Khi người trẻ góp phần tạo nên bản sắc đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần đầu tiên mô hình chợ trời (flea market) được tổ chức tại tổ hợp Time Zone-195 Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) đã thu hút đông đảo giới trẻ. Một nơi không chỉ để khám phá văn hóa săn đồ second-hand (đồ cũ), mà còn là nơi cảm nhận rất rõ lối sống và cá tính của thị dân. Đây cũng là cách để những người trẻ góp phần tạo nên bản sắc đô thị.
Nếu thích những món đồ cũ độc, lạ hay đơn giản khám phá nhịp sống bình thường của người dân Phố núi, đặc biệt là sự chuyển động trong đời sống văn hóa tinh thần được thể hiện đậm nét qua phong cách thời trang của giới trẻ thì chợ trời Time Zone chính là một nơi như vậy. Lạc vào chợ trời Time Zone cảm giác thích thú như đang khám phá xứ sở nào đó chứ không phải chính nơi ta sống. Chính sự mới lạ này đã dẫn dụ mọi người lui tới đông vui.
Với các gian hàng bán sản phẩm second-hand độc, lạ như quần áo thời trang, giày dép, túi xách, đồ nội thất, đồ gốm, decor (trang trí)… chợ trời còn có một số dịch vụ bán cây xanh, đổi đồ cũ lấy voucher mua hàng. Sau khi đã tham quan các gian hàng, lựa chọn những món đồ “độc bản” như chính bản thân mỗi người tồn tại trên cõi đời này, khách hàng có thể tìm một chỗ ngồi ấm áp để nhâm nhi củ khoai nướng tươm mật trên bếp than hồng hoặc ghé vào gian hàng tarot để tham gia một trò chơi cổ với những lá bài. Trò chơi này có nguồn gốc từ châu Âu, ra đời vào khoảng thế kỷ XIV và hiện khá phổ biến trong đời sống giới trẻ. Cách không xa là sân khấu ngoài trời, nơi có ban nhạc trẻ chơi những bản acoustic, vừa đủ mộc mạc, sâu lắng để rót vào lòng những thân gần trong đêm đông lạnh Phố núi.
Các gian hàng tại Time Zone
Các gian hàng tại Time Zone. Ảnh: Time Zone
Người tới chợ trời Time Zone còn thích thú khi các bạn trẻ mang đến những sắc thái thời trang “cực chất”, thể hiện gu thẩm mỹ tinh tế, độc đáo. Từ những trang phục mang đậm phong cách thời trang của nhiều thập niên trước, đến sự kết hợp mới mẻ giữa phong cách cổ điển hòa quyện với xu hướng thời trang hiện đại. Phong cách ăn mặc thể hiện rõ cá tính riêng của bạn trẻ Pleiku hiện nay. Và như vậy, lang thang chợ trời không chỉ để khám phá nét văn hóa săn đồ second-hand độc lạ mà còn để cảm nhận xu hướng thời trang và lối sống. Phiên chợ không chỉ thu hút giới trẻ mà còn với nhiều độ tuổi, dân tộc. Hòa mình vào không khí chợ trời hơi hướng văn hóa phương Tây song vẫn đậm đặc phong vị và lối sống bản địa, là vậy.
Time Zone là tổ hợp nhiều dịch vụ, xây dựng trên khu đất rộng hơn 3.000 m2. Dễ nhận ra các gian hàng được thiết kế có chất riêng, thể hiện gu thẩm mỹ tinh tế. Những bạn trẻ thực hiện dự án này đều là người Gia Lai, có người là cựu sinh viên báo chí, người làm thiết kế, nhiếp ảnh gia trẻ… Cô gái 9X Hoàng Quyên là người có ý tưởng mở tổ hợp này sau nhiều năm làm việc và kinh doanh thời trang ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ: “Tôi sống ở Phố núi chưa đủ lâu để quan sát cuộc sống và đúc kết lối sống, cốt cách của con người đô thị. Sau nhiều năm đi xa trở về, tôi nhận ra một dòng chảy văn hóa khá sôi động, mạnh mẽ, nhất là trong lớp người trẻ tuổi, thể hiện đậm nét qua cá tính ăn mặc, tạo nên một phong cách rất riêng, rất khác biệt. Tôi phải ồ lên, giới trẻ Pleiku “đỉnh” và “chất” quá, không thua bất cứ thành phố lớn nào nơi tôi từng làm việc. Nhưng họ đơn lẻ, chưa có không gian chung để gặp gỡ, giao lưu, tạo nên một trào lưu và định hình một phong cách riêng mình. Tổ hợp Time Zone là khao khát của tôi tạo ra một nơi chốn như vậy. Tôi hy vọng với am hiểu và mỹ cảm tốt về các xu hướng thời trang, các bạn trẻ sẽ chắt lọc những gì tinh tế, phù hợp để tạo nên bản sắc văn hóa ngay từ cá tính, phong thái ăn mặc”.
Các bạn trẻ thích thú lựa những món đồ độc, lạ tại Time Zone. Ảnh: Time Zone
Các bạn trẻ thích thú lựa những món đồ độc, lạ tại Time Zone. Ảnh: Time Zone
Chọn mặt hàng second-hand để mở cửa phiên chợ đầu tiên đón khách, Hoàng Quyên hy vọng khách hàng tiếp nhận, làm quen với sự khác biệt truyền thống. Văn hóa săn đồ cũ đã trở thành một trào lưu thịnh hành ở Pleiku suốt gần 2 thập kỷ qua. Nhưng chưa có mô hình nào tập trung, hội tụ nhiều mặt hàng như ở Time Zone. Những món đồ cũ đưa vào chợ trời dù là trang phục thời trang, đồ gốm… đều được xử lý lại để tăng thêm giá trị. Hoàng Quyên chia sẻ: “Tôi muốn mọi người hiểu rằng đồ cũ cũng có giá trị riêng của nó. Săn đồ second-hand giống như chơi trò đào vàng vậy. Đó là những món độc, lạ và cũng cần có cái duyên mới sở hữu được. Khi gặp một món đồ vừa ý và đúng thời điểm, nó lại là duy nhất, tâm lý sẽ muốn mua ngay”.
Theo Hoàng Quyên, các đô thị du lịch của Việt Nam, chợ trời còn là nơi định danh cho bản sắc đô thị, có sức hấp dẫn riêng đối với du khách. “Tôi có một giấc mơ lớn, đó là biến nơi này thành một trong những đặc trưng cho đô thị Pleiku. Và người trẻ như chúng tôi có trách nhiệm góp phần định hình bản sắc đô thị theo cách riêng của mình”-Hoàng Quyên nói.
Time Zone mở cửa chợ phiên trong 2 ngày trước khi chính thức đi vào hoạt động vào ngày 11-12 sắp tới. “Gieo trồng văn hóa” cần có sự kiên trì và khát vọng. Những người trẻ như Hoàng Quyên và các cộng sự bằng cách thức riêng hy vọng có thể “gieo trồng”, thổi gu thời trang mới cho công dân trẻ Phố núi.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng-chống mua bán người cho cán bộ Đoàn huyện Đak Đoa

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng-chống mua bán người cho cán bộ Đoàn huyện Đak Đoa

(GLO)- Sáng 10-12, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), Văn phòng Bộ Công an phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng-chống mua bán người dành cho cán bộ Đoàn cơ sở.

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

(GLO)- Với tấm bằng IELTS 8.0, Mai Ngọc Anh (SN 2000)-Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã truyền cảm hứng học tập cho nhiều học sinh ở TP. Pleiku. Nhiều hoạt động hướng về cộng đồng được cô giáo Gen Z triển khai giúp thanh thiếu nhi có thêm những kỹ năng giao tiếp bổ ích.

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Chàng trai xứ Mường mang bát phở “hương vị ngàn năm” về phố núi Pleiku

Chàng trai xứ Mường mang bát phở “hương vị ngàn năm” về phố núi Pleiku

(GLO)- Mỗi sáng cuối tuần, quán Ẩm thực Dông Ưng 2 (số 154 đường Phạm Ngọc Thạch, phường Đống Đa, TP. Pleiku) lại trở thành điểm hẹn quen thuộc của thực khách gần xa. Chỉ trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, quán bán ra gần 1.000 bát phở gà mang “hương vị ngàn năm”, thỏa lòng người Phố núi.

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

(GLO)- Đại úy Trần Thị Thu Hà-Trợ lý Quân y (Ban Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh. Đặc biệt, chị còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội thao Quân sự quốc tế 2022 (Army Games) tại Liên bang Nga.

Với sự quyết tâm cao, tiểu trại Krông Pa-Phú Thiện đạt giải nhất toàn đoàn của trại huấn luyện cán bộ Đoàn-Hội lần thứ IX. Ảnh: P.L

Trại huấn luyện cán bộ Đoàn-Hội lần thứ IX trau dồi kỹ năng, vượt qua thử thách

(GLO)- “Hiểu lý luận-Giỏi kỹ năng-Chinh phục thử thách-Vượt qua chính mình” là điều mà Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh kỳ vọng vào 111 trại sinh tham gia trại huấn luyện cán bộ Đoàn-Hội lần thứ IX-2024 diễn ra trong 3 ngày (từ 27 đến 29-11) tại Trường Cao đẳng Gia Lai.