(GLO)- Đó là một công trình thủy lợi thuộc lưu vực Biển Hồ, gồm hồ chứa, đập ngăn nước và hệ thống kênh mương với tên gọi đầy đủ là hệ thống thủy lợi Tân Sơn, được đầu tư xây dựng từ năm 2009 nhằm cung cấp nước tưới cho 450 ha lúa nước và hoa màu của xã Nghĩa Hưng, Chư Jôr (huyện Chư Pah) và xã Tân Sơn (TP. Pleiku). Từ vài năm trở lại đây, bờ đập này đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc vào dịp lễ, Tết hay ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là với những bạn trẻ.
Từ ngã ba Tân Sơn-Hà Bầu, theo lối đi qua trung tâm hành chính xã Chư Jôr, đến ngã ba Chư Jôr-Chư Đăng Ya rẽ trái, theo con đường duy nhất xuyên ngang cánh đồng Chư Jôr là đến nơi. Thật dễ dàng đến với đập nước, bởi đường đi hầu như đã được bê tông hóa rộng rãi. Những đoạn chưa bê tông hóa thì cũng được san ủi phẳng phiu. Có một lối đi khác dẫn đến đập nước, đó là ngang qua đồi chè Nghĩa Hưng, tới mỗi ngã rẽ lại có biển chỉ dẫn, đi lối nào cũng rất thuận tiện.
Hồ thủy lợi Tân Sơn. Ảnh: Đ.A.D |
Cảnh vật 2 bên đường dẫn đến đập nước 4 mùa đều đẹp như tranh vẽ, bởi những mảng màu tuyệt đẹp hòa phối của tự nhiên. Tôi thích thời điểm những cơn mưa cuối cùng vừa đi vắng khỏi Tây Nguyên. Đó là lúc cây lá nuột nà xanh, nhìn chỗ nào cũng căng tràn nhựa sống. Những ruộng lúa vàng ruộm chuẩn bị vào vụ gặt thấp thoáng bên những sườn núi xanh biếc uốn lượn nên thơ. Màu nước, màu trời, màu cỏ cây, tất cả thật xanh trong.
Nhưng cái xanh trong đến tận cùng lùa vào mọi giác quan phải là khi đặt bàn chân trần xuống cái bờ dốc thoai thoải dẫn xuống mặt hồ nước, trung tâm của cảnh đẹp. Mặt hồ với diện tích lưu vực 18 km2 trải ra mênh mông hút tầm mắt. Tôi theo những bậc thang, bước xuống sát mép nước và đã lặng đi rất lâu trước âm thanh của sóng nước ì oạp ngay dưới chân mình. Trong đầu tôi khi ấy nhẹ vang giai điệu của Carolans Welcome, một bản nhạc không lời tận cùng êm dịu. Trong cái tận cùng êm dịu ấy, có tiếng lao xao của một bầy chim đông đúc kiếm ăn trên một mặt hồ, có tiếng thảng thốt gọi bạn của một chú chim lạc bầy, có tiếng vỗ cánh bay lên thật nhẹ, thật nhẹ… Tất cả những âm thanh ấy hòa vào mênh mông sóng nước, gợi ra một cảnh vui tai vui mắt mà lại quá đỗi yên bình.
Mọi cảm xúc cuốn tôi đi trước trời mây non nước, cứ thế lặng lẽ mà thả mình vào biêng biếc trong xanh, tưởng như thời gian đang cùng tôi chậm lại. Phía bên kia bờ đập, ngay sau lưng tôi là một sườn đồi tím biếc hoa cỏ may, cỏ đuôi chồn, trinh nữ. Đàn bò lông vàng óng mượt thung thăng gặm cỏ, tiếng lục lạc lanh canh gọi về một tiếng sáo diều hư hư, thực thực. Kia là dòng suối Rơ Nhing cần mẫn luồn lách qua những khe đá mà đem dòng nước ngọt ngào tưới mát ruộng vườn. Kia là núi Một, ngọn núi bao đời nay cô lẻ một mình; kia là núi Đá, và kia nữa-núi Lở… Một ngày nào đó, giá như bàn chân mình có thể đặt lên chinh phục tất cả những ngọn núi có tên và không tên kia. Và điểm vào màu xanh của trời mây non nước ấy là màu xanh của thông chen chúc, dan díu nhau mà soi gương vào mặt hồ phẳng lặng. Dưới những tán thông, hoa ngũ sắc, xuyến chi, bông bay, cỏ đuôi chồn, trinh nữ… đua nhau khoe sắc. Cả những cây khô dưới lòng hồ cũng như góp phần tô điểm cho cảnh vật thêm sinh động.
Một thời điểm nữa mà đập Tân Sơn trở nên tuyệt đẹp, đó là vào cuối mùa khô. Nước dưới lòng hồ và trong những khe suối khi ấy rút cạn, để lộ ra những tảng đá xanh rêu. Đây cũng chính là thời điểm cỏ dại mọc và nở hoa ngay dưới lòng hồ, hàng trăm loài hoa, có tên và không tên, tất cả tạo nên sự mê hoặc đến diệu kỳ. Những học trò bé nhỏ của tôi theo chân đàn bò đến nơi này và đó là lý do thỉnh thoảng tôi lại nhận được một bó hoa dại nho nhỏ xinh xinh.
Khi viết những dòng này, tôi lại mở bản nhạc không lời Carolans Welcome của Dan Gibson. Và trước mắt tôi hiện ra mặt hồ trong xanh ì oạp sóng, dòng nước mát lành tràn qua mặt đập, róc rách theo các con mương đổ vào những thửa ruộng xanh tươi no ấm. Đâu đó như còn vẳng tiếng vỗ rất nhẹ của một cánh chim lẻ bạn và tiếng lục lạc leng keng của đàn bò trở về những buôn làng sau một ngày no cỏ. Trên tay đám trẻ nhỏ là những bó hoa dại được hái từ yêu thương…
Đào An Duyên