Kiến tạo giá trị tự thân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giá trị tự thân có thể hiểu là thế mạnh của bản thân mỗi người, là những thứ mà chúng ta tin rằng quan trọng đối với mình. Việc xác định những giá trị tự thân sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều trong việc lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn đối tác, bạn bè, người yêu… dựa trên những nét tương đồng về sở thích, tính cách. Không phải mỗi người khi sinh ra đã có sẵn ngay giá trị tự thân, mà những giá trị ấy phải được kiến tạo một cách bền bỉ.

Sẽ là một điều rất tuyệt nếu người lớn biết hướng trẻ nhỏ đến việc phát hiện khả năng nổi trội, ưu điểm của bản thân từ sớm. Rõ ràng, không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể giỏi toàn diện tất cả các môn học khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta thường vẫn có bất ngờ về những người bạn của mình. Chẳng hạn, một cô bạn khi còn đi học đã từng rất giỏi văn, nhưng sau lại trở thành… kế toán. Hay một người bạn khác, không có gì nổi trội trong những bài kiểm tra văn, nhưng sau lại trở thành… nhà văn. Cuộc đời thường đưa đến những bất ngờ như vậy. Có thể bạn học không giỏi, nhưng bù lại bạn rất khéo tay, bạn có thể nấu ăn ngon, may vá thêu thùa hay cắm hoa rất đẹp. Bạn không giỏi các lĩnh vực khoa học tự nhiên/xã hội, nhưng bạn lại hát hay, vẽ đẹp hoặc chơi thể thao rất cừ. Thậm chí, nếu không có một năng khiếu gì thì việc bạn sống lương thiện, quan tâm chia sẻ với mọi người, bạn có nụ cười thật tươi tắn và ấm áp… cũng chính là những giá trị tự thân đáng quý. Hãy mạnh dạn phát huy những ưu thế ở mình để biến chúng thành những lợi thế phục vụ cuộc sống của chính bạn. Vấn đề là, chúng ta phải có đủ sự kiên nhẫn, đam mê và quan trọng nhất là phải tự tin vào chính bản thân mình trong việc xây đắp cho những thế mạnh ấy.

Bạn tôi không thật sự sắc sảo về nhan sắc, nhưng ở chị luôn toát lên nét duyên dáng, ưa nhìn. Xuất hiện ở đâu cũng thấy chị gọn gàng, chỉn chu, trang phục nhã nhặn. Chị nói năng nhỏ nhẹ, am hiểu nhiều lĩnh vực nên thường xuyên có những lời khuyên rất hữu ích mỗi khi bạn bè tham khảo ý kiến. Chị không nói quá nhiều, chỉ vừa đủ khiến bạn bè cảm thấy ấm áp trong những cuộc gặp mặt. Tiếp xúc với chị lâu nên tôi hiểu, tất cả những gì toát ra ở chị là nhờ quá trình học tập và rèn luyện bản thân không ngừng. Chị thường xuyên đọc sách và tự học, không những học chuyên môn mà còn học cả những kỹ năng mềm khác. Đến nhà chị, lúc nào cũng được đón nhận tách trà nóng ngát thơm trong hương hoa vườn. Ai cũng bảo, ở bên chị, thấy ấm áp và bình an. Có lẽ cảm giác ấy được tỏa lan từ thái độ sống rất tích cực mà chị luôn mang đến cho bạn bè.

Mỗi chúng ta nên tự tin thể hiện thế mạnh của mình (tranh minh họa: Internet).

Mỗi chúng ta nên tự tin thể hiện thế mạnh của mình (tranh minh họa: Internet).

Từ ngày mạng xã hội Facebook “lên ngôi”, kéo theo sự xuất hiện của rất nhiều “ngôn ngữ mạng”, trong đó có từ “sống ảo”. Ban đầu, từ này xuất hiện chỉ với ý nghĩa để chỉ những tấm ảnh “đẹp hơn sự thật” trên trang cá nhân. Nhưng rồi dần dà, dường như nghĩa của “sống ảo” được mở rộng với muôn hình vạn trạng. Người thì đứng bên xe sang tạo dáng, người lại mặc đồ hàng hiệu đắt tiền ngồi trong nhà hàng sang trọng, người cóp nhặt lời hay ý đẹp để thể hiện mình... Có người còn đạo cả các tác phẩm văn chương của người khác nhằm tạo dựng tên tuổi bản thân. Hằng hà sa số những cách thức khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm thể hiện “đẳng cấp”. Nhưng những người ấy có thật sự “đẳng cấp” trong mắt người khác không? Tất nhiên là không, bởi những thứ mà họ thể hiện, không phải là của họ.

Một đứa con có cảm thấy hãnh diện vì được sinh ra trong gia đình quyền cao chức trọng không? Câu trả lời là có. Một cô gái có thấy mình may mắn và hạnh phúc khi lấy được một người chồng giàu có không? Đương nhiên là có. Một người có xuất phát điểm bình thường cảm giác thế nào sau một thời gian rất dài, với sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, anh được đề bạt? Hẳn là anh có thể rơi nước mắt vì vui sướng. Vậy trong 3 người ấy, ai sẽ là người cảm nhận được niềm hạnh phúc hơn cả? Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau, tùy vào nhận thức cá nhân. Nhưng chắc chắn, với những người có tư duy độc lập, không tin vào sự vững bền của những chỗ dựa, thì đều khẳng định được sức mạnh và giá trị mà tự bản thân mình kiến tạo nên.

Mỗi chúng ta chính là người quyết định cuộc sống của mình bằng niềm tin và ý chí phấn đấu, bằng nghị lực và sự kiên trì. Có thể cuộc đời đem đến cho ai đó sự may mắn về tiền bạc hay những mối quan hệ, tạo thêm thuận lợi trong cuộc sống. Nhưng hãy lấy đó làm điểm tựa, để “lấy đà”, tự kiến tạo những giá trị cho riêng mình. Vì chỉ có dựa vào sức mạnh của giá trị tự thân, chúng ta mới có thể làm chủ vận mệnh, mới tự tin sải bước trên đôi chân của chính mình.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.