Từ ngày 15.11 tới, nếu có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Đây là một trong những quy định tại Nghị định 117 nhằm hạn chế tệ nạn bia rượu, một quy định rất văn minh.
Trên thực tế, người Việt Nam uống rượu bia thuộc loại "kinh hoàng", gần 4,7 tỉ lít bia, 350 triệu lít rượu trong năm 2018. Tính bình quân giá mỗi lít bia/rượu là 1 USD, thì chi phí cho bia rượu đã vượt 5 tỉ USD.
Cùng với mấy tỉ lít bia là nhiều mạng người bị cướp đi và thương tật do tai nạn giao thông, nhiều vụ ẩu đả có vụ dẫn đến chết người. Chưa kể, không ít người mang trong mình bệnh tật có nguyên nhân từ uống nhiều bia rượu.
Đưa ra các quy định mang tính pháp lý để điều chỉnh hành vi của công dân, nâng cao ý thức và nếp sống văn minh cho cộng đồng là rất cần thiết, nhưng luật đã ban hành thì phải áp dụng vào cuộc sống, nếu không thì người dân sẽ coi thường pháp luật.
Ví dụ, Điều 32 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc xử phạt các hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhưng cho đến nay, chưa có mấy ai bị xử phạt vì hành vi này.
Hoặc, pháp luật về bảo vệ môi trường quy định xử phạt hành vi xả rác, nhưng trên thực tế, người dân xả rác rất bừa bãi. Nếu như các cơ quan chức năng làm nghiêm việc xử phạt, thì sẽ không ai dám xả rác, dân nước nào cũng vậy thôi, chỉ có pháp luật mới trị được thói xấu.
Trở lại với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia, có thể thấy rằng, rất khó xác định để xử phạt.
Thế nào là xúi giục, mời uống chén rượu hay cốc bia là một hành vi, nhưng thế nào là mời, thế nào là xúi giục lại rất cảm tính. Tương tự, rất khó xác định thế nào là lôi kéo người khác uống rượu bia.
Muốn xử phạt người xúi giục thì phải tố cáo. Thông thường những người đã ngồi chung bàn rượu với nhau là bạn bè, người quen biết, cho dù có bị ép đôi ba ly rượu, thì cũng không ai đi tố cáo nhau. Như vậy, cơ quan chức năng không thể biết để xử phạt. Hoặc ngay cả khi có người tố cáo người khác ép buộc mình uống bia rượu, thì việc đưa ra chứng cứ để xác định hành vi vi phạm cũng không đơn giản.
Quy định sát với thực tế thì phát huy hiệu quả ngay, điển hình như uống rượu bia thì không lái xe. Cái máy đo nồng độ không cảm tính nên không ai có thể chối cãi. Hãy đưa ra những quy định có thể đo lường được hành vi và mức độ vi phạm thì luật mới đi vào cuộc sống.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)