Không ai vô can trước lạm thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước một khoản thu lạ ở trường học, dư luận thường chĩa mũi dùi vào một cá nhân nào đó, thường là hiệu trưởng, giáo viên hoặc người của ban đại diện phụ huynh… Nhưng thực tế cho thấy, không ai vô can trong lạm thu.

Một chuyên gia giáo dục nói, vụ cô giáo "xin hỗ trợ" mua laptop không chỉ là câu chuyện cá nhân, cũng không dừng ở một khoản thu sai mà còn là phản ánh của một môi trường giáo dục thiếu minh bạch, thiếu dân chủ và thiếu hụt nguyên tắc tối thiểu trong ứng xử văn hóa học đường.

Trong một môi trường đáng lo ngại ấy, giáo viên tự cho mình quyền đặt ra những đòi hỏi phi lý lên phụ huynh, một nhóm phụ huynh thì áp đặt suy nghĩ và điều kiện chủ quan của mình lên những phụ huynh khác. Hiệu trưởng xử lý vừa thiếu nghiêm khắc, vừa thiếu lý lẽ khiến những người lên tiếng phản ứng trước cái sai lại sợ hãi đến mức không dám cho con đến trường.

Là phóng viên theo dõi giáo dục nhiều năm, trước mỗi ồn ào lạm thu, tôi chưa cần hỏi cũng đã biết ngành giáo dục ở địa phương sẽ trả lời thế nào. Họ sẽ dẫn các thông tư, nghị định, văn bản quy định về thu chi trong trường học; quy định về thanh tra, kiểm tra với mục tiêu "tuyệt đối không xảy ra" lạm thu; còn khi lạm thu rồi họ sẽ nói "kiên quyết xử lý nghiêm"…

Tuy nhiên, khi dư luận lắng xuống, việc xử lý nghiêm dường như cũng chỉ dừng lại ở sự "kiên quyết" của lãnh đạo khi phát biểu hoặc trả lời báo chí.

Điều gì khiến lạm thu lặp đi lặp lại mỗi năm vẫn là câu hỏi đầy nhức nhối.

Trong nhiều bài viết phản ánh về lạm thu trên Thanh Niên gần đây, các chuyên gia cũng đã chỉ ra ngân sách chi cho giáo dục chưa đảm bảo khiến chủ trương xã hội hóa giáo dục, vốn tốt đẹp, đã bị lạm dụng và thực hiện méo mó.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cuối năm học vừa qua nêu những con số đầy âu lo: trung bình cả nước, trang thiết bị dạy học tối thiểu chỉ đạt khoảng 50%; hơn 70% địa phương nêu thiếu kinh phí trong việc mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất trường học; quy định chi tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục nhưng chưa năm nào đạt được, đã vậy phần lớn dành chi trả lương cho giáo viên, một phần chi cho xây dựng cơ sở vật chất nên các hoạt động giáo dục khác còn lại quá ít.

Đầu tư ngân sách cho giáo dục chưa đủ mức tối thiểu, chính quyền dường như cũng không thể mạnh tay xử lý vi phạm về lạm thu. Bởi, không thu của phụ huynh, chính quyền địa phương trả lời ra sao với các nhà trường khi ngân sách địa phương cấp cho giáo dục không đủ theo quy định của nhà nước, không đủ so với nhu cầu nhỏ nhất của giáo dục?

Văn hóa, dân chủ học đường chưa được thiết lập, phụ huynh dù ấm ức cũng không thể giám sát và lên tiếng để phản ứng, tố cáo về lạm thu; hiệu trưởng, giáo viên thì như những "ông quan" đầy quyền uy trong trường học…

Rõ ràng, không có ai vô can trước lạm thu. Chặn lạm thu không thể chỉ bằng việc đưa ra các văn bản mà còn là cộng đồng trách nhiệm, từ Bộ GD-ĐT đến chính quyền địa phương và mỗi tổ chức, cá nhân trong nhà trường. Đầu tư cho giáo dục phải đủ, ít nhất ở mức tối thiểu rồi mới tính chuyện xã hội hóa để phục vụ những nhu cầu cao hơn. Khi dân chủ và văn hóa học đường được thiết lập thì dù thu hay "xin" của phụ huynh bất cứ khoản đóng góp nào, thiết chế văn hóa ấy cũng vận hành theo cách để mỗi phụ huynh thấy từng đồng tiền mình bỏ ra được sử dụng vì chất lượng giáo dục, vì chính con em của họ.

Có như vậy thì dù vẫn còn những khoản đóng góp tự nguyện nhưng sẽ không còn sự ấm ức.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Mặc dù cơ quan chức năng của TPHCM đã rất nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn còn đến 41.000 căn nhà hiện chưa được cấp giấy chủ quyền (sổ hồng). Đây là con số rất lớn, phản ánh việc cấp sổ hồng vẫn rất gian nan, đòi hỏi phải có quyết tâm cũng như bổ sung các quy định của pháp luật để xử lý rốt ráo.

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.