn nhà có diện tích 45 m2 với tổng kinh phí 90 triệu đồng, trong đó, gia đình đối ứng 30 triệu đồng. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ để gia đình được an cư”-ông Kíp cho biết.

Gia đình ông Rah Lan Loan cũng thuộc diện hộ nghèo ở buôn Chư Tê, xã Ia Rsai. Ông cho hay: Nhà không có ruộng rẫy, trong khi ông lại bị bệnh, phải chạy thận hàng tuần. Mặc dù ông đã chuẩn bị gỗ từ hơn chục năm nay rồi nhưng vẫn không đủ tiền để thuê người làm lại ngôi nhà.

“Có sẵn ít vật liệu và được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, tôi thuê người làm căn nhà sàn rộng rãi. Về ở trong căn nhà mới như một giấc mơ đối với gia đình tôi. Cảm ơn chính quyền đã giúp cho vợ chồng tôi có thêm động lực thoát nghèo”-ông Loan chia sẻ.

3-can-nha-san-lam-bang-go-rong-khoang-50m2-vua-duoc-hoan-thanh-giup-gia-dinh-ong-rah-lan-loan-buon-chu-te-xa-ia-rsai-co-noi-o-khang-trang-kien-co.jpg
Căn nhà sàn làm bằng gỗ, rộng khoảng 50m2 vừa được hoàn thành giúp gia đình ông Rah Lan Loan-buôn Chư Tê (xã Ia Rsai) có nơi ở khang trang, kiên cố. Ảnh: Gia Lai

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” và tỉnh triển khai chương trình, UBND huyện đã tiến hành rà soát nhu cầu thực tế, xác định rõ số lượng hộ cần hỗ trợ và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-UBND phê duyệt danh sách 823 hộ gia đình khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà. Trong đó, hỗ trợ xây dựng 703 nhà, sửa chữa 120 nhà. Đối tượng hỗ trợ gồm: hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và người có công.

2-lnam1.jpg
Đoàn viên, thanh niên xã Ia Rsươm giúp người dân xây dựng nhà. Ảnh: G.L

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện lên đến gần 41,238 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Krông Pa. Song, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động tối đa mọi nguồn lực từ ngân sách đến nguồn xã hội hóa, đóng góp của người dân và sự chung tay của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Đến ngày 24-4, đã hoàn thành 526 nhà, trong đó xây dựng 442 nhà, sửa chữa 84 nhà.

Nhằm đảm bảo tiến độ đề ra, huyện Krông Pa đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn. Huyện cũng chỉ đạo các xã thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ theo sát từng hộ dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... cũng tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động đối ứng, hỗ trợ ngày công, giám sát chất lượng công trình. Một số địa phương còn kêu gọi doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ vật tư giúp người dân.

Ông Trịnh Thanh Khiết-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cùng đóng góp với tinh thần “ai có gì giúp nấy”. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã huy động được hơn 546 triệu đồng và hàng ngàn ngày công hỗ trợ các hộ dỡ nhà, sửa chữa, xây dựng. Hình ảnh cán bộ xã, đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân dựng nhà đã tạo nên sự lan tỏa tích cực.

“Nhiều cán bộ xã, đoàn viên thanh niên đã không quản ngại khó khăn, nắng nóng, xuống tận thôn buôn giúp bà con dỡ nhà, đổ móng, dựng cột, lợp mái… Đó là những hình ảnh đẹp, góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn của chương trình và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”-ông Khiết chia sẻ.

Tại xã Ia Rsươm, Chủ tịch UBND xã Nay Chip cho biết: “Xã được phê duyệt 43 căn nhà (xây dựng 31 nhà, sửa chữa 12 nhà). Triển khai chương trình, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cùng bàn bạc kỹ với các hộ dân để xác định phương án phù hợp.

Ngoài ra, xã còn huy động hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ hộ khó khăn không có khả năng đối ứng. Đồng thời, UBND xã đã làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, nhà thầu hoặc các nhóm thợ tại địa phương tạo điều kiện hỗ trợ người dân trả chậm tiền làm nhà. Khi khởi công, xã huy động lực lượng giúp người dân đào móng, người nhà phụ thêm công với thợ xây. Đến nay, xã đã hoàn thành 32 căn nhà và quyết tâm hoàn thành trong tháng 4”.

Tương tự, Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm Nguyễn Thị Đồng Khánh thông tin: Toàn xã triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 39 căn nhà (xây dựng 35 nhà, sửa chữa 4 nhà); đến nay đã hoàn thành 36 nhà. “Nếu không có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các nhà hảo tâm, của người dân thì chương trình khó có thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Do điều kiện người dân còn nhiều khó khăn nên từ khâu vận động, hỗ trợ làm hồ sơ, xác minh nhu cầu… đều phải thực hiện theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”-bà Khánh chia sẻ.

Đến thời điểm này, xã Ia Rsai đã hoàn thành 57/71 căn nhà. Theo ông Đinh Đức Tư-Phó Chủ tịch UBND xã: Cuối năm 2024, xã còn 179 hộ nghèo, chiếm 12,39% và 200 hộ cận nghèo, chiếm 13,84%. Toàn xã có 71 hộ cần hỗ trợ (xây dựng 63 nhà, sửa chữa 8 nhà). Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và phân công các thành viên phụ trách các thôn, buôn để vừa hỗ trợ, vừa đôn đốc triển khai theo đúng tiến độ. Đồng thời, huy động mọi lực lượng hỗ trợ cho các hộ làm nhà ở.

“Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, người dân cũng chủ động đối ứng vật liệu, ngày công. Ngoài ra, các hội, đoàn thể và các cơ quan đơn vị, người dân trên địa bàn xã cũng giúp đỡ các gia đình ngày công”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsai phấn khởi thông tin.

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa khẳng định: “Huyện xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện trách nhiệm với người dân. Với ý chí và quyết tâm chính trị cao, huyện phấn đấu đến ngày 31-5 sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm góp phần ổn định đời sống người dân”.

Có thể bạn quan tâm

Học sinh THPT góp quỹ chung tay xóa nhà tạm

Học sinh THPT góp quỹ chung tay xóa nhà tạm

(GLO)- Với hình thức vận động học sinh nuôi heo đất, tiết kiệm tiền tiêu vặt hàng ngày và kêu gọi nguồn lực từ các nhà hảo tâm, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nguồn quỹ để hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh”.

Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ xã Nghĩa An 1.120 công lao động xóa nhà tạm, nhà dột nát

Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ xã Nghĩa An 1.120 công lao động xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Nghĩa An (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân khu 5).

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

(GLO)- Ngày 11-4, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có Công văn số 1269/STC-QLNS về việc đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Thành phố Pleiku không còn nhà tạm, nhà dột nát

Pleiku không còn nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Sau gần 2 tháng triển khai quyết liệt, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. 67/69 nhà đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng; 2 ngôi nhà còn lại đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng để kịp bàn giao trước ngày 15-4.