Bà Nhàn thở dài khi bưng tô cháo thơm mùi tía tô sang nhà ông Hậu, hôm qua đã dặn mua mấy viên thuốc mà uống, còn cứng đầu bảo không cần, chỉ là cảm xoàng thôi. Giờ thì nằm rồi đấy. Tóc trên đầu trắng gần hết rồi còn nghĩ mình trẻ khỏe, phơi mưa phơi nắng. Đàn ông thui thủi một mình còn buồn hơn con chó hoang. Đã thế, ốm đau cũng không nói bà một tiếng, bà không sang có lẽ giờ còn bộ xương nằm đấy.
Minh họa: ANH DŨNG |
Hai nhà sát vách nhau mà có khi nào thấy ông Hậu chủ động nói với bà một câu, ngoại trừ mấy cái gục đầu khi thấy mặt, lắc đầu khi từ chối chén nước vối bà mời. Người ta bảo, ông im ỉm thế từ ngày vợ bỏ đi, ôm theo đứa con gái chưa tròn tuổi. Người ta cũng nói, đàn ông mà lụy mẹ quá sẽ làm khổ vợ con. Nghe kể, vợ ông Hậu ôm con bỏ đi sau vụ mẹ chồng nàng dâu cãi nhau to. Chuyện cũng chẳng có gì, nhưng mối quan hệ đã căng thẳng bấy lâu thì cây kim cũng thành lưỡi mác, chuyện cũng hơn ba chục năm nhưng người làng khi nhắc đến ông Hậu vẫn kể lại như chuyện mới hôm qua.
Ông Hậu không có bố, người ta nói mẹ ông “cải thiện” được. Suốt những năm tháng tuổi thơ, không biết bao lần ông bị những người đàn bà chặn đường, bám vai nhìn chằm chằm vào mặt, hoặc hỏi tối qua ai đến nhà mày. Những người đàn bà ấy, hẳn họ tìm nét quen thuộc của chồng họ trên mặt ông, nhưng cho đến khi mất, bà cụ cũng không nói ra, bố ông là ai. Một mẹ một con, chuyên bị điều tiếng lại nghèo nên ông Hậu thương mẹ. Khi lấy vợ, ông cũng nghĩ vợ sẽ phụ ông thương mẹ, đâu nghĩ mới ngày một ngày hai, vợ và mẹ đã thành hai phe, ai cũng muốn giành ông về phía mình. Và vợ ông thua. Lại nghe kể, khi mẹ ông Hậu mất, ông đã đi tìm vợ con suốt mấy năm ròng nhưng không thấy...
Ba chục năm, anh Hậu khi xưa đã thành ông Hậu. Ông vẫn ở ngôi nhà cũ, chắc để khi vợ có quay về vẫn còn biết chỗ mà tìm. Hoặc bà giận không về, sẽ chỉ lối cho con gái. Không biết con gái ông như thế nào, làm gì, năm nay nó hơn ba mươi, không lẽ chưa chồng con? Nếu đã vậy, không lẽ khi cưới, nó không nhớ tới ông. Không lẽ mẹ nó nói bố nó đã chết nên nó nghĩ thế. Đàn bà, khi thất vọng thật kinh khủng, không biết khi ôm con nhỏ ra khỏi nhà, trong lòng bà có gì, hay chỉ có hình ảnh anh Hậu khoanh tay cúi đầu bên cạnh mẹ, nhìn vợ con bằng ánh mắt ơ hờ?
Khi ấy, bà Nhàn mới về làng với đứa con còn đỏ hỏn. Được người quen để lại cho mảnh đất nhỏ, mẹ con bíu ríu, bà làm hàng xóm của ông Hậu từ đó. Chuyện của ông Hậu, bà nghe người làng nói thế, sống gần nhau bao nhiêu năm, bà cũng không hỏi, chuyện bà cũng chẳng vui gì, vạch lại vết thương cũ của nhau ra cũng chẳng để làm gì.
Ba mươi năm, ông Hậu chưa một lần bước chân vào nhà bà, bà biết ông ngại tiếng đời, bên vợ bỏ, bên góa chồng. Những khi ốm đau một mình, nằm co quắp, ông cũng không gọi bà một tiếng, bà không thấy ông ra đồng thì đoán già đoán non rồi tông cửa sang xem. Cánh cửa thay then đâu gần chục bận, sau ông Hậu chán không thèm sửa, cũng chán không thèm đóng cửa vì nhà có gì đáng giá đâu.
Bà Nhàn ra vào nhà ông Hậu, chẳng màng người làng nói ra nói vào. Con trai bà ban đầu nhăn nhó, sau cũng kệ, con chăm cha không bằng bà chăm ông, miễn sao vui vẻ là được, nhưng ông Hậu trước sau vẫn im lìm thế. Ba mươi năm, hồn ai nấy giữ, nhà ai nấy ở. Bữa đau bệnh, ông Hậu ăn cháo bà Nhàn nấu, uống thuốc bà Nhàn mua thì hôm sau khỏe, ông trả lại không thiếu một xu, vườn nhà bà được ông cuốc xới phân luống vuông vức, coi như trả nợ tô cháo.
Cả ngày chỉ có bà nói, còn ông luôn im ỉm như đất, kể cả lúc bà đi: “Thằng Tuấn nhà tôi sắp có đứa thứ hai, tôi phải lên với chúng nó một thời gian. Vườn tược nhờ ông chăm tỉa hộ. Cắt rau ráng mà ăn. Có dăm con gà đang đẻ trứng, lấy ăn kẻo hư”. Bà ở nhà mình thấy gì nói nấy, không cần biết ông Hậu ở bên ấy có nghe thấy không. Hồi vợ thằng Tuấn sinh con đầu lòng, bà cũng dặn dò, khi về vườn khô như rang, cây cối biến thành rơm khô. Bà đành thở dài.
…Ở thành phố mà ruột gan bà Nhàn nóng ran, không biết ở quê có chuyện gì. Đứa cháu được ba tháng, bà nói bà phải về qua nhà một chuyến, lần sau sẽ ở lâu. Trên chuyến xe nảy bật đom đóm mắt, bà nghe chuyện vợ con ông Hậu đã tìm về. Lá chưa rụng đã tìm đến cội. Bà vẫn thường cùng ông nghe ngóng thông tin, còn nhờ con trai lên tận đài truyền thanh trung ương đăng tin tìm người. Ba mươi năm không tin tức, sao bà mới đi ba tháng, tất cả đã thay đổi.
Bà Nhàn chết lặng suốt quãng đường về nhà, bà sợ nhìn thấy cảnh ông Hậu bên người vợ cũ, xung quanh là đàn con cháu. Đó giờ bà vẫn mong ông tìm được vợ con, nay thành sự thật bà lại đau, đau như có ai cầm dao đâm nơi tim mình. Bà mừng cho ông tìm được gia đình, mừng cho ông sẽ có những ngày tuổi già êm ấm, nhưng lại đau cho mình. Bà thấy buồn cười, tự giễu mình quá giả dối. Thật ra, trong lòng bà mong ông cả đời không tìm được, hoặc khi tìm được, người cũ đã ván đóng thuyền khác, đề huề êm ấm. Ông Hậu sẽ ở vậy, sẽ thấy bà cũng đang ở vậy, là cứ ở vậy thôi. Là bà nghĩ thế nhưng chưa bao giờ dám nói ra. Nay thì vĩnh viễn không thể nói, may mà chưa nói, không bị cười cho thối mặt. Đàn ông không nói gì thì thôi, đàn bà ai lại…
“Đứa con gái giống ổng ghê hồn. Vừa thấy mặt là tôi nhận ra ngay”. “Bả hẳn thương ổng lắm nên con mới giống cha”. “Thương mà sao đi biệt một hơi?”. “Cái giống bỏ đi rồi khó quay trở về lắm. Ổng không đi tìm thì thôi chứ”. “Ương ngạnh chi để phí mấy chục năm, vợ chồng cứ phải chín nắn thành mười, mười vo thành hai mươi, hơn thua chi giữa vợ giữa chồng”... Bà Nhàn sau một lúc đứng trên đê nhìn về phía làng, quyết định bắt xe lên thành phố khi ráng chiều chưa tan hết. Từ đây về làng còn non cây số, làng yên bình dưới chân đê, nơi có những rặng tre xanh và cây đa cổ thụ mấy trăm tuổi che chở ngôi đình. Từ trên này, bà như thấy mái nhà mình, thâm thâm nâu xỉn, bên cạnh là mái nhà ông Hậu, còn có cả cây sấu già. Non cây số, nhưng bà không đủ sức đi về phía ấy.
Con trai bảo, mẹ ở trên này, chúng con yên tâm hơn, ở một mình chỉ sợ đêm hôm. Bà ừ, tham gia vào mấy hội người cao tuổi trong khu, sáng sáng cùng đi tập thể dục, tối tối cùng nhau nghe hát, tản bộ. Đôi lần, bà muốn về quê ít ngày, ngập ngừng lại không nói với con. Nhà bỏ không hơn năm chắc phủ đầy bụi, vườn chắc khô khốc cả. Những đêm trở mình không ngủ được, bà cứ mơ hồ như nghe tiếng ho của ông Hậu những ngày ông bị cảm.
Mai mốt bà sẽ về, phải về chứ, dù để chúc mừng ông hàng xóm đã tìm được vợ con. Mừng cho tuổi già của ông không còn cô độc. Nói đi cũng phải nói lại, ba mươi năm sống cạnh nhau, dù không tình cũng đầy ăm ắp nghĩa.
Theo KHÁNH HIỀN (SGGPO)