Khi người trẻ mê văn hóa dân gian

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ở xã miền núi Xuân Hóa (H.Minh Hóa, Quảng Bình), nhiều học sinh đang sinh hoạt đàn hát dân ca hằng tuần để lưu giữ các làn điệu địa phương; người khởi xướng cũng là một học sinh.
Một buổi học của CLB dân ca nhí xã Xuân Hóa/K.N
Một buổi học của CLB dân ca nhí xã Xuân Hóa/K.N
Đến với dân ca qua lời ru
Nói về phong trào đàn hát dân ca nhí ở Xuân Hóa thì phải nhắc đến thủ lĩnh Hoàng Việt Anh (19 tuổi, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Luật - ĐH Huế). Việt Anh chia sẻ: “Em hát được dân ca từ nhỏ. Chắc là lúc học mẫu giáo đã hát được rồi. Vì thời đó mẹ em đi dạy học xa nhà, gửi em cho bà ngoại trông nom, bà hát các làn điệu dân ca ru em ngủ nên em học theo”.
Càng lớn, Việt Anh càng đam mê dân ca kỳ lạ. Thế là cậu xin bố mẹ tìm đến nhờ Nghệ nhân Dân gian Đinh Thị Phương Đống ở cùng xã chỉ dạy. Tình huống này khiến bà Đống bất ngờ và mừng đến rơi nước mắt, bởi từ xưa đến nay, đây là lần đầu tiên có một người tự tìm đến học dân ca, lại là người nhỏ tuổi.
Từ đó, hai bà cháu say sưa dạy học. Ngoài lịch cố định ngày nghỉ cuối tuần, những lúc rảnh hay bất chợt phát hiện ra điều gì đó mới lạ, cậu lại lọc cọc đến học hỏi. Về phần bà Đống, không chỉ dạy hát, bà còn giảng giải từng gốc tích, cội nguồn và sự gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt dân gian của từng làn điệu. Vì thế, Việt Anh hiểu hơn, yêu thích văn hóa, phong tục bản địa hơn.
Việt Anh bên những hiện vật dân gian quý hiếm do cậu sưu tầm tặng nhà truyền thống huyện
Việt Anh bên những hiện vật dân gian quý hiếm do cậu sưu tầm tặng nhà truyền thống huyện
Những ngày đầu lo Việt Anh sẽ không theo được cái khó của dân ca bao nhiêu thì nay bà Đống tự hào về người học trò trẻ của mình bấy nhiêu. Cậu như truyền nhân của bà khi đã nắm rành mạch, hát được tất cả các làn điệu dân ca địa phương; hát được bằng tiếng Nguồn và cả tiếng Kinh.
Rồi cậu tìm đến các nghệ nhân khác trong vùng để học chơi nhạc cụ. Hiện Việt Anh có thể chơi đàn bầu, sáo, trống con, trống cơm, sập xỏa, đàn ống, nhị hồ…
Gầy dựng tình yêu dân ca
Năm 2017, khi đang học phổ thông, để nhân lên tình yêu dân ca trong người trẻ, góp phần giữ gìn văn hóa quê hương, Việt Anh vận động các học sinh nhỏ tuổi hơn ở trong thôn, xã cùng tham gia đàn hát dân ca. Ban đầu chỉ một nhóm nhỏ, dần dần nâng lên hơn 20 em cùng sinh hoạt nhóm vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Ngôi nhà nhỏ của Việt Anh được trưng dụng làm “đại bản doanh” của nhóm dân ca nhí. Nghệ nhân Phương Đống đứng lớp dạy nhóm; khi nào bà bận thì Việt Anh dạy thay. Cứ thế, điệu hò lời ru ngọt ngào lan tỏa một vùng.
Việt Anh tâm sự: “Khó khăn nhất của chúng em là không có kinh phí hoạt động, nhất là khi mới thành lập. Nhưng thuận lợi vì các em tham gia khá đầy đủ và nhiệt tình. Tin vui là vừa rồi Hội Di sản văn hóa Việt Nam H.Minh Hóa đã chính thức xác nhận Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca trẻ tuổi xã Xuân Hóa của chúng em”.
Ngoài dạy hát, Việt Anh còn dạy cách chơi nhạc cụ dân tộc cho các em và dạy các trò chơi dân gian để tham gia hội rằm huyện hằng năm. Câu lạc bộ ngày càng có sức hút, thêm nhiều em nhỏ tham gia, nâng lên con số hơn 40 người. Em Đinh Mai Đức Bảo (học sinh lớp 6) nói: “Khi quen và hiểu rồi thì hát dân ca không còn khó nữa, nhờ sinh hoạt dân ca mà chúng em yêu hơn văn hóa dân gian, biết đến hò thuốc cá, hát giao duyên và đỡ ghiền trò chơi điện tử”.
Việt Anh tham gia biểu diễn đàn bầu tại Đại nội Huế
Việt Anh tham gia biểu diễn đàn bầu tại Đại nội Huế
Bỏ tiền túi sưu tầm hiện vật dân gian
Ít ai biết, từ lúc còn trên ghế phổ thông, Việt Anh đã có những đóng góp lớn cho công cuộc bảo tồn văn hóa dân gian H.Minh Hóa. Từ niềm đam mê dân ca, cậu bắt đầu nhận thấy có nhiều hiện vật dân gian dần mất đi trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, từ năm 2017, Việt Anh tự nguyện đi xin, sưu tầm hiện vật của các hộ gia đình hiến tặng cho nhà truyền thống huyện. Đến nay, cậu đã sưu tầm và hiến tặng hơn 30 hiện vật quý; trong đó có nhiều hiện vật hiếm như: rìu đồng nhỏ (nhận định thời Lê), ống nhổ nước trầu bằng đồng và nồi đồng nhỏ (nhận định thời Cần Vương), cưa đại…
Việt Anh bật mí: “Ngoài giờ đi học, em tranh thủ thời gian đi sưu tầm các hiện vật trong các nhà người dân. Em tìm hiểu, hỏi thăm ai có gì không. Nghe nhà ai có hiện vật cổ quý là em đến xin. Quá trình đi xin rất vất vả vì những hiện vật đó của ông bà họ để lại nên họ cất làm kỷ niệm. Nhưng em cố gắng động viên, thuyết phục họ, giải thích cho họ hiểu những lợi ích sau khi họ hiến tặng. Những gia đình hiểu sẽ cho, những gia đình không cho thì em tiếp tục đến lần 2, lần 3 để thuyết phục. Nếu không cho nữa, em tìm cách mua bằng tiền cá nhân. Cái nào có số tiền lớn thì em nói cho hội di sản mua”.
Khi xin hay mua được hiện vật, Việt Anh đều hỏi thêm gia chủ về ý nghĩa, lịch sử, nguồn gốc hiện vật. Sau đó, cậu về nghiên cứu thêm qua các tài liệu, so sánh hình ảnh, cách làm, công dụng và tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu rồi mới đưa ra kết luận, ghi thành một tập tư liệu nộp cho hội di sản.
Vào Huế học, Việt Anh vẫn dành thời gian về nhà để duy trì sinh hoạt cho câu lạc bộ dân ca nhí, kết nạp thêm các thành viên mới và cùng với các nhà nghiên cứu đi tìm hiểu văn hóa dân gian trong huyện. Một quyển sách về các làn điệu dân ca cổ có nguy cơ mai một là ấp ủ của nghệ nhân Phương Đống và Việt Anh.
Theo Khánh Ngọc (ThanhNiên)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện gùi hàng về căn cứ

Chuyện gùi hàng về căn cứ

(GLO)- Dốc An Toàn, dốc Ông Hương, đường Ông Dũng, dốc Thò Lò... là những địa danh mà ai đã từng tham gia gùi hàng từ Bình Định, Quảng Ngãi về căn cứ tỉnh Gia Lai trong kháng chiến đều không thể nào quên.

Phường Tây Sơn ra mắt tủ sách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phường Tây Sơn ra mắt tủ sách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(GLO)- Sáng 1-11, Trung tâm học tập cộng đồng phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) ra mắt tủ sách trưng bày, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn.

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đoàn xã Chư Răng khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê", chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Tuổi trẻ Ia Pa chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động các nguồn lực, triển khai nhiều công trình, phần việc, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.