Không tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngoài việc bảo đảm thực hiện thật nghiêm túc các quy chuẩn về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung, cũng như không "hy sinh" các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.
Không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, tới nay, Việt Nam đã có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021.... chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện.
Kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình 12-15%, gấp 1,5 đến 2 lần so với bình quân chung, hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đã hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, nhất là những trung tâm về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đó là những tiền đề quan trọng, là cơ sở, nền tảng để chúng ta triển khai các nhiệm vụ phát triển đô thị trong giai đoạn tới.
 
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý không
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý không "hy sinh" các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở. Ảnh: VGP/Đức Tuân
Tuy nhiên, đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỉ lệ đô thị còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều. Chất lượng đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về hạ tầng và năng lực quản lý.
Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tình trạng chung của các đô thị lớn là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi có mưa lớn. Tỉ lệ đất giao thông, đất cây xanh còn thấp, chưa bảo đảm theo yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, những định hướng, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó và trước hết là trách nhiệm của Chính phủ và Đảng bộ, chính quyền các địa phương. Thực tiễn quá trình phát triển đô thị trong những năm vừa qua và thực trạng của hệ thống các đô thị trên toàn quốc hiện nay đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề phải giải quyết trong công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, trong công tác quản lý và quản trị đô thị nói chung.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.
Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng phát triển các công trình phúc lợi như công viên, quảng trường; không "hy sinh" các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.
Cũng theo Phó Thủ tướng, các khu vực phát triển mới là cơ hội để chúng ta phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, do vậy từ khâu quy hoạch (quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết) tới quá trình triển khai xây dựng cần phải bảo đảm thực hiện thật nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỉ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi và lưu ý không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung.
Giải quyết tốt nhà ở cho người dân đô thị
Phó Thủ tướng nêu rõ, phát triển đô thị gắn với quản lý, phát triển thị trường bất động sản, phải bảo đảm ổn định và bền vững; giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân tại khu vực đô thị, nhất là các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, công nhân, người lao động. Trong quá trình đó cần quan tâm đặc biệt tới việc chỉnh trang các khu đô thị cũ, các khu chung cư đã xuống cấp để bảo đảm an toàn và tính mạng của người dân.
 
Quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) bị băm nát, nhiều dự án xén đất cây xanh, đất cơ quan sau di dời biến thành cao ốc.
Quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) bị băm nát, nhiều dự án xén đất cây xanh, đất cơ quan sau di dời biến thành cao ốc.
Chú trọng phát triển một số loại hình kinh tế đô thị mới gắn với phát triển du lịch, như kinh tế đêm, công nghiệp văn hóa, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với lợi thế đặc trưng của từng địa phương.
Cần có các giải pháp căn cơ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thực hiện tốt cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, xây dựng các trung tâm giám sát, điều hành đô thị; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền số, xã hội số.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Kết luận đã chỉ ra loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường này. Thậm chí, nhiều dự án liên tục điều chỉnh làm thay đổi chức năng sử dụng đất, “nhồi” thêm tầng cao từ 5 lên 30 tầng, xén đất cây xanh… gây quá tải lên hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Theo Ninh Phan (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.